Con trai hay con gái đều quý
Mất cân bằng giới tính khi sinh và những hệ lụy
Tình trạng MCBGTKS ở Việt Nam xảy ra vào năm 2004. Kể từ năm 2005, sự chênh lệch số bé trai/bé gái nhanh chóng tăng lên qua từng năm. Theo số liệu từ cuộc Tổng điều tra dân số (DS) và nhà ở năm 2019, tỷ số giới tính khi sinh của nước ta là 111,5 bé trai/100 bé gái.
Theo Chi cục trưởng Chi cục DS -Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) - Đoàn Văn Ngà, MCBGTKS là do một số nguyên nhân: Sự ưa thích sinh con trai trong bối cảnh giảm sinh, tư tưởng Nho giáo với quan niệm có con trai để “nối dõi tông đường”, thờ cúng tổ tiên cũng như đánh giá thấp vai trò của nữ giới trong gia đình và xã hội tại mỗi vùng, miền và việc tiếp cận các dịch vụ y tế dễ dàng hơn trong lựa chọn giới tính thai nhi hoặc chẩn đoán giới tính thai nhi dẫn tới nạo phá thai vì lý do lựa chọn giới tính,... Việc MCBGTKS sẽ gây chênh lệch giới tính ở trẻ sơ sinh và dẫn đến tình trạng thừa nam, thiếu nữ.
MCBGTKS cũng dẫn đến những hệ lụy khó lường về kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh,... ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của mỗi cá nhân, gia đình và là hiểm họa đối với sự phát triển bền vững và ổn định của đất nước. MCBGTKS còn làm thay đổi cơ cấu DS trong tương lai; thiếu hụt phụ nữ ở độ tuổi lập gia đình dẫn đến một tỷ lệ nam giới sẽ phải trì hoãn việc lập gia đình, nhất là nam giới nghèo, vị thế xã hội thấp; cấu trúc gia đình thay đổi đáng kể (một số nam giới có thể phải lựa chọn hay rơi vào tình trạng sống độc thân). Ngoài ra, còn gia tăng tội phạm liên quan đến lạm dụng tình dục, tình trạng khan hiếm phụ nữ sẽ cản trở việc nâng cao địa vị của họ trong xã hội.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Tại Long An, đến thời điểm này, tỷ số giới tính khi sinh là 104,45 bé trai/100 bé gái. Tuy vẫn ở trong mức cho phép nhưng tỉnh luôn nỗ lực thực hiện các biện pháp để kéo giảm, hạn chế không để xảy ra tình trạng MCBGTKS. Theo đó, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tăng cường tuyên truyền, tổ chức hội thảo, tập huấn, phổ biến quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi; vận động người dân thực hiện tốt quy ước ấp, khu phố,... Đặc biệt, việc duy trì mô hình xã, phường, thị trấn không có người sinh con thứ 3 trở lên cũng góp phần rất lớn trong việc giảm thiểu MCBGTKS.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ các huyện, thị xã, thành phố, thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 91 xã, phường, thị trấn không có người sinh con thứ 3 trở lên, trong đó nhiều xã duy trì giữ vững thành tích trong nhiều năm liền.
Cộng tác viên nhiệt tình “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, ý thức người dân nâng lên đáng kể, xã Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa nhiều năm liền không có người sinh con thứ 3 trở lên
Tại xã Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa, đến năm 2020, xã giữ vững được 9 năm liên tục không có người sinh con thứ 3 trở lên (từ năm 2011 đến nay). Phó Chủ tịch UBND xã - Trần Thanh Mộng cho biết, là xã biên giới, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, tuy nhiên, nhờ tăng cường công tác tuyên truyền mà nhận thức của người dân về công tác DS-KHHGĐ được nâng lên. Xã có tổng cộng 14 cộng tác viên DS. Chính sự nhiệt tình “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” của các cộng tác viên mà ý thức người dân nâng lên đáng kể. Tư tưởng có con trai để “nối dõi tông đường” cũng không còn nặng nề so với trước đây, nhất là tại các gia đình có con một bề là gái. Đây cũng là những yếu tố giúp xã duy trì, giữ vững thành tích nhiều năm liền không có người sinh con thứ 3 trở lên.
Chị Dương Hoàng Hạnh (SN 1988, ngụ ấp 2, xã Tân Hiệp) chia sẻ: “Dù có 2 con gái nhưng vợ chồng tôi quyết định không sinh thêm để bảo đảm nuôi dạy chu toàn. Chúng tôi cũng thuyết phục cha mẹ 2 bên con nào cũng là con, miễn các cháu chăm ngoan, học giỏi thì con trai hay con gái đều đáng quý. Do đó, ông bà cũng đồng thuận và không gây áp lực với vợ chồng tôi”.
Ông Đoàn Văn Ngà thông tin thêm, tình trạng MCBGTKS không những ảnh hưởng đến cơ cấu DS mà còn là sự phát triển KT-XH trong nhiều năm tiếp theo. Hậu quả của MCBGTKS thì một thời gian dài sau này mới có thể nhìn rõ. Do đó, để hạn chế tình trạng MCBGTKS, công tác tuyên truyền vẫn là mấu chốt để nâng cao nhận thức cho người dân. Theo đó, ban chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ các địa phương cần chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền về kiểm soát MCBGTKS; xây dựng xã, phường, thị trấn không có người sinh con thứ 3 trở lên; đưa chính sách DS vào quy ước ấp, khu phố;... tổ chức chiến dịch truyền thông về bình đẳng giới, không lựa chọn giới tính thai nhi. Trong đó, nội dung tuyên truyền phải phong phú, thiết thực, hấp dẫn; đồng thời phải có sự đa dạng và đáp ứng được nhu cầu cung cấp các biện pháp tránh thai an toàn tới các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, nhất là đối với những đối tượng sinh con một bề. Đặc biệt, các địa phương cần gắn công tác DS với các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa, xã văn hóa,... một cách bền vững.
Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trong triển khai, thực hiện hiệu quả chính sách DS-KHHGĐ chính là cách để góp phần nâng cao chất lượng DS, chất lượng cuộc sống nhân dân, trong đó có việc nỗ lực giữ vững mô hình xã, phường, thị trấn không có người sinh con thứ 3 trở lên./.
Tỷ lệ sinh hiện nay ở Long An đang duy trì ở mức thấp, dưới mức sinh thay thế (2,1 con). Tỷ số giới tính khi sinh đang trong mức cân bằng tự nhiên từ 103-108 bé trai /100 bé gái. |
Phạm Ngân