Tiếng Việt | English

08/03/2017 - 16:57

Hòa giải ở cơ sở góp phần giữ gìn đoàn kết trong cộng đồng dân cư

Xác định công tác hòa giải cơ sở (HGCS) đóng vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng tình làng, nghĩa xóm, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; từ năm 2014 đến nay, với nhiều biện pháp phù hợp, Long An đạt nhiều kết quả tích cực. Những mâu thuẫn trong cuộc sống thường ngày của người dân được các cán bộ làm công tác HGCS kịp thời tháo gỡ, góp phần giữ gìn tình đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư.

100% khu phố, ấp có tổ hòa giải

Theo Sở Tư pháp tỉnh Long An, đến nay, toàn tỉnh có 1.031 khu phố, ấp với 1.045 tổ hòa giải; 6.719 hòa giải viên trực tiếp làm công tác HGCS.

Với tinh thần trách nhiệm, không vì lợi ích cá nhân, bằng kiến thức, kinh nghiệm sống, đội ngũ hòa giải viên tích cực, chủ động, kiên trì tiến hành hòa giải thành công nhiều vụ việc, góp phần giữ gìn tình đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư.


Hội thi hòa giải viên giỏi là dịp để các hòa giải viên cơ sở giao lưu, học tập kinh nghiệm

Ông Hồ Quốc Minh, dù đã 69 tuổi nhưng vẫn gắn bó với công tác HGCS tại khu phố Rọc Chanh A, thị trấn Tân Hưng, huyện Tân Hưng.

Theo ông Minh, những mâu thuẫn nhỏ từ cơ sở rất nhiều, trung bình mỗi năm, tổ HGCS của địa phương ông trực tiếp hòa giải khoảng 30 trường hợp. Hầu hết các tranh chấp tại cơ sở là những mâu thuẫn thường ngày như đất đai, hôn nhân - gia đình,...

Có trường hợp hai người bạn thân với nhau mấy chục năm, nhưng vì tranh chấp ranh đất mà “không muốn nhìn mặt nhau” được tổ hòa giải khu phố hòa giải thành. “Những trường hợp như vậy, người làm công tác HGCS phải thật khéo léo, kiên trì, hiểu từng người dân để vận động, hòa giải” - ông Minh cho biết.

Chị Nguyễn Thị Kim Ngân - hòa giải viên xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức cho biết: “Tuy những mâu thuẫn, tranh chấp tại cơ sở là những tranh chấp nhỏ nhưng nếu không được xử lý kịp thời rất dễ dẫn đến mất tình làng, nghĩa xóm, thậm chí có thể dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật. Muốn làm tốt công tác HGCS, đòi hỏi mỗi hòa giải viên phải trang bị kiến thức pháp luật, cách đối nhân, xử thế, vận dụng khéo léo kiến thức pháp luật trong từng vụ việc, giải quyết các tranh chấp một cách thấu tình, đạt lý”.

3 năm qua, các tổ hòa giải thụ lý 8.129 vụ việc. Trong đó, tranh chấp phát sinh chủ yếu từ quan hệ dân sự với 5.420 vụ việc; hôn nhân - gia đình 1.174 vụ việc; lĩnh vực khác 1.535 vụ việc. Các tổ hòa giải đã hòa giải thành 6.988 vụ việc, đạt trên 85%.

Nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác hòa giải cơ sở

Những năm qua, Sở Tư pháp và hệ thống tư pháp trong tỉnh thường xuyên bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức pháp luật mới cho đội ngũ làm công tác quản lý HGCS, phổ biến Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành luật đến các cấp, bằng các hình thức: Hội nghị tập huấn, hội nghị triển khai, hội thi tìm hiểu pháp luật, hội thi hòa giải viên giỏi, thông qua hoạt động sinh hoạt “Ngày Pháp luật” định kỳ, lồng ghép trong các cuộc họp cơ quan, đơn vị, học tập chính trị; sinh hoạt ở các chi, tổ hội,...

Đông đảo "cổ động viên" theo dõi Hội thi hòa giải viên giỏi

Tính từ năm 2014 đến nay, từ tỉnh đến các địa phương tổ chức tuyên truyền được 26.505 cuộc với 1.160.712 lượt người dự. Tổ chức tập huấn cho tổ trưởng, tổ phó và hòa giải viên về kỹ năng, nghiệp vụ công tác HGCS được 40 lớp với 3.375 hòa giải viên.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Hòa giải ở cơ sở còn thông qua Trang thông tin điện tử Sở Tư pháp, các huyện, thị xã, thành phố qua việc thường xuyên đăng tin, bài liên quan đến hoạt động tuyên truyền Luật Hòa giải ở cơ sở. Từ đó, giúp hoạt động HGCS ngày càng đi vào nền nếp, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.

Trưởng phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp - Lê Thị Lo cho biết: “Việc thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh tác động tích cực đến đời sống xã hội, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện, vững chắc cho hoạt động HGCS đi vào chiều sâu, thống nhất, hoạt động hiệu quả, tạo bước chuyển biến trong công tác HGCS. Hầu hết các tổ hòa giải được kiện toàn đúng quy định, chất lượng hòa giải được nâng lên. Điều đó được thể hiện qua tỷ lệ các vụ hòa giải thành năm sau cao hơn năm trước”.

Công tác HGCS hỗ trợ đắc lực cho chính quyền địa phương trong việc giải quyết trực tiếp những vụ việc vi phạm pháp luật, tranh chấp nhỏ trong nhân dân, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, hạn chế đơn, thư khiếu nại vượt cấp, tiết kiệm thời gian, tiền bạc của cơ quan nhà nước và công dân.

Từ công tác HGCS góp phần rất lớn trong việc bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, sự đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cộng đồng dân cư./.

Thụy Anh-STP

Chia sẻ bài viết