Tiếng Việt | English

20/10/2022 - 08:18

ILO khuyến nghị năng lực thiết yếu người lao động cần có trong kỷ nguyên số

Trong kỷ nguyên số, quá trình phát triển của mỗi người dân trên toàn cầu, kỹ năng tối thiểu cần được trang bị không chỉ là “Biết đọc, biết viết” mà “Biết số” cũng là một năng lực cơ bản.

Tại Việt Nam, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã xác định nhân lực số là một trong những yếu tố then chốt để đảm bảo chuyển đổi số hiệu quả và bền vững, góp phần để Việt Nam hiện thực hóa các mục tiêu trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.


Việt Nam xác định nhân lực số là một trong những yếu tố then chốt để đảm bảo chuyển đổi số hiệu quả và bền vững.

“Biết số” – năng lực cơ bản cần có trong kỷ nguyên số

Tuy nhiên, theo đại diện Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông (TT&TT), hiện nay nguồn nhân lực số tại Việt Nam còn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Theo Sách trắng CNTT-TT năm 2021 do Bộ TT&TT thực hiện, tuy là tổng số lao động hoạt động trong lĩnh vực Công nghiệp CNTT, điện tử viễn thông có tăng, song mức độ tăng giảm trong từng ngành lại khác nhau. Cụ thể, trong khi lao động hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp phần cứng, điện tử và phần mềm tăng nhẹ, số lao động hoạt động trong mảng nội dung số, dịch vụ CNTT lại có xu hướng giảm.

Chia sẻ tại hội thảo “Phổ cập hiểu biết số: Tăng cường kỹ năng số cho cộng đồng” được Bộ TT&TT tổ chức mới đây, ông Roshan Bajracharya, đại diện Văn phòng UNESCO Bangkok khu vực châu Á và Thái Bình Dương cho biết, ngày nay cách thức mọi người sống, học tập, làm việc và truyền thông đã khác biệt nhiều so với một vài thập kỷ trước.

“Sống trong một thế giới số hóa, điều quan trọng là cần đảm bảo mọi người phải có năng lực, hiểu biết số, biết sử dụng những thiết bị để có thể khai thác các lợi ích từ môi trường số... Kỹ năng số được áp dụng trong nhiều ngành nghề khác nhau và có thể giúp chúng ta chuyển đổi nền kinh tế, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững”, ông Roshan Bajracharya nói.


Trang bị các kỹ năng số để tìm kiếm cơ hội việc làm, đáp ứng chỉ số số hóa tốt hơn.

Theo chuyên gia UNESCO, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, một trong những ưu tiên của các công ty khi tuyển dụng là tìm kiếm những người có kỹ năng số, đặc biệt là khi họ tìm kiếm nhân sự cho những vị trí liên quan kỹ thuật.

“Mọi người buộc phải trang bị các kỹ năng số để tìm kiếm cơ hội việc làm, đáp ứng chỉ số số hóa tốt hơn”, ông Roshan Bajracharya nhấn mạnh.

Kỹ năng người lao động cần trang bị trong kỷ nguyên số

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Hà, Đại diện tổ chức Lao động thế giới (ILO) tại Việt Nam bày tỏ, trong tuyển dụng việc làm hiện nay, ở đâu cũng đều yêu cầu về “số”.

Thế giới ngày nay gia tăng kết nối, dẫn đến số hóa nền kinh tế diễn ra nhanh chóng. Theo Pricewaterhouse Cooper, kinh tế số Việt Nam phát triển nhanh nhất khu vực ASEAN trong năm 2020 và được dự báo đạt 52 tỷ USD vào năm 2025.


Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Hà, Đại diện tổ chức Lao động thế giới (ILO) tại Việt Nam

Theo các nghiên cứu, sáng tạo, làm việc nhóm và lắng nghe chủ động là kỹ năng nghề nghiệp được doanh nghiệp trông đợi nhiều trong thời gian hiện nay, nhất là bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Khoảng từ 75 - 88% doanh nghiệp cho rằng, lao động trẻ cần sở hữu các kỹ năng này”, ông Nguyễn Hoàng Hà cho hay.

Đại diện Văn phòng ILO tại Việt Nam cũng đưa ra khuyến nghị về những kỹ năng số cần thiết để công dân sẵn sàng trong kỷ nguyên số. Đó là văn hóa hợp tác, làm việc nhóm, xuyên chức năng; trách nhiệm xã hội (công dân xã hội, ý thức môi trường); văn hóa chuẩn mực (chia sẻ tư duy, bản sắc riêng, các giá trị); đổi mới sáng tạo, quản lý kiến thức; làm việc hiệu quả (tiêu chuẩn hóa, tổ chức lại các quy trình); tin cậy; khả năng phân tích dự đoán, đưa ra quyết định; đòn bẩy công nghệ trong kỷ nguyên số (AI, học máy, Internet vạn vật); khả năng thích ứng, nhanh nhạy; chiến lược - có tầm nhìn, sứ mệnh, mục đích và có kế hoạch thực hiện./.

Vân Anh/VOV.VN

Chia sẻ bài viết