Tiếng Việt | English

21/01/2019 - 14:04

Giữ nghề truyền thống

Cách đây hơn 10 năm, ở xã Tân Phú, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An có rất nhiều hộ tráng bánh tráng, nhưng sau này người ta dần bỏ quên. Những ngày cận tết, lại thấy cảnh các hộ còn “giữ” nghề tất bật xay bột, tráng, phơi bánh,... không khí rộn ràng như xóa đi cái lạnh cuối đông.

Bà Trương Thị Ngân theo nghề tráng bánh thủ công đã hơn 20 năm

Bà Trương Thị Ngân theo nghề tráng bánh thủ công đã hơn 20 năm

Theo nhiều người nhận xét, bánh tráng làm theo phương pháp thủ công nơi đây từ lâu đã nổi tiếng thơm ngon, vì bánh không có phụ gia nên giữ được hương vị truyền thống. Mỗi hộ, mỗi ngày sản xuất bình quân 25kg bánh, đặc biệt dịp tết, số lượng bánh tăng lên khoảng 30-35kg/ngày/hộ.

Nghề làm bánh tráng thủ công tại xã Tân Phú hiện nay chỉ còn 2, 3 hộ theo nghề. Bên lò tráng nghi ngút khói, bà Trương Thị Ngân (55 tuổi), ngụ ấp Chánh, xã Tân Phú, vừa nhanh tay tráng bánh, vừa chia sẻ: “Quê tôi ở ấp Tân Qui Hạ, cách đây chỉ vài kilômet. Về ấp Chánh này làm dâu hơn 20 năm nay, nghề này của mẹ chồng tôi làm, sau thấy bà lớn tuổi không làm nữa nên tôi nối nghề đến nay. Nhờ nghề tráng bánh này mà tôi nuôi 3 người con ăn học và hiện đều có việc làm ổn định. Đến nay, nghề làm bánh tráng thủ công này không còn lợi nhuận nhiều nhưng tôi không bỏ nghề được. Các con thấy vất vả cũng kêu nghỉ nhưng tôi quyết giữ nghề đến khi nào... làm hết nổi thì thôi”. Ngày thường, trung bình mỗi ngày, gia đình bà Ngân tráng được khoảng 25kg, mỗi kilôgam bán với giá từ 30.000-33.000 đồng, sau khi trừ các khoản chi phí, còn lời hơn 100.000 đồng.

Bánh ở đây được làm với bột gạo và không sử dụng hóa chất, vì vậy có hương vị đặc trưng khi ăn: Mềm dẻo, vị mặn vừa, gói với tôm, thịt, rau, bún, chấm nước mắm me hay mắm nêm ăn rất hấp dẫn, làm nên nét độc đáo của ẩm thực vùng, miền. Đối với nghề làm bánh tráng thủ công, bánh ngon được đánh giá trước tiên qua vẻ bề ngoài, mỗi cái bánh tròn đều và bắt mắt. Tuy nhiên, chất lượng vẫn là quan trọng, cái bánh làm ra vừa dẻo, vừa sạch, vừa không có chất bảo quản mới giữ được khách hàng. Bánh tráng của bà Trương Thị Ngân làm bỏ mối ở chợ Hậu Nghĩa. Ngày thường, sản phẩm của gia đình bà làm ra không đủ giao cho khách, những ngày cận tết, bà càng tất bật hơn. Hiện nay, bà phải thuê thêm 2 nhân công làm phụ vì ngày tết, người ta đặt hàng gấp đôi ngày thường.

Phơi bánh tráng

Phơi bánh tráng

Bà Trương Thị Ngân chia sẻ thêm: “Nghề này khá vất vả, thu nhập không cao, chủ yếu lấy công làm lời và có việc làm ổn định. Nhưng nay, người ta bỏ nghề cũng nhiều. Cũng nhờ bám lấy cái nghề này mà gia đình tôi ổn định cuộc sống và đón năm mới đầy đủ hơn”.

Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Chánh, xã Tân Phú - Trương Thị Trúc cho biết: “Nghề làm bánh tráng thủ công ở địa phương có từ lâu đời nhưng chủ yếu sản xuất nhỏ, lẻ. Hiện nay, chỉ một vài hộ còn theo nghề. Bánh làm ra không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân trong vùng mà còn được tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành lân cận như Bình Dương, TP.HCM,... Qua đó, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi ở địa phương cũng như giúp người dân có thu nhập ổn định”./.

Song Hồng

Chia sẻ bài viết