Tiếng Việt | English

22/06/2024 - 05:53

Học tập phong cách làm báo của Bác

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết rất nhiều bài báo với nhiều bút danh khác nhau. Trước khi viết báo, Người luôn tự hỏi: Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào? Đội ngũ những người làm báo, nhất là những nhà báo trẻ ngày nay cần học phong cách làm báo của Bác, để có những bài viết gần gũi, gắn bó với cuộc sống.

Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn các nhà báo trước khi viết phải tự đặt câu hỏi: Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào?

Viết cho ai? Viết để làm gì?

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng sử dụng báo chí như một phương tiện hữu hiệu để tuyên truyền, giác ngộ và vận động quần chúng, bản thân Người là tấm gương làm báo sáng ngời, là người thầy của đội ngũ báo chí cách mạng Việt Nam.

Để hoàn thành nhiệm vụ chiến sĩ cách mạng vẻ vang, Bác nhắc nhở các nhà báo không ngừng học tập, nâng cao trình độ mọi mặt; đồng thời, phải hòa mình vào đời sống của quần chúng nhân dân để viết cho đúng với tâm trạng, nhu cầu, nguyện vọng của họ. Quần chúng nhân dân là đối tượng cung cấp thông tin cho báo chí, đối tượng tiếp nhận thông tin báo chí; đồng thời, cũng là đối tượng thẩm định chất lượng tác phẩm báo chí. Về nội dung phản ánh của báo chí cách mạng, Người chỉ rõ: Viết để nêu những cái hay, cái tốt…; đồng thời, phê bình những khuyết điểm. Hình thức diễn đạt, phương pháp thể hiện, cách trình bày, kết cấu tác phẩm báo chí phải trong sáng, dễ hiểu và tránh cầu kỳ. Viết sao cho đơn giản, dễ hiểu, thiết thực, sao cho mỗi đồng bào, mỗi chiến sĩ đều đọc được, hiểu được, nhớ được, làm được.

Đặc biệt, Bác căn dặn các nhà báo trước khi viết phải tự đặt câu hỏi: Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào? Lời dạy giản dị nhưng vô cùng sâu sắc bởi đó chính là mục đích, động cơ làm báo; là quan điểm về đối tượng phản ánh, tuyên truyền của báo chí và phương pháp làm báo. Không vì lợi ích của cách mạng, của dân tộc và nhân dân; không vì sự tiến bộ của xã hội; không hướng tới quần chúng nhân dân - đó không phải là báo chí cách mạng!

Khắc ghi lời dạy của Bác, những người làm báo trong tỉnh luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Không chỉ phản ánh kịp thời, đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống mà còn kịp thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân.

Dù tuổi đời, tuổi nghề của nhà báo Huỳnh Thị Thúy Phương - Báo Long An, chưa là bao so với những nhà báo khác nhưng cách thể hiện bài viết của chị khá chững chạc, sinh động. Chị Phương không ngại “lăn xả” với nghề, lặn lội đến vùng sâu, vùng xa để tìm tòi những cái mới, gần gũi với cuộc sống người dân. Chị Phương chia sẻ: "Học tập cách viết của Bác, tôi luôn chú ý khai thác đầy đủ và chính xác những số liệu, chi tiết cần thiết nhằm mang đến cho người đọc lượng thông tin đầy đủ và chân thật về một vấn đề, một sự kiện hay một nhân vật, để khi thể hiện tác phẩm báo chí được trọn vẹn nhất".

Với nhà báo Huỳnh Thị Thúy Phương, học theo Bác từ việc chọn đề tài gần gũi với cuộc sống người dân

Gần 10 năm theo nghề, phóng viên Trần Huỳnh Phong - Đài Phát thanh và Truyền hình Long An, luôn trăn trở với những đề tài mang hơi thở cuộc sống. Để có đề tài hay, anh thường xuyên đi cơ sở nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng chính đáng của người dân để làm "cầu nối" phản ánh đến các cấp, các ngành kịp thời giải quyết.

Phụ trách mảng pháp luật, mảng được đánh giá là khó, anh Phong đọc và học thật nhiều, nhất là học phong cách làm báo của Bác. Anh Phong tâm sự: “Học tập Bác, những người làm báo xác định đúng mục đích, nhiệm vụ Viết cho ai? Viết để làm gì? càng khẳng định vị trí quan trọng của mình, bám sát những giá trị cốt lõi thông qua việc cung cấp các tin, bài kịp thời với các ý kiến trung thực, thông tin chính xác và đa chiều, góp phần định hướng dư luận xã hội, tạo sự đồng thuận về nhận thức, hành động trong cả hệ thống chính trị và nhân dân”.

Phản ánh trung thực mọi mặt đời sống xã hội

Đứng trong hàng ngũ những người làm báo hôm nay, chúng ta luôn tự hào khi tiếp nối sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ những bài học quý báu về phong cách báo chí mẫu mực của Bác, các thế hệ người làm báo ngày nay càng khẳng định mình thông qua ngòi bút, tác phẩm báo chí có giá trị cao, góp phần cùng địa phương thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, phát triển KT-XH.

Từ những bài học, thành tựu to lớn của Bác và các thế hệ người làm báo đi trước để lại, đây là nền tảng vững chắc để báo chí hôm nay phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng, tạo được niềm tin vững chắc trong nhân dân. Thực tế đã chứng minh, báo chí ngày nay không chỉ tuyên truyền hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước mà còn kịp thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân, tham gia giám sát, phản biện xã hội, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Đồng thời, hầu hết mục tiêu của báo chí vẫn là phản ánh những mặt tích cực của xã hội thông qua việc phát hiện, biểu dương nhân tố mới, điển hình tiến tiến, tích cực đấu tranh chống tiêu cực trong đời sống xã hội,...

“Thời gian tới, bản thân tiếp tục đi thực tế, sâu sát cơ sở, bám sát tình hình thực tiễn và tích cực học tập nâng cao kiến thức về nhiều mặt, nâng cao kỹ năng tác nghiệp để có những tác phẩm tốt, hiệu quả chính trị - xã hội cao, góp phần củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước” - phóng viên Trần Huỳnh Phong cho biết.

Theo phóng viên Trần Huỳnh Phong, làm báo phải tích cực đi thực tế, sâu sát cơ sở, bám sát tình hình thực tiễn để có những tác phẩm tốt

Học tập phong cách làm báo của Bác, những người làm báo trong tỉnh đã và đang tiếp nối truyền thống báo chí cách mạng vẻ vang, xung kích không quản khó khăn, gian khổ, xông pha nơi "đầu sóng ngọn gió "để có thông tin kịp thời những sự kiện nóng của địa phương như bão, lũ, nắng hạn, đi đến tận vùng sâu, vùng xa để kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc của địa phương, những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân. Đặc biệt, nhiều phóng viên đã có những thông tin phản ánh sinh động công tác xây dựng Đảng, phòng, chống tham nhũng, với nhiều cách tiếp cận và phản ánh đa dạng, chính xác, được cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xử lý, tạo hiệu ứng xã hội tích cực, lan tỏa tới các tầng lớp nhân dân.

Học tập phong cách làm báo của Bác để phục vụ nhân dân là yêu cầu quan trọng, cấp thiết đối với đội ngũ những người làm báo. Vì vậy, mỗi nhà báo, phóng viên cần không ngừng trau dồi đạo đức nghề nghiệp gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng những tác phẩm báo chí chất lượng, phản ánh trung thực mọi mặt đời sống xã hội như lời Bác dạy: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”./.

Những phóng viên, nhà báo tiêu biểu

Trong không khí rộn ràng ngày hội của những người làm báo, chúng tôi có dịp gặp gỡ, trò chuyện với một số phóng viên, nhà báo để nghe họ kể về chuyện làm nghề.

Văn Đát

Chia sẻ bài viết