Tiếng Việt | English

20/04/2021 - 10:51

Hướng đến phát triển công nghệ cao

Ngày 19/4/2021, UBND tỉnh Long An tổ chức “Tọa đàm định hướng phát triển vùng kinh tế công nghệ cao (KTCNC)”. Đây là chương trình xúc tiến đầu tư, qua đó, tỉnh ký kết các thỏa thuận ghi nhớ hợp tác với một số đối tác về việc hợp tác các bên cùng có lợi trong việc xây dựng “vùng KTCNC” và “chuyển đổi số”.

Long An ký kết biên bản ghi nhớ với đối tác là các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước để thực hiện chuyển đổi số, định hướng phát triển vùng kinh tế công nghệ cao (Ảnh: Thanh Hiểu)

Khát vọng về khu kinh tế công nghệ cao

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được khẳng định, Long An có vị trí địa lý thuận lợi, nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cửa ngõ từ TP.HCM và miền Đông Nam bộ đi các tỉnh, thành Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Phát huy những tiềm năng, lợi thế, cùng với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự ủng hộ và hỗ trợ của các bộ, ban, ngành Trung ương Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Long An đã nỗ lực, quyết tâm, tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Những năm gần đây, Long An đã có sự phát triển bứt phá, trở thành một trong những địa phương năng động, tích cực trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Vùng ĐBSCL và của cả nước.

Long An đang thực hiện khát vọng “Đến năm 2025, giữ vững vị trí dẫn đầu Vùng ĐBSCL và phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra. Tỉnh đang khẩn trương lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; dự kiến hoàn thành trong năm 2021. Đây sẽ là bản quy hoạch chiến lược với tầm nhìn dài hạn, đột phá, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, đồng thời mang bản sắc riêng của tỉnh dựa trên các trụ cột công nghiệp là động lực phát triển, dịch vụ logistics và đô thị sinh thái là quan trọng; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là chủ đạo.

Chính vì vậy, Long An mạnh dạn định hướng hình thành Khu KTCNC trên địa bàn tỉnh gắn với xây dựng đô thị thông minh theo mô hình, kiểu mẫu của Hàn Quốc và sẽ là nơi thu hút, ươm tạo các dự án công nghệ cao nhằm phát huy tối đa hiệu quả các nguồn lực, đổi mới mô hình tăng trưởng, ưu tiên cho những nhà đầu tư chiến lược, thu hút đầu tư những ngành nghề trọng điểm, công nghệ cao như điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin gắn với phát triển nền kinh tế số; đồng thời, tỉnh mong muốn thu hút đầu tư, hình thành các trung tâm logistics tại các địa bàn tiềm năng, lợi thế như Bến Lức, Cần Giuộc,... Qua đó, tạo nền tảng vững chắc để Long An phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.

Lãnh đạo tỉnh Long An tặng hoa cho các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước sau lễ ký kết biên bản hợp tác (Ảnh: Thanh Hiểu)

Lãnh đạo tỉnh Long An tặng hoa cho các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước sau lễ ký kết biên bản hợp tác (Ảnh: Thanh Hiểu)

Doanh nghiệp sẽ chấp cánh 

Giám đốc Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư - Huỳnh Văn Sơn cho biết, thời gian qua, Long An đang tập trung thực hiện giải phóng mặt bằng, tháo gỡ điểm nghẽn lớn trong thu hút đầu tư theo Kết luận số 720/KL/TU, ngày 29/3/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ngoài ra, Long An cũng tăng cường thực hiện hoàn thiện hạ tầng, nhất là hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp, tạo ra liên kết vùng; cải thiện môi trường đầu tư và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng cho nhu cầu phát triển của doanh nghiệp (DN). Các nỗ lực này hy vọng sẽ là điểm hấp dẫn cho nhà đầu tư trong tương lai.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông - Nguyễn Bá Luân chia sẻ, lãnh đạo tỉnh rất quan tâm đến chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế chất lượng cao. Các vấn đề này được xem như cuộc cách mạng toàn dân, bắt đầu từ sự thay đổi về quy định, thể chế, mong muốn công nghệ số len lỏi vào mọi ngõ ngách đời sống người dân. Sự thay đổi này dựa vào 3 vấn đề gồm xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xây dựng xã hội số. Trong đó, lấy người dân và DN làm trung tâm phục vụ.

Với những ý kiến từ lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành về khát vọng, định hướng Long An thực hiện chuyển đổi số, định hướng phát triển vùng KTCNC, hầu hết tổ chức kinh tế, DN tham gia tọa đàm đều bày tỏ sẽ ủng hộ. Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (Saigontel) - Đặng Thành Tâm chia sẻ, Long An được ví như miếng “đệm” kết nối ĐBSCL với thành phố năng động nhất cả nước, có kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, thuận lợi cho việc tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, Long An vẫn còn là “hạt ngọc” chưa được mài giũa nhưng với quyết tâm trong việc tạo đột phá với kế hoạch phát triển KT-XH thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, trong đó công nghệ cao là một trong những trụ cột chiến lược cho phát triển của tỉnh. Hơn nữa, trong chiến lược phát triển kinh tế dài hạn của Long An, sự phân vùng như hiện nay là hợp lý. Trong đó vùng phát triển đô thị - công nghiệp là vùng cần có chiến lược tăng sự liên kết hơn nữa với TP.HCM, tạo trợ lực thúc đẩy phát triển kinh tế, công nghệ cao. Đặc biệt, Cần Giuộc là vùng tiếp giáp TP.HCM, nơi hội tụ đủ các tiềm năng để vươn lên trở thành vùng liên kết chặt chẽ với TP.HCM. Cần Giuộc cũng là khu vực đầy tiềm năng để triển khai thí điểm dự án vùng KTCNC Long An. Với chiến lược của Long An, Saigontel sẽ đồng hành cùng tỉnh xây dựng vùng công nghệ cao của tỉnh trở thành vùng phát triển kiểu mẫu, tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn, đáng sống, đáng đầu tư. Từ đó, khu vực này sẽ là khu kinh tế hiệu quả, tạo nguồn thu lớn cho tỉnh Long An, tái đầu tư các khu vực khác trong tỉnh phát triển bền vững.

Ông Đặng Thành Tâm cũng cho rằng, những năm gần đây, Long An luôn nằm trong top những địa phương có chỉ số PCI cao, chính quyền tỉnh quyết tâm nỗ lực hết mình để cải thiện môi trường đầu tư, luôn là người bạn đồng hành cùng DN. Trong khi đó, Saigontel là đơn vị có kinh nghiệm, đứng đầu Việt Nam về phát triển quần thể công nghiệp - đô thị - dịch vụ. Sự tương tác giữa chính quyền tỉnh và Saigontel hứa hẹn là một kịch bản chất lượng, Long An sẽ đạt được mục tiêu là tỉnh dẫn đầu kinh tế khu vực ĐBSCL và gặt hái được nhiều thành tựu trong tương lai gần trong phát triển KTCNC.

Với Giám đốc Roland Burger tại Việt Nam - Trường Bùi, ông nhận định, việc “chuyển đổi số” nói chung, cụ thể là chuyển đổi chính quyền số nói riêng đã và đang là vấn đề cấp thiết có tác động mạnh mẽ đến chỉ số PCI của các địa phương. Điều này cũng trở thành xu hướng chung, thúc đẩy các tỉnh phát triển toàn diện, đẩy mạnh công tác xúc tiến và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đến với tỉnh. Với sự quyết tâm của chính quyền tỉnh Long An, Roland Burger sẽ đồng hành cùng Long An xây dựng lộ trình rõ nét theo hướng 5 năm, 10 năm nhằm phục vụ tốt nhất người dân và DN.

Trong quá trình phát triển kinh tế, ngân hàng đóng vai trò rất quan trọng. Tại tọa đàm, đại diện BIDV Việt Nam cho rằng, DN FDI ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển KT-XH của đất nước. Thời gian gần đây, DN FDI đang “bùng lên” tại Việt Nam nói chung và tỉnh Long An nói riêng. Điển hình như trong quí I-2021, Long An là địa phương có dòng vốn FDI đầu tư nhiều nhất trong cả nước. Với các chính sách thu hút đầu tư hiện nay, chắc chắn tỉnh tiếp tục là điểm đến hấp dẫn. Với vai trò là đơn vị cấp vốn, BIDV sẵn sàng đồng hành cùng DN đầu tư vào Long An, nhất là các dự án đầu tư, mở rộng các khu, cụm công nghiệp nhằm giúp Long An trở thành khu vực phát triển kinh tế hoàn hảo.

Với những tiềm năng, định hướng phát triển của Long An, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trương Hòa Bình nhận định, Long An hoàn toàn có đủ cơ hội, lợi thế cho phát triển vùng KTCNC, lấy khoa học - công nghệ làm nền tảng, để hoàn thành mục tiêu của Đảng bộ tỉnh đề ra trong nhiệm kỳ 2020-2025. Để thực hiện được mục tiêu, Long An cần tiếp tục tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học, DN và người dân để đề ra các định hướng phát triển vùng KTCNC thông minh của tỉnh. Long An cần chú trọng phát triển hài hòa giữa khu vực đô thị và nông thôn. Đối với phát triển công nghiệp, tỉnh cần xác định các ngành mũi nhọn, có lợi thế để tập trung phát triển, chú trọng phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ logistics. Đối với nông nghiệp, cần phát triển theo hướng tập trung, ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt, Long An phải tiếp tục cải cách thể chế, xây dựng thành công chính quyền điện tử/số, tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, DN trong quá trình hoạt động, nhất là giai đoạn hiện nay giai đoạn bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Tại buổi tọa đàm, một lần nữa, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được khẳng định, với phương châm xuyên suốt “luôn đồng hành cùng DN, xem khó khăn của DN là khó khăn của tỉnh”, lãnh đạo tỉnh rất trân trọng và luôn sẵn sàng chào đón cũng như tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư, DN trong và ngoài nước cùng hợp tác trong thời gian tới và cùng thành công tại Long An. Trong niềm vui về thành công của tọa đàm, về những biên bản ký kết ghi nhớ, ký kết hợp đồng với các tổ chức, DN trong và ngoài nước, ông ví von những tổ chức, DN ký kết hợp tác với Long An là “những đại bàng” lớn chuẩn bị làm tổ tại Long An, chắp cánh cho đàn chim sẻ bay về Long An ở khu kinh tế. Hy vọng, với ý tưởng đột phá mới mang tầm quốc tế, dài hạn, Long An sẽ khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển nhanh và bền vững./.

Tại buổi tọa đàm, Long An đã ký kết 10 biên bản ghi nhớ, hợp đồng với các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước gồm: Saigontel, Roland Burger, Viettel IDC, VNPay, Microsoft Việt Nam, Công ty TNHH Siemens, Công ty TNHH SAP Việt Nam, BIDV Việt Nam, SMBL, Công ty CO Đầu tư DVL Ventures. Các biên bản ký kết tập trung vào việc phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao và tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn để “bứt phá” trong thu hút đầu tư, phát triển KT-XH một cách hiệu quả, bền vững, mang tính tổng hợp nhằm phát huy tối đa tiềm năng, nguồn lực.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích