Máy dệt chiếu của HTX Long Kim được hỗ trợ từ chương trình khuyến công
Năm 2015, Trung tâm Khuyến công tỉnh Long An đã xây dựng đề án hỗ trợ các cơ sở công nghiệp ở nông thôn nhằm thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp. Tổng kinh phí thực hiện chương trình khoảng 1,5 tỉ đồng. Từ nguồn kinh phí này, trung tâm đã hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn thay đổi thiết bị, công nghệ để cải thiện năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển mặt hàng mới, mở các lớp truyền nghề nhằm tạo nguồn lao động,...
Mới thành lập vào đầu năm 2014, Hợp tác xã (HTX) Tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ Long Kim (HTX Long Kim) có trụ sở tại ấp 3, xã Long Định, huyện Cần Đước, chuyên sản xuất chiếu lát, vẫn còn khó khăn rất nhiều về tài chính. Giám đốc HTX Long Kim - Đặng Văn Út cho biết, HTX hiện có 50 xã viên. Do nguồn vốn còn hạn chế nên các máy dệt chiếu của HTX đa số cũ, dạng bán thủ công nên năng suất thấp. Để nâng cao hiệu quả kinh doanh, HTX đã lập đề án mua thêm 2 máy dệt chiếu hoàn toàn tự động trị giá 340 triệu đồng với mong muốn thay đổi công nghệ và quy trình sản xuất.
Chiếu của HTX Long Kim được tiêu thụ mạnh trên thị trường
Nhằm giúp HTX Long Kim thay đổi công nghệ trong sản xuất chiếu lát, Trung tâm Khuyến công đã hỗ trợ 100 triệu đồng, kinh phí từ chương trình khuyến công địa phương.
Theo ông Đặng Văn Út, máy dệt chiếu mới có công nghệ hoàn toàn tự động. Mỗi ngày sản xuất được 35 chiếc chiếu, tăng 75% năng suất so với máy cũ, mẫu mã đẹp hơn.
Hiện nay, mỗi ngày HTX Long Kim sản xuất khoảng 800 chiếc chiếu cung cấp cho các chợ đầu mối, các đơn vị tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, đầu năm 2015, HTX nhận hợp đồng cung cấp cho hệ thống siêu thị Metro với số lượng lớn, lâu dài nên yêu cầu nâng cao năng lực sản xuất ngày càng cao. Do đó, việc có được máy dệt chiếu mới giúp HTX cung cấp đủ yêu cầu của khách hàng về số lượng cũng như chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, HTX Long Kim còn tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động với mức thu nhập trung bình 3 triệu đồng/người/tháng.
Chương trình khuyến công còn giúp các hộ, cơ sở sản xuất công nghiệp ở nông thôn nâng cao tay nghề, truyền nghề cho học viên nhằm tạo nguồn lao động ổn định cho sản xuất. Nghệ nhân Nguyễn Văn Dũng (phường 6, TP.Tân An) có thâm niên trong nghề điêu khắc cho biết, nghề này rất kén người vì đòi hỏi nhiều yếu tố như tính cần mẫn, tỉ mỉ, sáng tạo và đặc biệt là phải yêu thích. Thời gian để một người có thể thạo nghề khá dài nên hiện nay đa số giới trẻ không yêu thích. Vừa qua, được sự hỗ trợ từ chương trình khuyến công, cơ sở điêu khắc của ông đã đào tạo và nâng cao tay nghề cho 10 lao động, tạo nguồn lao động lâu dài cho cơ sở, góp phần giữ gìn, bảo tồn nghề truyền thống của quê hương.
Ông Nguyễn Văn Bôn cho biết thêm, thời gian tới, chương trình khuyến công sẽ tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ở khu vực nông thôn giúp họ nhanh chóng thoát khỏi những khó khăn về năng lực sản xuất, vốn; củng cố công tác tư vấn, hỗ trợ đầu tư đổi mới dây chuyền sản xuất; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển các mặt hàng mới phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của thị trường./.
Gia Hân