Tiếng Việt | English

06/03/2019 - 15:39

Khắc khoải chuyện cải hoán tàu biển

Nghề biển phát triển kéo theo hàng loạt các dịch vụ hậu cần cũng phát triển. Với nhiều ngư dân việc đóng mới, cải hoán hay sửa chữa tàu biển là việc trước tiên cho mỗi chuyến biển an toàn. Song, nghề cải hoán, đóng mới tàu ở Cà Mau chỉ phát triển mạnh nhất ở cửa biển Sông Đốc nhưng cũng chỉ có 3 cơ sở đủ các điều kiện kỹ thuật đóng tàu công suất lớn.

Con số này phát triển tỷ lệ nghịch với quy mô nghề khai thác biển, điều này minh chứng cho việc khó lòng “phục vụ” hết nhu cầu của những chủ tàu. Nhiều chủ tàu lớn đã cất công tìm đến Rạch Giá, qua Hà Tiên hay ngược lên Ninh Thuận, Bình Thuận để ký hợp đồng đóng mới những chiếc tàu biển trị giá bạc tỉ.

Khắc khoải chuyện cải hoán tàu biển

12 giờ trưa ngày đầu tháng 3, nắng gay gắt bên nhánh sông Biện Nhị. Anh bạn Trứ rất sành nghề biển và cửa biển Khánh Hội lại tiếp tục lách xe máy qua con đường xi măng bên bờ Tây rồi đưa tôi vòng qua cống Biện Nhị hướng thẳng đến ụ sửa chữa tàu biển của anh Lê Minh Khánh. Ụ của anh vừa tiếp nhận một chiếc tàu tải bị sóng đánh sạt be, bục nước và chìm ở biển Khánh Hội mấy ngày trước.

Anh Khánh cho hay, ụ của anh vừa cải hoán và hạ thủy thành công 1 chiếc tàu câu mực công suất 20CV và đang tiếp nhận cải hoán, sửa chữa tàu tải hiện hữu. “Nếu đủ thợ, đủ cây thì tầm 2 tháng chiếc tàu tải này sẽ hạ thủy”, anh Khánh vừa nói vừa chỉ tay về phía con tàu vừa được kéo lên khỏi mặt nước.

Đã hơn 20 năm làm nghề sửa chữa, cải hoán và đóng mới tàu biển ở cửa biển Khánh Hội, nhưng theo anh Khánh, chưa năm nào “hoàn cảnh” như năm nay. Bởi, liên tục những chuyến đi biển của ngư dân Khánh Hội thất bát. “Tui ngoài sửa chữa còn có 2 chiếc ghe câu mực. Nhưng, mỗi chuyến biển từ đầu năm đến nay chỉ phá huề. Cứ như thời điểm này mọi năm thì ụ tui cũng có vài ba tàu biển liên hệ lên ụ cải hoán và có vài đơn đặt hàng đóng mới. Đằng này chỉ mới hoàn thành 1 chiếc, còn chiếc này đang chuẩn bị.”

Như để phân trần chuyện từ hôm qua đến nửa ngày cuối tuần, chúng tôi không liên hệ được anh qua điện thoại, anh Khánh nói: “Hổm rày, tôi phải qua bên rừng tìm mua cây gỗ về chuẩn bị sửa con thuyền này. Bây giờ tìm mua cây cũng cực chẳng đả. Không khéo thì vớ phải cây non, kém chất lượng.”

Nghề cải hoán, đóng mới tàu ở Cà Mau phát triển mạnh nhất ở cửa biển Sông Đốc

Công của anh Khánh đi tìm cây cũng như nỗi cực của việc chúng tôi đi tìm hiểu về nghề đóng tàu biển ở nhiều cửa biển nhỏ thời gian qua. Hai tuần trước, trời cũng nắng chang chang, chúng tôi vượt qua con đường 50 cây số gồ ghề qua xứ Cơi Năm rồi thẳng ra Đá Bạc. Nhưng nghề đóng mới và sửa chữa tàu biển xứ này khó tìm, dù lượng ngư dân hành nghề biển cũng nhiều. Chủ tịch UBND xã Khánh Bình Tây - Nguyễn Quốc Đoàn cho biết: Ụ đóng và sửa chữa tàu biển ở Đá Bạc không có. Chủ yếu là ngư dân sửa chữa nhỏ, có thể tự làm hoặc thuê thợ mộc về sửa.

Trong bữa cơm trưa thiết khách, anh Thanh, một chủ tàu câu mực ở Đá Bạc hướng lối cho chúng tôi về Hương Mai, Tiểu Dừa. “Nghe đâu bên đó có thợ đóng tàu cỡ lớn”, anh Thanh tâm sự.

Trên con đường Đê Biển Tây vừa mới hoàn thành công đoạn sửa chữa do sự cố lún sụp hồi năm ngoái, Trạm trưởng Trạm kiểm soát biên phòng Hương Mai - Huỳnh Thái đưa chúng tôi đến nhà ông Năm Cảnh – Phan Văn Cảnh. Ông Cảnh được biết đến là một ngư dân kỳ cựu ở vùng Hương Mai, vừa có kinh nghiệm biển vừa ăn nên làm ra.

Ông Năm Cảnh cho hay, thợ đóng mới và sửa chữa tàu biển ở Hương Mai, Tiểu Dừa theo quy mô lớn thì không có, nhưng gần đây nếu có nhu cầu đóng mới hay cải hoán tàu biển thì người dân liên hệ với thợ rồi họ đến tận nhà để sửa.

Mà để kiếm thợ lành nghề gỏi thì tìm ở bên Rạch Giá, Hà Tiên. Họ thông qua bản vẽ thiết kế tàu rồi “ra toa” cho chủ nhà mua cây gỗ. Thường thì tàu ở Hương Mai, Tiểu Dừa được hạ thủy mỗi chiếc cũng tầm 150 đến 200 triệu, đó là chưa kể tiền công, tiền trang bị máy cho tàu.

Để đóng mới một tàu biển loại dài 19m thì cần cả chục khối gỗ. Nếu chủ tàu kha khá thì sử dụng gỗ tốt: Sến, Dên Dên. Kinh phí eo hẹp tí thì chèn thêm công bằng thân Bạch Đằng, Tràm. Nhưng những loại cây gỗ địa phương ở Cà Mau đem đóng tàu biển thì tuổi thọ không cao, thường hay bị bung be, phá nước, gãy công. Những khi ấy rất nguy hiểm khi tàu đang vận hành ngoài biển.

Nghề đóng tàu phải tỉ mỉ đến từng mi li mét

Ghé qua ụ đóng tàu của anh Minh ở Kinh Xáng Mới, xã Khánh Hội. Ụ của anh đang giàn công chiếc tàu loại công suất lớn trên 20CV. Đây là đơn đặt hàng hồi đầu năm, cũng là chiếc tàu đặt hàng cải hoán. Phía bên sườn trái của con tàu đang cải hoán là một sự chuẩn bị rất công phu khác, chuẩn bị ghim công một chiếc tàu mới.

Anh Phúc, một thợ đóng tàu chuyên nghiệp của ụ này cho biết: Anh nhận lời đặt hàng và lời mời của anh Minh qua để sửa chửa, cải hoán và đóng mới tàu thời vụ này. Vì quen biết nên anh khăn gói qua Khánh Hội, chứ nghề của anh ở xứ Hà Tiên cũng không có ngày ngơi nghỉ. Vì ở Hà Tiên hay Rạch Giá thì trại đóng tàu, ụ tàu biển rất nhiều và toàn đóng tàu cỡ lớn và sử dụng gỗ tốt.

Dưới cái nắng quái ngả chiều bên bờ Biện Nhị, người thợ chính (anh Phúc) cứ hết buông tay thước lại bắt tay cưa cho kịp tóm thợ 3 người tuổi trung niên đang phụ giúp các khâu khoan, nẹp, bắt bulông. Mồ hôi nhuễ nhãi, anh Phúc vẫn vui cười: “Thợ đóng tàu như tui cực không thua kém thợ hồ xây nhà. Nhưng nghề này buộc chúng tôi phải tỉ mỉ hơn đến từng mi li mét”.

Với nhiều ngư dân việc đóng mới, cải hoán hay sửa chữa tàu biển là việc trước tiên cho mỗi chuyến biển an toàn

Còn nhớ hôm bữa gặp chú Năm Cảnh ở Hương Mai, chú cười khơ khớ nói: “Mấy đứa cứ nghĩ đóng một chiếc tàu biển như mình xây một căn nhà vậy đó. Phải chuẩn bị tiền thợ, tiền vật tư và cả đất nữa. Tàu đẹp hay xấu, chất lượng hay không đều thuộc vào bàn tay thợ và vật liệu dùng. Rồi có nhiều công đoạn trang trí,… Vả lại, nếu cất nhà không có đất thì khó hơn nhiều so với đóng tàu. Những người đóng tàu ở xứ mình (Hương Mai) không có đất để lên chẹt thì bà con cũng ưng ý cho mượn một vài tháng để thợ làm xong rồi hạ thủy trả lại mặt bằng.”

Anh Khánh cho biết thêm: “Nghề đóng tàu bây giờ đã có nhiều thiết bị hiện đại hỗ trợ chứ không làm thủ công hoàn toàn như trước, tuy nhiên, do tính chất đặc thù của những con tàu ra biển, người thợ vẫn phải nắm được những kỹ thuật truyền thống. Riêng khâu lào, trét để chống nước bây giờ toàn ứng dụng công nghệ lắp composite. Mỗi con tàu sau khi đóng hoàn thành chi phí cho phần composite cũng không dưới 100 triệu đồng.”

Theo thông tin từ Chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Cà Mau, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh chưa ghi nhận thực hiện đăng ký đóng mới tàu biển, cũng như hạ thủy tàu mới. Đây là tín hiệu không mấy khả quan cho nghề vươn khơi của vùng biển có ngư trường trên 80.000km2./.

Phong Phú

Chia sẻ bài viết