Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ
Toàn huyện có hơn 730ha chuyên canh rau màu, với khoảng 34 loại loại rau, năng suất bình quân 20-22 tấn/ha/vụ, sản lượng khoảng 70.000 tấn/năm. Rau màu là nguồn thu chủ yếu của hàng ngàn hộ nông dân các xã vùng thượng huyện Cần Đước. Tuy nhiên, trồng rau màu cũng rất bấp bênh do thời tiết thất thường, sâu hại, giá cả và thị trường tiêu thụ không ổn định. Vì vậy, huyện chủ trương quy hoạch vùng trồng rau ứng dụng công nghệ cao để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất,… Việc tuyên truyền vận động nông dân ứng dụng công nghệ cao trồng rau màu không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn: Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật,… mà đây chính là công tác trọng tâm của cả hệ thống chính trị; trong đó có vai trò hết sức quan trọng của Hội Nông dân.
Mô hình sản xuất rau an toàn tại xã Long Khê
Thực hiện Nghị quyết Ðại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Kế hoạch của Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh và Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển vùng rau ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020; ngay từ đầu năm 2017, Hội Nông dân huyện xây dựng kế hoạch, triển khai, tuyên truyền đến hội viên nông dân chương trình ứng dụng công nghệ cao trong trồng rau màu; đồng thời phối hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện chọn xã Long Khê làm điểm triển khai Mô hình “Sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao” để nhân rộng ra các xã trồng rau màu.
Để thực hiện mô hình, Hội Nông dân huyện phối hợp UBND xã Long Khê thành lập Ban Quản lý Mô hình (do Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện làm Trưởng ban), Ban Quản lý tiến hành khảo sát nắm lại số hộ trồng rau trên địa bàn, phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tổ chức mở lớp dạy nghề trồng rau, tập huấn kỹ thuật sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao, giúp cho hội viên và nông dân thấy rõ được lợi ích của việc sản xuất rau theo công nghệ cao và quy trình sản xuất rau theo công nghệ cao: Sử dụng phân bón hữu cơ, lắp đặt hệ thống tưới tự động, xây dựng nhà lưới,… nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; từ đó vận động nông dân đăng ký tham gia mô hình. Ban Quản lý Mô hình chọn ấp 4, xã Long Khê là vùng trồng rau màu tập trung với 37 hộ tham gia. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tổ chức trình diễn sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất rau, sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm sinh học, sử dụng hệ thống tưới tự động, nhà lưới và hỗ trợ phân hữu cơ, chế phẩm sinh học Tricoderma cho nông dân tham gia mô hình.
Hiệu quả được nâng lên
Từ mô hình trình diễn, nông dân ấp 4 liên kết thành lập tổ hợp tác trồng rau công nghệ cao, xây dựng 9ha nhà lưới kết hợp với 14ha có hệ thống tưới nước tiết kiệm, hiệu quả trồng rau màu được nâng lên rõ nét. Hiện nay, do nhu cầu sản xuất, tổ hợp tác nâng dần lên thành lập Hợp tác xã sản xuất rau an toàn Mười Hai. Hợp tác xã đã có nhà sơ chế rau, có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, hoàn thành các thủ tục và được cấp giấy chứng nhận VietGap, đăng ký mã vạch cho sản phẩm rau, hợp đồng bao tiêu sản phẩm với 2 đối tác là Công ty TNHH-DV Tây Bắc và Công ty TNHH rau sạch sinh thái Minh Quyền.
Thông qua hoạt động mô hình điểm tại xã Long Khê, Quỹ Hỗ trợ Nông dân tỉnh đầu tư Dự án rau ứng dụng công nghệ cao tại xã Long Khê là 500 triệu đồng cho 16 hộ đầu tư ứng dụng công nghệ cao. Cũng từ mô hình điểm tại Long Khê, Hội Nông dân huyện nhân rộng mô hình ở các xã: Long Trạch, Long Hòa và Phước Vân. Các xã tổ chức cho nông dân tham quan mô hình sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao tại xã Long Khê; đồng thời mở lớp dạy nghề trồng rau, tập huấn, chuyển giao khoa học-kỹ thuật, hướng dẫn quy trình sử dụng phân hữu cơ để cải tạo đất thay cho phân vô cơ, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng nhà lưới và hệ thống tưới tự động để tiết kiệm công lao động, hạn chế sâu rầy. Các xã vận động nông dân thành lập 4 Tổ hợp tác trồng rau màu với 75 thành viên tham gia, tất cả thành viên tham gia đều xây dựng nhà lưới, hệ thống tưới tiết kiệm nước, sử dụng phân hữu cơ thay phân vô cơ và hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên các cánh đồng rau.
Mô hình sản xuất rau an toàn tại Cần Đước
Từ mô hình của Hội Nông dân huyện, Quỹ Hỗ trợ Nông dân tỉnh đầu tư Dự án rau ứng dụng công nghệ cao tại xã Long Trạch 570 triệu đồng. Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện hỗ trợ dự án rau ứng dụng công nghệ cao tại xã Phước Vân 230 triệu đồng,... Hiện nay, huyện nhân rộng 215,3ha diện tích ứng dụng công nghệ cao trồng rau màu, sử dụng phân hữu cơ vi sinh, chế phẩm sinh học. Qua tổng kết mô hình của các xã năm 2017 cho thấy hiệu quả khá cao (bình quân thu nhập hộ gia đình hàng tháng từ 10-15 triệu đồng/tháng), tạo được niềm tin cho nông dân trong quá trình sản xuất.
Có thể khẳng định: Việc xây dựng Mô hình ứng dụng công nghệ cao trồng rau màu của Hội Nông dân huyện Cần Đước góp phần nâng cao nhận thức của nông dân về việc sản xuất rau an toàn, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tạo ra sản phẩm rau sạch, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, thu nhập của nông dân ổn định. Đây chính là cơ sở quan trọng để Cần Đước tiếp tục triển khai việc ứng dụng công nghệ cao trồng rau màu, thực hiện chương trình sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững chất lượng cao./.
Kim Khánh