Tiếng Việt | English

14/08/2024 - 10:38

Kết hôn muộn, sinh ít con và trách nhiệm của người trẻ?

Trong xã hội hiện đại với những giá trị sống mới, quan niệm về hôn nhân và gia đình cũng có nhiều thay đổi. Nhiều bạn trẻ ngày càng xem trọng sự nghiệp, sự tự chủ về kinh tế, cuộc sống nên trì hoãn việc lập gia đình, sinh con. Kết hôn muộn và sinh ít con đang trở thành một vấn đề xã hội đáng báo động, đặt ra nhiều thách thức cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Tuổi kết hôn trung bình lần đầu của Việt Nam tăng dần thời gian qua, hiện ở mức 27,2. Ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, con số này cao hơn; chẳng hạn TP.HCM, tuổi kết hôn trung bình lần đầu là 30,4. Tình trạng kết hôn muộn trong những năm gần đây không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước, độ tuổi kết hôn lần đầu cũng khá cao như Nhật Bản (34), Italy (34), Pháp (32,9), Nauy (33,1), Đức (32,8), Australia (30,6),...

Việc người trẻ kết hôn muộn đang là vấn đề được xã hội đặc biệt quan tâm. Một trong những biện pháp Chính phủ đưa ra để giải quyết mức sinh thấp là tập trung vận động thanh niên không kết hôn muộn, không sinh con muộn (khuyến khích kết hôn trước 30 tuổi). Theo Quyết định 588/QĐ-TTg, ngày 28/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về Điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030, tăng 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có dưới 2,0 con); giảm 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh cao (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có trên 2,2 con); duy trì kết quả ở những tỉnh, thành phố đã đạt mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có từ 2,0 con đến 2,2 con).

Trong quyết định cũng nêu: “Bảo đảm sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong thực hiện sinh đủ hai con, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc”. Quyết định này hướng đến mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên toàn quốc, phấn đấu tăng mức sinh ở những địa phương đang có mức sinh thấp, giảm mức sinh ở những địa phương đang có mức sinh cao, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến 2030, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững đất nước.

Tuy nhiên, đến nay, việc thực hiện Quyết định 588 cũng chỉ ở tuyên truyền, vận động và chưa có tác động nhiều đến những người trẻ. Với thế hệ trẻ, nhất là thế hệ Gen Z (là thế hệ đầu tiên lớn lên với sự tiếp cận Internet cùng các thiết bị kỹ thuật số và điện tử từ nhỏ) quan niệm về hôn nhân có sự khác biệt hơn trước. Họ dành thời gian để theo đuổi đam mê, phát triển sự nghiệp, khám phá những điều thú vị trong cuộc sống, tận hưởng sự tự do cùng bạn bè và không quá đặt nặng vấn đề kết hôn, sinh con. Họ thường tìm hiểu, kết bạn qua các app hẹn hò, có nhiều cơ hội kết nối nhưng đi đến yêu, kết hôn thì còn là chặng đường quá xa.

Một trong những nguyên nhân khiến người trẻ kết hôn muộn là trong xã hội hiện đại, họ có nhiều cơ hội để phát triển bản thân, sự nghiệp. Ở độ tuổi 20-30, người trẻ dành nhiều thời gian cho công việc. Sau khi đạt những thành tựu nhất định, họ lại có những yêu cầu khắt khe hơn về “nửa kia”. Khi không gặp được người đủ tiêu chí thì các bạn trẻ sẽ có tâm lý ngại yêu, lười kết hôn. Chẳng hạn như một số phụ nữ khi tự chủ tài chính, có được cuộc sống như mình mong muốn thay vì tìm một người bạn đời, họ lại có xu hướng làm mẹ đơn thân. Họ sợ bị ràng buộc bởi hôn nhân.

Kết hôn muộn dẫn đến sinh con muộn, đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số, gây thiếu hụt nguồn nhân lực trẻ, lực lượng và năng suất lao động giảm sút, khiến gánh nặng an sinh xã hội ngày càng lớn. Tổng cục Thống kê dự báo, dân số Việt Nam từ 65 tuổi sẽ vượt 15% tổng dân số vào năm 2039, bước vào giai đoạn dân số già. Từ sau năm 2055, tỷ trọng dân số từ 65 tuổi ở Việt Nam sẽ chiếm từ 20% đến dưới 29,9%. Từ nay đến năm 2039 là khoảng thời gian không dài để Việt Nam chuẩn bị nhằm đối diện với tình trạng già hóa dân số.

Nếu tình trạng giới trẻ kết hôn muộn, sinh con ít tiếp tục diễn ra thì Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều thách thức trong tương lai, từ thiếu lao động, già hóa dân số đến gánh nặng cho hệ thống an sinh xã hội. Liệu chúng ta có thể tìm ra giải pháp để khuyến khích giới trẻ kết hôn và sinh con nhiều hơn?

Việc tìm ra giải pháp để giải quyết vấn đề này là vô cùng cấp thiết. Bên cạnh việc tuyên truyền để những người trẻ thấy được kết hôn và sinh con không chỉ là quyền lợi mà còn là trách nhiệm của mỗi công dân thì cũng cần có những chính sách hỗ trợ như tạo điều kiện hơn nữa để phụ nữ có thời gian phục hồi sức khỏe sau sinh, chăm sóc con; chính sách ưu đãi cho những gia đình trẻ mua nhà, khởi nghiệp,...

Chúng ta cần thay đổi nhận thức, tạo ra một môi trường sống thuận lợi để khuyến khích giới trẻ lập gia đình và sinh con./.

Tâm An

Chia sẻ bài viết