Những người lớn tuổi tiêu biểu được Hội Khuyến học tỉnh tuyên dương, khen thưởng
Thời gian qua, tỉnh Long An đẩy mạnh các mô hình khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Trong đó, phong trào học tập thường xuyên, học tập suốt đời của người lớn đạt hiệu quả thiết thực. Đó là nền tảng vững chắc trong xây dựng gia đình học tập, dòng học học tập, đơn vị học tập và cộng đồng học tập. Theo đó, những người 35 tuổi trở lên duy trì việc học thông qua đọc sách, báo, tìm hiểu, cập nhật kiến thức trên Internet, tham gia các lớp dạy nghề tại địa phương,... Từ đó, họ ứng dụng những kiến thức được học vào sản xuất, kinh doanh, góp phần giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế gia đình.
Một trong những người lớn tham gia học tập và từng bước cải thiện cuộc sống là ông Đỗ Ngọc Thanh (54 tuổi), ngụ ấp Trung Môn, xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng. Gia đình ông Thanh trước đây thuộc diện khó khăn của xã, nhưng nhờ các thành viên trong gia đình tham gia lớp dạy nghề, ứng dụng kiến thức được học vào sản xuất nông nghiệp nên đời sống dần ổn định và khá giả hơn.
Ông Thanh tâm sự: “Hiểu được việc sản xuất nông nghiệp của gia đình chưa hiệu quả là do thiếu kiến thức, kinh nghiệm, chưa biết ứng dụng khoa học - kỹ thuật. Do đó, tôi và các thành viên trong gia đình tích cực tham gia các lớp dạy nghề nông thôn nhằm cập nhật kiến thức mới, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Cứ có lớp dạy nghề phù hợp là các thành viên trong gia đình tôi tham gia học. Nhờ sự kiên trì học hỏi, tiếp cận kiến thức mới, việc sản xuất của gia đình đạt hiệu quả và dần mở rộng hơn. Hiện gia đình tôi trồng thử nghiệm mít Thái, mạnh dạn đầu tư nuôi ếch và đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng lúa”.
Gia đình anh Nguyễn Văn Hiếu (56 tuổi), ngụ ấp 3, xã An Thạnh, huyện Bến Lức, cũng nhờ không ngừng học hỏi mà vươn lên trong cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình ngày càng ổn định. Trước đây, gia đình anh Hiếu sản xuất nông nghiệp nhưng hiệu quả không cao. Mong muốn tăng thu nhập cho gia đình, anh tìm hiểu các loại cây trồng phù hợp với đất, khí hậu của địa phương. Chọn trồng cây hoa dừa cạn Thái, anh tích cực tìm hiểu phương pháp trồng, đầu ra của loại cây này. Trải qua nhiều thất bại nhưng anh không nản lòng mà kiên trì học hỏi, rút kinh nghiệm, nhờ vậy mà từng bước gặt hái được thành công. Hiện anh trồng 1,2ha hoa dừa cạn, góp phần giải quyết việc làm cho 15 nhân công tại địa phương.
Anh Hiếu chia sẻ: “Nghề nào cũng vậy, muốn thành công phải không ngừng học hỏi, đổi mới. Do vậy, vợ chồng tôi không ỷ lại vào kiến thức, kinh nghiệm đã có mà luôn trau dồi, học hỏi để trồng hoa ngày càng đạt hiệu quả tốt hơn”.
Ngoài việc học để phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, nhiều người lớn còn duy trì việc học theo sở thích và làm giàu kiến thức cho bản thân; đồng thời, tạo cơ hội cho người thân, người xung quanh tham gia học tập. Bà Trương Thị Kim Loan (54 tuổi), ngụ ấp Ao Gòn, xã Tân Lân, huyện Cần Đước, cho biết: “Xác định việc học không bao giờ là đủ mà phải luôn duy trì để tiến bộ từng ngày nên tôi thường đọc sách, báo và xem thời sự,... Ngoài ra, tôi còn nhắc nhở và tạo điều kiện cho các con học tập, khám phá kiến thức mới, đặc biệt là kiến thức chuyên ngành mà các con theo đuổi. Hiện 2 đứa con tôi đều đang học đại học. Trong đó, đứa con lớn là sinh viên năm 4 ngành Cơ khí điện lạnh, Trường Đại học Bách khoa TP.HCM, còn đứa con út là sinh viên năm nhất ngành Y Đa khoa, Trường Đại học Y Dược TP.HCM”.
Nhờ duy trì học tập, những người lớn tuổi cải thiện kinh tế gia đình và mở mang kiến thức cho bản thân, góp phần không nhỏ vào phong trào xây dựng xã hội học tập tại địa phương mình, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng./.
Ngọc Sương