Tiếng Việt | English

17/04/2016 - 13:25

Hơn 1.200 sinh viên tham gia thi Olympic Cơ học toàn quốc

Sáng 17-4, 450 sinh viên đến từ 15 trường ĐH, CĐ phía Nam có mặt tại Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM tham dự kỳ thi Olympic Cơ học toàn quốc lần thứ 28 - năm 2016.

 

Thí sinh dự kỳ thi Olympic Cơ học toàn quốc lần thứ 28 - năm 2016 tại Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM sáng 17-4. - Ảnh: Trần Huỳnh

Đồng thời, kỳ thi cũng diễn ra tại Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội với sự tham gia 669 thí sinh của 19 trường ĐH, CĐ và cụm thi miền Trung do Trường ĐH Bách khoa (Đà Nẵng) đăng cai với 103 thí sinh.

Tham dự kỳ thi, các thí sinh sẽ tranh tài ở các nội dung thi gồm: cơ học kỹ thuật, sức bền vật liệu, cơ học kết cấu, cơ học đất, thủy lực, chi tiết máy, nguyên lý máy, ứng dụng tin học trong cơ học - cơ lý thuyết, ứng dụng tin học trong cơ học - nguyên lý máy và ứng dụng tin học trong cơ học - chi tiết máy.

Kỳ thi Olympic Cơ học toàn quốc do Bộ GD-ĐT, Hội Cơ học Việt Nam và Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam phối hợp tổ chức hằng năm trên toàn quốc và thi theo ba khu vực: miền Bắc, miền Trung và miền Nam.

Dịp này, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM cũng đã tổ chức tọa đàm “Giảng dạy và nghiên cứu các môn cơ học trong nhà trường”. Tại đây, các đại biểu cho rằng cơ học là lĩnh vực rất quan trọng đối với các trường kỹ thuật, đặc biệt ngành cơ khí và xây dựng có 70% môn học thuộc lĩnh vực cơ học.

Vì vậy kỳ thi Olympic Cơ học được tổ chức hằng năm đã tạo sự hứng khởi, đẩy mạnh phong trào học tập và nghiên cứu các môn cơ học trong sinh viên các trường ĐH, CĐ góp phần nâng cao chất lượng dạy và học môn cơ học, đồng thời phát hiện, bồi dưỡng các tài năng trẻ có niềm đam mê lĩnh vực cơ học.

Tuy nhiên, đại diện các trường vẫn tỏ ra băn khoăn về phương thức tổ chức kỳ thi nhiều năm qua ít được đổi mới. Vì vậy cần có sự đổi mới nội dung, cách thức thi theo hướng đưa ra các bài toán gắn với đời sống, giải pháp xây dựng tối ưu dựa trên kiến thức cơ học…

PGS.TS Thái Bá Cần, phó chủ tịch Hội Cơ học VN, chủ tịch Hội Cơ học TP.HCM cho biết các môn cơ học quan trọng nhưng gần đây nhiều trường cắt giảm tiết học, giảng viên kêu khó dạy; trong khi sinh viên cũng than khó học, thi rớt nhiều.

“Hiện nay các trường ĐH, CĐ đều giữ truyền thống, cách thức giảng dạy, chương trình đào tạo lĩnh vực cơ học. Trong khi đó, ở các nước đã thực hiện việc tích hợp kiến thức cơ học vào các môn chuyên ngành khác. Nếu chúng ta không thay đổi cách thức giảng dạy, không cấu trúc lại chương trình thì sẽ không truyền đạt được kiến thức tốt cho sinh viên, làm giảm chất lượng đào tạo” - ông Cần nói./.

Nguồn: Tuổi Trẻ

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích