Từng đàn cò trắng tung cánh giữa KBT Đất ngập nước Láng Sen
Công ước Ramsar là một công ước liên Chính phủ được ký vào ngày 2-2-1971 ở TP.Ramsar (Iran) và có hiệu lực từ năm 1975 với mục tiêu khuyến khích bảo tồn và sử dụng khôn khéo hay bền vững các khu đất ngập nước có tầm quan trọng trên thế giới. |
Vùng đất hoang sơ và kỳ thú
Có lẽ trên khắp vùng Đồng Tháp Mười rộng lớn chỉ còn duy nhất vùng Láng Sen, huyện Tân Hưng là còn giữ được những nét hoang sơ của tự nhiên khi ít chịu tác động từ con người. Hơn 4.000ha quanh năm ngập nước tạo nên một vùng đất với đầy đủ những nét đặc trưng nhất của Đồng Tháp Mười. Mỗi năm, vào mùa nước nổi, đây là nơi trú ngụ của hàng trăm ngàn cá thể chim di trú. Người ta ước lượng, chúng có thể đáp kín, phủ trắng cả một vạt rừng rộng chừng 50ha. Trong đó, có nhiều loài quý hiếm như: Sếu đầu đỏ, Quắm đen, Điêng điểng,… thậm chí cả các loài cá hiếm khi xuất hiện ngoài tự nhiên như cá Tra dầu, cá Hô, Éc mọi, cá Chài,…
Toàn bộ KBT được chia làm 12 tiểu khu với tổng diện tích 4.802ha, trong đó, riêng khu vực vùng lõi được bảo vệ nghiêm ngặt với diện tích khoảng 2.000ha, khu rừng tràm kinh tế với diện tích 1.200ha và vùng đa dạng sinh học nằm trọn trong 3 xã Vĩnh Đại, Vĩnh Lợi và Vĩnh Châu A.
Đồng sen giữa KBT
Anh Nguyễn Công Toại - Phó Giám đốc KBT giới thiệu: “Có khi đang là những vạt rừng xanh tốt, vậy mà chỉ sau 1 - 2 mùa chim về làm tổ, toàn bộ vạt rừng này dần xơ xác rồi chết khô. Mùa ấy, không một cây tràm nào là không có chim làm tổ, có những cây số lượng tổ chim gần 20 tổ, nào là Cò trắng, Cồng cộc, Diệc xám, đôi khi là những loài chim quý hiếm có mặt trong sách đỏ của Việt Nam cũng như thế giới như: Điêng điểng, Quắm đen, Giang sen hay thậm chí Sếu đầu đỏ cũng tìm về hằng năm…”.
Nơi bảo tồn các loài sinh vật quý, hiếm
Theo ghi nhận từ KBT, riêng chim nước có khoảng 144 loài là quần thể lớn nhất so với các KBT khác trên cả nước. Đây còn là nơi tập trung của một số loài động vật đặc trưng của vùng đất ngập nước như trăn gấm, rái cá vuốt bé, cua đinh, rùa vàng đang đứng trước nguy cơ tận diệt từ con người trong tự nhiên.
Ngoài ra, nét hoang sơ của KBT còn được lưu giữ qua các kiểu hệ sinh thái đặc trưng như rừng tràm tập trung, rừng tràm ven sông, lung lấp và đồng cỏ ngập nước theo mùa, trong đó một số kiểu sinh cảnh đặc trưng chỉ riêng Láng Sen còn lưu giữ được như sinh cảnh lúa ma, sinh cảnh đồng cỏ năng và hội đoàn sen, súng.
Trong các sinh cảnh đặc trưng của KBT Đất ngập nước Láng Sen thì có lẽ sinh cảnh đồng lúa ma dễ làm người ta mê hoặc. Lúa ma đơn thuần là giống lúa trời, phát triển tự nhiên dọc theo các dòng kênh hoặc phát triển thành những cánh đồng với diện tích lớn. Chúng chỉ trổ bông đúng lúc con nước đạt đỉnh và chín vàng từng hạt. Lúa ma còn là một giống lúa cho chất lượng thuộc hàng hảo hạng.
Giám đốc KBT – Trương Thanh Sơn cho biết: “Đến nay, KBT vẫn còn diện tích lúa ma mỗi mùa lên tới trên 50ha. Đây là nguồn gen quý hiếm nên nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước tìm đến để nghiên cứu cũng như lai tạo dòng lúa quý hiếm này nhưng đến nay chưa có công bố nào cụ thể nên chủ yếu giống lúa ma chỉ còn số lượng rất ít trong tự nhiên”.
Nhưng có lẽ điều kỳ thú nhất chính là vương quốc của các loài cá, trong đó cá Tra dầu, cá Hô chỉ cần nghe đến tên thôi cũng dễ làm người ta liên tưởng đến loài “thủy quái” nước ngọt.
KBT hiện nay có khoảng 68 loài cá nước ngọt, trong đó, có một số rất hiếm khi bắt gặp ngoài tự nhiên như: Éc mọi, cá Chài hay một số loài cá khác như: Nàng Hai, Trê vàng,… Và quý, hiếm nhất phải kể đến loài cá Tra dầu với số lượng kiểm đếm ước lên đến trên 100 cá thể.
Để những giá trị được lưu giữ
Mặc dù, KBT vừa chính thức trở thành khu Ramsar của thế giới nhưng đến nay sự quan tâm đầu tư cho công tác bảo tồn vẫn còn những hạn chế nhất định. Làm thế nào để lưu giữ, bảo tồn những nét hoang sơ của vùng đất duy nhất còn sót lại giữa vùng Đồng Tháp Mười?
Từng đàn chim về với KBT trong mùa sinh sản
Phần lớn chim về nhiều nhất vào độ tháng 8, tháng 9 để kiếm thức ăn và sinh sản, lấy KBT làm nơi trú ngụ. Đáp ứng nhu cầu thị trường về những món ăn đặc sản, một số người luôn tìm cách để tận diệt chim cò. Bẫy được giăng bắt khắp nơi xung quanh bìa rừng. Thậm chí còn sẵn sàng dùng thuốc độc để tận diệt.
Cả KBT chỉ có gần 50 cán bộ, nhân viên lại quản lý một diện tích quá lớn nên công tác tuyên truyền, vận động người dân không tận diệt các cá thể cũng còn hạn chế. Hằng ngày, lực lượng bảo vệ vẫn xuyên rừng thay nhau tuần tra 24/24 bảo đảm đóng quân trên 7 chốt nhưng vẫn không ngăn chặn hết. Mặt khác, phần lớn người dân đều ở vùng khác đến, lại tập trung đặt bẫy ở ngoài bìa rừng ngoài phạm vi quản lý của KBT.
Trong tương lai, bờ bên kia Kênh 79 sẽ hình thành nên một khu du lịch sinh thái với diện tích cả trăm hécta phục vụ người dân khắp nơi về thăm thú KBT. Phó Giám đốc KBT – Nguyễn Công Toại cho biết: “Dẫu biết rằng khi hình thành nên khu du lịch, ít nhiều sẽ tác động đến môi trường sống của các loài động vật nơi đây. Nhưng đây cũng là cách để người dân bản địa có thêm một hướng để cải thiện thu nhập, và giảm dần sự tàn phá thiên nhiên. Khi phát triển dự án, chúng tôi sẽ cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất sự tác động của con người đến môi trường tự nhiên. Ngay như vị trí đặt khu du lịch, chúng tôi cũng nghiên cứu đề nghị phải làm phía bên kia bờ Kênh 79 để hạn chế tiếng ồn, mọi hoạt động chỉ diễn ra phía bên ngoài vùng lõi”.
Nâng trách nhiệm của người dân trong công tác bảo tồn
Để công tác bảo tồn trở nên bền vững, điều quan trọng là phải nâng cao được ý thức của người dân. Tuy nhiên, việc thực hiện lại vô cùng khó khăn, khi đời sống của đại đa số cư dân ngoài bìa rừng còn khó khăn. Vì thế, trong những năm qua, nhiều tổ chức phi chính phủ với nhiều chương trình hỗ trợ sinh kế được triển khai cho người dân vùng đệm nhằm tăng thu nhập, nâng cao ý thức cho cộng đồng dân cư.
Năm 2013, dự án của các tổ chức phi chính phủ cấp cho KBT gần 1 tỉ đồng để triển khai thực hiện. Trong đó, nguồn vốn chủ yếu được sử dụng xoay vòng với 120 hộ dân tham gia bằng các mô hình chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tăng thu nhập và bước đầu đã cho những tín hiệu tích cực.
Trong năm nay, một nguồn hỗ trợ khác khoảng 30.000 Euro từ tổ chức phi chính phủ cũng được đầu tư phát triển kinh tế cho người dân.
Hiện nay, KBT đang triển khai các mô hình thí điểm như phát triển nông nghiệp thông minh để hạn chế rác thải, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật có thể ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản hàng năm hay các mô hình chăn nuôi thủy sản theo phương pháp khoa học,… được triển khai mở rộng tới người dân.
Bước đầu các mô hình này mang lại hiệu quả khi những người dân tham gia dần từ giã thói quen săn bắt chim rừng và tàn phá tự nhiên, thay vào đó, những người tham gia lại trở thành những vệ tinh, cùng lực lượng bảo vệ KBT giữ gìn những nét hoang sơ còn sót lại giữa Đồng Tháp Mười./.
Kiên Định