Tiếng Việt | English

22/03/2024 - 12:40

Hướng tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035

Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 11 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu; đồng thời, đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới (theo báo cáo WHO Global TB Report 2023). Cùng với cả nước, thời gian qua, công tác phòng, chống bệnh lao trên địa bàn tỉnh Long An được tích cực triển khai, thực hiện.

Công tác phòng, chống lao trên địa bàn tỉnh được tích cực triển khai, thực hiện

Bệnh lao là căn bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao gây ra. Bệnh có thể gây tổn thương ở nhiều bộ phận cơ thể nhưng phổ biến nhất là lao phổi (80-85%), chiếm tỷ lệ cao nhất, là nguồn lây nhiễm chính cho những người xung quanh.

Vào ngày 24/3/1882, tại Berlin, Robert Koch công bố việc phát hiện ra vi khuẩn lao, mở ra con đường chẩn đoán và chữa khỏi căn bệnh này.

Ngày Thế giới phòng, chống lao được tổ chức ngày 24/3 hàng năm nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về những ảnh hưởng nghiêm trọng của bệnh lao tới sức khỏe con người, KT-XH; đồng thời, thúc đẩy nỗ lực chấm dứt bệnh lao trên toàn cầu.

Trên cơ sở chủ đề Ngày Thế giới phòng, chống lao, chủ đề của Việt Nam năm 2024 là “Đúng! Việt Nam có thể chấm dứt bệnh lao”.

Thông điệp này tiếp tục nhấn mạnh về việc huy động sức mạnh tổng thể, thu hút sự quan tâm, tập trung mọi nguồn lực, sự chung tay của cả cộng đồng nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống bệnh lao.

Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu trong việc nâng cao chất lượng chẩn đoán, tăng cường sàng lọc, mở rộng quy mô dự phòng bệnh lao, giới thiệu các phác đồ điều trị mới được khuyến nghị, chuyển dịch mô hình tài chính và tăng cường hợp tác đa lĩnh vực.

Bộ Y tế chỉ đạo Bệnh viện Phổi Trung ương xây dựng “Hướng dẫn triển khai hoạt động phát hiện chủ động, tích cực bệnh lao, lao tiềm ẩn, các bệnh hô hấp tại cộng đồng và cơ sở y tế - Tăng cường vai trò của các cơ sở khám, chữa bệnh” nhằm chuẩn hóa và đồng bộ hoạt động phát hiện chủ động và tích cực bệnh lao, lao tiềm ẩn và các bệnh hô hấp trên toàn quốc, phát huy tối đa vai trò của hệ thống y tế nói chung và y tế cơ sở nói riêng trong công tác phòng, chống lao.

Đây cũng là cơ sở để các tỉnh, thành phố trên toàn quốc huy động sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể tích cực tham gia các hoạt động tăng cường phát hiện bệnh nhân lao và hỗ trợ người bệnh cho tới khi được điều trị thành công nhằm hướng tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2035.

Tại Long An, công tác phòng, chống lao trên địa bàn tỉnh được tích cực triển khai, thực hiện. Bác sĩ Lê Văn Bảy - Giám đốc Bệnh viện Phổi Long An, cho biết: “Thực hiện Chương trình chống lao quốc gia, tỉnh triển khai nhiều giải pháp nhằm tầm soát, phát hiện và đưa vào điều trị tất cả những người mắc bệnh lao để giảm nguồn lây trong cộng đồng.

Năm 2023, toàn tỉnh thu dung khoảng 2.300 bệnh nhân lao. Hiện mạng lưới phòng, chống lao triển khai đến 100% tuyến cơ sở và có sự phối hợp, hỗ trợ giữa các tuyến trong công tác phát hiện, quản lý, điều trị bệnh”.

Bên cạnh đó, Bệnh viện Phổi Long An triển khai tốt các hoạt động khám, thu nhận, điều trị, quản lý bệnh nhân lao trên địa bàn toàn tỉnh; đồng thời, phối hợp triển khai các hoạt động tập huấn, đào tạo, giám sát, hỗ trợ hoạt động phòng, chống lao tại tuyến dưới.

Công tác khám, phát hiện chủ động bệnh nhân lao, lao tiềm ẩn ở cộng đồng, kết hợp sàng lọc các bệnh lý hô hấp khác cũng được thực hiện hiệu quả.

Chị H.T.T.P. (xã An Vĩnh Ngãi, TP.Tân An) chia sẻ: “Tôi phát hiện mắc bệnh lao 5 tháng nay. Vì vậy, hàng tháng, tôi đều đến khám tại Bệnh viện Phổi Long An.

Qua điều trị, tôi cảm thấy bệnh tình thuyên giảm. Tôi tiếp tục tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người xung quanh”.

Mục tiêu chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam vào năm 2035 chỉ có thể thành công khi có sự đồng lòng, tham gia hưởng ứng tích cực của toàn xã hội và của người dân.

Qua đó, góp phần cứu sống hàng chục ngàn người mỗi năm và cùng thế giới đẩy lùi căn bệnh truyền nhiễm tồn tại lâu đời gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, KT-XH của toàn thế giới như hiện nay./.

Thùy Minh

Chia sẻ bài viết