Học sinh học các môn năng khiếu trong buổi chiều
Học sinh năng động, tự tin
Học bán trú, 2 buổi/ngày, HS học chương trình chính khóa trong buổi sáng và các môn năng khiếu, ôn tập, củng cố kiến thức vào buổi chiều. Tùy theo nhu cầu, điều kiện, tình hình học tập của HS, các trường chọn môn học để ôn tập, củng cố kiến thức phù hợp.
Trường THCS Trần Phú (TP.Tân An, tỉnh Long An) hiện có 15/45 lớp bán trú. Mỗi lớp bán trú từ 35-40 HS. Các em được học tập, ăn trưa, ngủ trưa và ôn tập, củng cố kiến thức tại trường trong 1 ngày học. Trong đó, buổi sáng HS học chương trình chính khóa; buổi chiều HS học các môn năng khiếu (Thể dục, Âm nhạc, Mỹ thuật,…) và ôn tập, củng cố kiến thức môn Toán, Tiếng Anh, Vật lý.
Cô Nguyễn Thị Hồng Thoa, GV môn Vật lý Trường THCS Trần Phú, chia sẻ: “Trong tiết học buổi chiều, HS được ôn lại kiến thức quan trọng, đặc biệt là công thức, giúp các em khắc sâu kiến thức. Sau đó, GV cho các em làm bài tập. Tuỳ vào trình độ HS, GV cho bài tập cơ bản, vừa hay nâng cao. Ngoài ra, GV còn phát huy tinh thần tự học của HS, đặc biệt là rèn luyện cho các em tính năng động, tự tin và không ngại sai. Nhờ vậy, HS có sự tiến bộ trong học tập”.
Với lớp bán trú, HS còn được tổ chức dò bài trong mỗi tiết cuối của buổi chiều. Nếu HS gặp khó khăn trong hiểu và học thuộc bài, GV sẽ nhiệt tình giải thích và hướng dẫn phương pháp học hiệu quả. Mỗi HS có sổ theo dõi riêng, HS còn yếu phần nào GV sẽ ghi rõ để phụ huynh tham gia hỗ trợ, nhắc nhở HS học tập.
Phó Hiệu trưởng Trường THCS Trần Phú - Trần Anh Tuấn cho biết: “Nhờ được ôn tập, củng cố kiến thức và hướng dẫn phương pháp học tập hiệu quả, HS nắm chắc kiến thức ngay tại lớp, giảm được thời gian học ở nhà. So với lớp buổi, chất lượng lớp bán trú cao hơn về học lực lẫn hạnh kiểm. Đặc biệt, HS học bán trú rất năng động và tự tin”.
Phụ huynh an tâm
Tham gia học lớp bán trú, 2 buổi/ngày, HS không chỉ được học tập mà còn được giáo dục đạo đức, kỹ năng sống và được trường quản lý chặt chẽ, giảm tình trạng nghiện game hay vướng vào các tệ nạn xã hội khác.
Trường THCS Nguyễn Văn Hiển (xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức) đang tổ chức dạy 2 buổi/ngày cho 6 lớp của khối 6 và 7. Ngoài chú trọng bồi dưỡng, củng cố kiến thức cho HS, trường còn quan tâm giáo dục kỹ năng sống cho các em. HS lớp 2 buổi/ngày được học 1 tiết kỹ năng sống/tuần. Theo đó, HS được trang bị những kiến thức ban đầu phù hợp với lứa tuổi, kỹ năng tránh xung đột, kỹ năng ứng xử, giao tiếp, tình cảm gia đình,… Nhờ vậy, khi có tình huống xảy ra, HS có thể bình tĩnh xử lý.
Lê Thị Cẩm Vy, HS lớp 7/2 Trường THCS Nguyễn Văn Hiển, tâm sự: “Học tiết giáo dục kỹ năng sống, em biết thêm nhiều kiến thức mới. Đó là những kiến thức xã hội bổ ích giúp em có cách ứng xử, hành động đúng đắn hơn. Ngoài ra, em còn được rèn luyện khả năng tự tin trước đám đông, không ngại hỏi khi không biết và biết nhận lỗi khi mình sai”.
Đối với HS học 2 buổi/ngày, dù buổi chiều học môn năng khiếu và ôn tập, củng cố kiến thức nhưng trường vẫn rất nghiêm khắc trong việc thực hiện nội quy. Trường thực hiện điểm danh HS trong mỗi buổi học. Nếu HS nào vắng không phép thì trường thông báo ngay với phụ huynh. Ngoài ra, mỗi HS có sổ theo dõi riêng. Tình hình HS học ở trường sẽ được cập nhật trong sổ để phụ huynh nắm rõ, từ đó có sự phối hợp tốt với nhà trường.
Chị Nguyễn Thị Ngân (ấp 4, xã Mỹ Yên) - mẹ Nguyễn Phi Long, HS lớp 7/2 Trường THCS Nguyễn Văn Hiển, bộc bạch “Tôi rất ủng hộ việc học 2 buổi/ngày của con. Nhờ học 2 buổi/ngày ở trường, con tôi không phải đi học thêm ở ngoài lại được nhà trường quản lý chặt chẽ, tôi rất an tâm. Hy vọng rằng, những năm học tiếp theo, con tôi tiếp tục được học lớp 2 buổi/ngày”.
Còn nhập nhằng giữa nhu cầu và cơ sở vật chất
Mặc dù hiệu quả lớp bán trú, 2 buổi/ngày với cấp THCS đã thấy rõ nhưng việc nhân rộng mô hình này còn gặp không ít khó khăn. Những địa bàn có KT-XH phát triển thì nhu cầu học bán trú, 2 buổi/ngày cao nhưng cơ sở vật chất trường học, đội ngũ GV không đủ; những vùng khác thì cơ sở vật chất bảo đảm nhưng nhu cầu học bán trú, 2 buổi/ngày không cao.
Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Đức Việt chia sẻ: “Với cấp THCS, huyện chưa có lớp bán trú; HS học 2 buổi/ngày chỉ khoảng 10% tại các trường: THCS Tân Đông, THCS Tân Tây, THCS Thuỷ Đông,... Tuy nhiên, các địa phương của các trường học trên và các xã khác, nhu cầu HS học 2 buổi/ngày lại không cao. Nguyên nhân điều kiện kinh tế phụ huynh còn khó khăn; phụ huynh muốn con em ở nhà phụ giúp thêm cho gia đình; phụ huynh chưa hiểu hết vai trò, hiệu quả của học 2 buổi/ngày.
Trong khi đó, thị trấn Thạnh Hoá, phụ huynh có nhu cầu cho con em học bán trú hoặc 2 buổi/ngày nhưng cơ sở vật chất trường chưa đáp ứng được nhu cầu ấy”.
Tại huyện Bến Lức cũng vậy, nơi có nhu cầu học 2 buổi/ngày thì không bảo đảm cơ sở vật chất, nơi đủ cơ sở vật chất thì nhu cầu không cao. Hiện toàn huyện có 1 Trường THCS Nguyễn Văn Hiển tổ chức dạy 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, giai đoạn mới thực hiện trường cũng gặp không ít khó khăn.
Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Hiển - Trần Thanh Phong cho biết: “Giai đoạn đầu tổ chức dạy 2 buổi/ngày, một số phụ huynh còn lo ngại, chưa đồng tình. Với những phụ huynh ấy, Ban Giám hiệu gặp trực tiếp giải thích để phụ huynh hiểu và tự nguyện đăng ký học 2 buổi/ngày cho con. Đến năm thứ 2 thực hiện, thấy được kết quả, phụ huynh phấn khởi và đồng tình cho con học 2 buổi/ngày”.
Học sinh tích cực tham gia làm bài tập tại lớp
Ngoài ra, với các huyện như Tân Trụ, Vĩnh Hưng,… hiện chưa có lớp bán trú, 2 buổi/ngày đối với cấp THCS. Trong đó, phần lớn là do phụ huynh chưa hiểu rõ hiệu quả của lớp 2 buổi/ngày; với những HS vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới phụ huynh còn khó khăn nên muốn con em ở nhà phụ giúp gia đình; địa bàn rộng, HS học 2 buổi/ngày bất tiện trong đi lại.
Mặc dù học bán trú, 2 buổi/ngày hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là HS tự tin, năng động hơn nhưng việc tổ chức vẫn còn nhiều khó khăn. Hướng tới, ngành giáo dục tỉnh cần có những giải pháp khắc phục, góp phần thực hiện thắng lợi về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo./.
“Tham gia học lớp bán trú, 2 buổi/ngày, học sinh không chỉ được học tập mà còn được giáo dục đạo đức, kỹ năng sống và được trường quản lý chặt chẽ, giảm tình trạng nghiện game hay vướng vào các tệ nạn xã hội khác”. |
Ngọc Thạch