Tiếng Việt | English

20/03/2022 - 20:40

IPU 144: ASEAN+3 tìm kiếm giải pháp hòa bình xung đột Nga-Ukraine

Các quốc gia ASEAN+3 nhất trí đề cử Indonesia sẽ là thành viên của Ủy ban soạn thảo các hạng mục khẩn cấp của IPU, bao gồm cả việc thảo luận giải quyết xung đột Nga-Ukraine.

Ngày 20/3, tại Diễn đàn ASEAN+3 bên lề Đại hội đồng Liên minh nghị viện Thế giới lần thứ 144 (IPU 144) được tổ chức tại Bali, Indonesia từ ngày 20-24/3/2022, Quốc hội các nước đã đề xuất các giải pháp hòa bình cho vấn đề giữa Nga và Ukraine.

Tham dự cuộc họp có đại diện quốc hội của các quốc gia thành viên ASEAN bao gồm Indonesia, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam cùng với ba nước Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản.


Phái đoàn Indonesia tại diễn đàn ASEAN+3 bên lề IPU 144 (nguồn : Instagram Fadli Zon)

Phát biểu sau cuộc họp, ông Fadli Zon, Chủ tịch Cơ quan Hợp tác Liên nghị viện, Hạ viện Indonesia cho biết, các quốc gia ASEAN+3 đã nhất trí đề cử Indonesia sẽ là thành viên của Ủy ban soạn thảo các hạng mục khẩn cấp của IPU, bao gồm cả việc thảo luận giải quyết xung đột Nga-Ukraine.

Mục đích của hạng mục khẩn cấp là nhằm tăng cường đoàn kết nghị viện thông qua ngoại giao hiệu quả trong việc giải quyết các xung đột đe dọa hòa bình, dân chủ và nhân quyền trên thế giới.

Dự thảo nghị quyết do Indonesia soạn thảo có tựa đề "Vai trò của Nghị viện trong việc hỗ trợ giải pháp hòa bình cho xung đột Nga và Ukraine” đã được các quốc gia ASEAN+3 thông qua và sẽ đưa ra thảo luận tại cuộc họp nhóm Châu Á-Thái Bình Dương (APG).

Theo ông Fadli Zon, xung đột Nga-Ukraine là một vấn khá phức tạp mang nền tảng lịch sử, văn hóa, kinh tế. Indonesia cho rằng cần tìm giải pháp toàn diện bởi cuộc xung đột hiện nay đã khiến làn sóng tị nạn dâng cao, đe dọa tính mạng của nhiều dân thường. Do đó, Quốc hội các nước cần đóng vai trò làm cầu nối giải quyết xung đột.

Ông Fadli khẳng định, mặc dù phái đoàn Nga và Ukraine không tham dự Đại hội đồng IPU lần này, nhưng cũng không làm giảm cam kết của các nước thành viên IPU trong việc tiếp tục thảo luận về giải quyết xung đột ở Nga và Ukraine.

Indonesia đề xuất thành lập một Ủy ban đặc biệt để hòa giải giữa Nga và Ukraine. Lập trường của Indonesia trong cuộc khủng hoảng Nga và Ukraine là không đứng về phía bất kỳ quốc gia nào. 

Đại hội đồng Liên minh nghị viện Thế giới lần thứ 144 (IPU 144) là sự kiện quốc tế trực tiếp đầu tiên mà Indonesia đăng cai tổ chức sau 2 năm đóng cửa do đại dịch Covid-19. 115 quốc gia tham dự sẽ thảo luận về “Chương trình nghị sự xanh” với chủ đề: “Hướng tới mức phát thải ròng bằng 0-Vận động Nghị viện hành động chống biến đổi khí hậu” nhằm tìm kiếm các giải pháp để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và các tác động, đại dịch Covid-19 và các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs), bình đẳng giới, dân chủ, nhân quyền, và hòa bình thế giới./.

Hương Trà/VOV-Jakarta

Chia sẻ bài viết