Tiếng Việt | English

06/03/2016 - 17:37

Hơn 70% doanh nghiệp hài lòng với cải cách thủ tục hành chính thuế

Kết quả khảo sát đánh giá “Mức độ hài lòng của doanh nghiệp” về cải cách thủ tục hành chính thuế do Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Tài chính quốc tế (IFC) phối hợp thực hiện cho thấy, 71% doanh nghiệp đánh giá sự hài lòng với cải cách thủ tục hành chính; trong đó, 92% doanh nghiệp cho rằng những quy định về chính sách, pháp luật thuế có sự chuyển biến tích cực.

Động thái này cho thấy ngành thuế đang hiện thực hóa giải pháp để bước vào xu hướng hội nhập chung.


Hoạt động nghiệp vụ tại chi cục thuế quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. (Ảnh: Hoàng Tùng/TTXVN)

''Đổi ngôi''

Nhớ lại những ngày trước, khi ứng dụng nộp tờ khai qua mạng chưa được triển khai rộng rãi, chị Thu Trang (kế toán Công ty cổ phần tư vấn đầu tư y tế Thăng Long) vẫn còn thấy “rùng mình” khi nghĩ đến cảnh phải chen chúc nộp chứng từ thuế. Chị chia sẻ, cứ ngày 20 hàng tháng, chị lại phải túc trực ở cơ quan thuế để nộp tờ khai. Thời điểm đó, hầu hết các doanh nghiệp đều lựa chọn ngày hạn cuối cùng để nộp thủ tục thuế. Vì vậy, tháng nào, chị cũng phải chờ đợi trong cảnh mệt mỏi để có thể nộp tờ khai đúng hạn. Thậm chí, có thời điểm, công việc nhiều và gấp, chị còn phải thuê người để đứng xếp hàng. Có khi mất cả buổi sáng cũng chưa chắc hoàn thành nộp thủ tục thuế.

“Thế nhưng, hiện nay đã khác rất nhiều. Chỉ cần nhấn nút 'enter' là tờ khai của mình đã gửi đến cơ quan thuế. Ngay sau đó, mình cũng nhận được phản hồi từ cơ quan thuế rằng đã nhận đầy đủ tờ khai của công ty," chị Trang cho biết.

Theo chị Trang, điểm cộng đối với việc nộp tờ khai qua mạng chính là doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ bất kỳ thời điểm nào, 24/7. Chính vì vậy, doanh nghiệp dễ chủ động trong công việc cũng như không lo lắng về việc nộp tờ khai muộn như trước kia.

Đánh giá về vấn đề này, Tổng cục Trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam cho rằng thời gian qua, công tác cải cách thủ tục hành chính thuế đạt một số kết quả đáng khích lệ. Sự ghi nhận này không chỉ của riêng ngành thuế mà được thể hiện rõ nét qua những đánh giá tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, Ngân hàng Thế giới (WB) và các Hiệp hội.

Đồng quan điểm, một số chuyên gia trong lĩnh vực thuế cho rằng cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế thời gian qua đã mang tới những luồng gió mới. Các dự án hiện đại hóa công tác thu nộp thuế được triển khai mạnh mẽ. Nhờ đó, trên 98% số doanh nghiệp kê khai thuế điện tử và triển khai ký kết thỏa thuận với các ngân hàng thương mại để thực hiện nộp thuế điện tử tại 63 địa phương trong cả nước. Bên cạnh hiện đại hóa ngành từ ứng dụng công nghệ thông tin, cơ quan này cũng kiên quyết xử lý dứt điểm tồn tại để các doanh nghiệp luôn cảm thấy bình đẳng, không có sự phân biệt trong vấn đề chấp hành nghĩa vụ nộp thuế.

Người đứng đầu ngành thuế cho hay, hiện dù có một số quy định, chính sách ưu đãi áp dụng đối với một số nhóm doanh nghiệp đáp ứng điều kiện nhất định nhưng ở Việt Nam chỉ có một cơ chế quản lý thuế thống nhất áp dụng chung cho tất cả các đối tượng là doanh nghiệp và không có bất kỳ sự phân biệt, đối xử. Trong những năm tới, Tổng cục Thuế sẽ triển khai một số giải pháp cụ thể hơn nhằm cải thiện, nâng cao mức độ hài lòng chung của doanh nghiệp đối với quy trình, thủ tục về thuế.

Với việc triển khai có hiệu quả các giải pháp đồng bộ, số giờ nộp thuế của doanh nghiệp đã giảm được 420 giờ, số giờ thực hiện thủ tục hành chính về thuế chỉ còn 117 giờ (đã đạt và vượt mục tiêu mà Nghị quyết 19 năm 2015 về cải cách thủ tục hành chính đặt ra).

Chủ động hội nhập

Ngân hàng Thế giới đã công bố những tiêu chí cụ thể với ba lĩnh vực tiếp tục được tính toán vào thời gian nộp thuế là giải quyết khiếu nại, thanh tra thuế và hoàn thuế.

Trước thông tin này, Tổng cục Thuế đã từng bước tiếp cận và bước đầu có sự chuẩn bị tích cực nhằm hạn chế tối đa những tác động của các chỉ tiêu mới tới kết quả xếp hạng nộp thuế của Việt Nam.

Ông Bùi Văn Nam cho biết, việc bổ sung các tiêu chí thành phần về hoàn thuế, thanh tra kiểm tra và giải quyết khiếu nại khi tính toán chỉ số nộp thuế chắc chắn sẽ có tác động tương đối lớn tới kết quả xếp hạng chỉ số nộp thuế của tất cả các nước nói chung.

Trước yêu cầu đặt ra, Tổng cục Thuế đã chủ động tổ chức các đợt làm việc, mời các bên có liên quan tham dự (như đại diện nhóm nghiên cứu chỉ số nộp thuế của Ngân hàng Thế giới, Cơ quan Tài chính quốc tế, Hội tư vấn thuế, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Công ty kiểm toán PWC) cùng làm việc với các vụ, đơn vị trong Tổng cục Thuế để đánh giá kết quả cải cách thủ tục hành chính thuế và tiếp tục rà soát, đề xuất đơn giản hóa các thủ tục hành chính thuế ở khâu sau kê khai.

Thông qua các đợt làm việc, Tổng cục Thuế đã hiểu thêm về cách tiếp cận và phương pháp xác định các chỉ số đánh giá mới từ năm 2017 của Ngân hàng Thế giới về việc tuân thủ thuế đối với hoàn thuế, thanh tra kiểm tra và giải quyết khiếu nại về thuế; một số kinh nghiệm tốt của quốc tế về việc thực hiện đơn giản hóa về thủ tục hành chính thuế và quản lý theo rủi ro...

Ông Bùi Văn Quân - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, cũng đưa ra một số kiến nghị để thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính thuế. Theo ông Quân, nên để doanh nghiệp được tham gia vào dự thảo các nghị định, thông tư trước khi ban hành. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực này bởi doanh nghiệp hiểu về tài chính thuế còn ít, trong khi đó, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việc thông báo, phổ biến vấn đề lớn về chính sách mới cho doanh nghiệp được thực hiện kịp thời. Đặc biệt, nâng cao trách nhiệm của cán bộ trực tiếp để thực hiện tốt nhiệm vụ đồng hành cùng doanh nghiệp.

Trong thời gian tới, bên cạnh việc triển khai các nhóm giải pháp cụ thể nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính thuế, ngành thuế sẽ tập trung xây dựng và triển khai hệ thống quản lý thuế tập trung, tạo tiền đề cho việc tập trung cơ sở dữ liệu để thực hiện quản lý thuế theo đánh giá rủi ro nhằm nâng cao hiệu lực công tác quản lý nói chung.

Ông Bùi Văn Nam nhấn mạnh, bên cạnh những giải pháp trên, ngành thuế đẩy mạnh thông tin hỗ trợ, tuyên truyền, công khai chính sách về thuế, nghiên cứu, tiếp nhận, hỗ trợ thông tin đối với người nộp thuế. Xây dựng cơ sở dữ liệu, áp dụng cơ chế quản lý rủi ro đối với tất cả các khâu trong cải cách thủ tục hành chính thuế, ngăn chặn, phòng ngừa các trường hợp gian lận, chiếm dụng tiền hoàn thuế của Nhà nước./.

Nguồn: TTXVN

 

Chia sẻ bài viết