ĐBSCL đang chịu tác động của biến đổi khí hậu. Tình hình sạt lở, mặn xâm nhập... không chỉ tác động trực tiếp tới các mặt sản xuất mà vấn đề phát triển du lịch cũng gián tiếp chịu ảnh hưởng. Những lợi thế vốn có của vùng gồm tài nguyên đất và nước là gốc rễ của sự phát triển đang bị đe dọa.
ĐBSCL có điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sông nước
Theo nghiên cứu của Tập đoàn tư vấn Boston (The Boston Consulting Group - BCG), ngành du lịch ĐBSCL đang gặp những khó khăn. Hiện vùng ĐBSCL đang không phải là điểm đến chính của khách du lịch mà chỉ là một phần “bổ sung” cho chuyến đi tại TP HCM.
Thực tế, nếu du khách đến để trải nghiệm văn hóa sẽ đến với Huế, Hội An. Nếu tìm đến thiên nhiên sẽ là Đà Lạt, Sa Pa. Còn du khách muốn trải nghiệm đô thị sẽ ưu tiên TP HCM, Hà Nội. Từ đó, lượng khách đến với khu vực này hiện chỉ đạt khoảng 20 triệu lượt người/năm, thấp hơn 20 triệu so với đồng bằng sông Hồng. Doanh thu trên lượt khách du lịch tại đây trung bình chỉ khoảng 22 USD/khách du lịch thấp hơn 75% mức trung bình của cả nước.
Nhiều lợi thế chưa được đầu tư phát triển xứng tầm
Nguyên nhân của những vấn đề này là do ĐBSCL đang thiếu điểm nhấn cho chính mình, thiếu nguồn lao động được đầu tư bài bản. Thiếu kết nối là điều kiện quan trọng để quyết định khách du lịch có đến với vùng hay không.
Tại Cần Thơ, trung tâm của vùng chỉ có 4 kết nối hàng không với quốc tế thấp hơn rất nhiều so với 25 kết nối của Đà Nẵng. Chất lượng đường bộ tại vùng ĐBSCL thấp. Cao tốc TP HCM - Trung Lương chỉ kéo dài 1/3 tổng chặng đường về tới trung tâm ĐBSCL dẫn đến thời gian di chuyển phải mất hơn 3 giờ. Đây là một rào cản để du khách đến với vùng.
"Cần Thơ có vị trí địa lý là trung tâm của vùng ĐBSCL. Cơ sở hạ tầng, điều kiện kinh tế có thể nói cũng khá xứng tầm nhưng để phát triển du lịch nói chung thì cơ sở hạ tầng vẫn còn thấp kém, mục tiêu đầu tư cũng chưa rõ ràng. Nói phát triển du lịch nhưng mà đầu tư cái gì, nhà hàng, khách sạn thì như thế nào và thứ gì là đặc sản?", ông Lê Văn Tâm, Phó chủ tịch UBND TP. Cần Thơ nêu thực tế.
Hạ tầng giao thông đang là một rào cản để du khách đến với ĐBSCL. Ngay tại Cần Thơ là trung tâm của vùng cũng chưa đáp ứng được thực tế
Câu hỏi đặt ra là trước những thách thức như vậy, ĐBSCL phải phát triển du lịch như thế nào?
Theo ông Christopher Malone, Trưởng khối Phát triển Kinh tế Toàn cầu của BCG nhìn nhận khách quan rằng, ĐBSCL đang là vùng đất thương hiệu của Việt Nam được thế giới biết đến nhưng không hẳn thông qua du lịch. Còn xét về tiềm năng phát triển du lịch ĐBSCL có nhiều nhưng chưa được đầu tư phát triển xứng tầm. Cần có cú hích để nâng tầm sự nổi bật của vùng xoay quanh các vấn đề "Nghỉ dưỡng trên sông", "Khám phá, phiêu lưu khu vực hoang dã" và "Khám phá sinh thái – nông nghiệp". Đây chính là 3 chủ đề chính về du lịch để tạo điểm nhấn, sự khác biệt cho vùng đất này.
Để phát triển du lịch bền vững cần giảm áp lực lên môi trường đất và nước
Phân tích cụ thể hơn, ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL cho biết: Nói về phát triển du lịch ĐBSCL thì tầm nhìn, hướng đi chưa cụ thể. Mặc dù đã có quy hoạch Du lịch đến 2020 tầm nhìn đến 2030 nhưng vẫn còn chưa rõ ràng.
Ông Phong cho rằng, ĐBSCL là vùng châu thổ, đâu cũng là sông nước nên du khách đến các địa phương dễ có cảm giác trùng lặp. Tuy nhiên, xét về bản chất sông nước của các tỉnh có sự khác biệt. Cần Thơ sông nước nhưng mang bản chất đô thị; An Giang mang chất tâm linh; Kiên Giang có lợi thế biển đảo; Cà Mau lại gắn với rừng ngập mặn, rừng tràm...
Điều quan trọng nhất các tỉnh cần hướng tới hiện nay là từ những sự khác biệt đó, phải xây dựng được sản phẩm đặc thù, tạo điểm nhấn cho mình. Tất nhiên, sự phát triển cần bền vững, thích ứng với nguy cơ biến đổi khí hậu mà vùng đất “Chín rồng” đang phải đối mặt. Muốn làm được như vậy, cái chúng ta đang thiếu là các dự án mang tính chất chiến lược để tạo đột phá, ông Lê Thanh Phong nói.
Phát triển du lịch sinh thái, tôn trọng tự nhiên là một trong những giải pháp hiệu quả
Theo chuyên gia sinh thái Nguyễn Hữu Thiện, nền tảng của sự phát triển nói chung phải dựa trên lợi thế đất và nước. Tuy nhiên, tài nguyên đất và nước của vùng ĐBSCL đang bị đe dọa do thâm canh nông nghiệp. Ngay cả biển và hải đảo cũng đang bị ảnh hưởng do chất thải, rác thải. Đặc biệt, vấn đề sạt lở làm mất đất, mất rừng tại bờ sông, bờ biển đang ngày càng nghiêm trọng. Thực tế, trước tác động của biến đổi khí hậu, tài nguyên đất và nước đang gặp thách thức.
Như vậy, muốn phát triển bền vững cần giảm tạo áp lực lên môi trường đất và nước. Phải phát triển tôn trọng theo quy luật tự nhiên. Cần chuyển tư duy nông nghiệp chú trọng số lượng sang chất lượng. Đặc biệt, trong quy hoạch cần phát triển đa ngành, xem du lịch là một phần quan trọng chứ không thể làm riêng lẻ như trước đây. Bởi vì, phát triển du lịch là thân thiện với thiên nhiên, tôn trọng môi trường và đảm bảo được giá trị của đất và nước thì sẽ đảm bảo tính bền vững và thích ứng được với biến đổi khí hậu.
Biến đổi khí hậu đang tạo áp lực lên sự phát triển chung của vùng ĐBSCL và du lịch cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, để thích ứng với biến đổi khí hậu thì phát triển du lịch thân thiện với môi trường là một giải pháp hiệu quả.
Như vậy, các tỉnh trong vùng ĐBSCL cần có chiến lược phát triển du lịch kịp thời, phù hợp. Trong đó, những vấn đề cần thiết để đảm bảo phát triển du lịch bền vững như: Đảm bảo sinh thái, chú trọng đầu tư hạ tầng và tạo sản phẩm du lịch đặc thù được các chuyên gia cho rằng là những giải pháp hiệu quả để ngành du lịch các tỉnh tạo đột phá trong diễn biến của biến đổi khí hậu đang phức tạp như hiện nay./.
Trần Hiếu/VOV.VN