Tiếng Việt | English

25/06/2023 - 12:55

Khi tình ta đã đi qua nhiều tháng năm

Còn trẻ người ta có thể đi dọc đi ngang, đôi khi cũng yếu lòng... cô này anh kia. Nhưng về già, tháng năm qua đi, bóng chiều ập xuống, dường như còn lại "mình với mình" mới thấm thía hết điều quý giá.

Buổi chiều, ba má ra ngồi hàng ba ngó xe cộ chạy ngoài đường, kể dăm ba câu chuyện ngày xưa - Ảnh: PHƯƠNG THANH

Một niềm vui giản dị mà bươn qua bao sóng gió mới nhận ra ta còn hạnh phúc...

1. Nhà tôi có bốn anh chị em. Mỗi người lập gia đình ra riêng nhưng ở chung khu đất sát nhà ba má. Anh chị em tôi ai cũng quan tâm tới ba má, mỗi ngày đều qua chơi để ý coi ba má có sụt sịt bệnh cảm hay bỏ bữa để kịp thời chăm sóc. 

Thương là vậy nhưng ai cũng bận rộn công việc và gia đình, nên rốt cuộc nhà có đông con cỡ nào thì cuối cùng chủ yếu chỉ ông bà hủ hỉ.

Ba tôi năm nay 88 tuổi, còn má 85. Ba hiền lành, ít nói, thích lặng lẽ đọc sách báo, lui cui làm việc nhà, chăm chút mảnh sân. Còn má xởi lởi, thích trò chuyện, hơi nóng tính và trong mắt tụi tôi là hay... ăn hiếp ba! 

Gần như vài ba bữa là má có chuyện "kể tội" ba. Mà toàn "chuyện lớn", kiểu "Tới giờ tao coi phim Hồ Biểu Chánh cái ổng đòi coi đá banh. Tao chuyển kênh, ổng đi một nước ra nhà trước không thèm nói tao tiếng nào!".

Vụ mê đá banh là chuyện dài nhiều tập ở nhà tôi. Mỗi mùa đá banh, cứ ba lọ mọ dậy bật tivi là má la lối, biểu gần 90 tuổi rồi thức khuya kiểu này đổ bệnh ai mà lo. 

Mấy anh em tui nghe câu chuyện đều... dạt hết về phe ba. Má tỉnh bơ, phẩy tay: "Tao không thèm!". Nói vậy, chớ một hồi thấy má ra sau bếp cầm ly sữa đưa cho ba đang nằm võng đọc báo trước hiên nhà, dấm dẳng: "Ông uống đi, mấy bữa rày thức khuya hoài, banh bóng có gì hay mà ham dữ không biết!".

2. Có lần má tôi bị một trận bệnh khiến cả nhà hốt hoảng. Lần đó má nằm viện hơi lâu, cũng hơn chục ngày. Bác sĩ phát hiện một khối u gần sát dạ dày và lo ngại chưa rõ u ác hay lành. Một không khí căng thăng bao trùm.

Tôi nhớ khi tôi về nhà lấy đồ vô viện cho má. Ở nhà sau bếp hơi tối, bóng ba gầy gầy đang lui cui bắc nồi cơm. Nghe tiếng tôi, ba lật đật chạy ra, biết chuyện má ba ngồi im rồi bất chợt ba ho một tiếng, nước mắt ứa ra, ba biểu: "Tụi con ráng lo cho má, tiền bạc có nhiêu lo hết, không đủ thì bán đất lo cho má!". Đó là lần hiếm hoi tôi thấy ba khóc.

Sau ca phẫu thuật, may mắn khối u của má là u lành. Ngày má xuất viện về, ba ôm chầm lấy má, cười nói: "Khỏe rồi, được về nhà với tui rồi, mấy bữa nay không có bà nhà vắng quá!". Đó cũng là lần đầu tiên tôi thấy ba "công khai" thể hiện tình cảm với má một cách... mùi mẫn!

Mỗi chiều đi làm về nhìn ba má ngồi trước hàng ba ngó xe cộ chạy qua chạy lại ngoài đường, rủ rỉ nói chuyện hồi xưa, tự nhiên thấy bình an gì đâu. Bình an của ba má dường như là bình an của đời con...

3. Còn nhớ hồi lâu nghệ sĩ Bảo Quốc có khối u trong gan phải phẫu thuật. Sau này khi ông khỏe mạnh, chúng tôi có dịp trò chuyện với vợ chồng ông và cảm nhận rất rõ tình cảm ấm áp của những đôi vợ chồng già.

Ông cười chỉ vợ nói: ""Bác sĩ" này còn khó hơn bác sĩ trong bệnh viện. Từ ngày tui có bệnh là bả chăm kỹ lắm. Tìm hiểu mà thấy cái nào hại sức khỏe là bắt bỏ liền. Ăn uống cũng chính tay bả lo từng chút một".

Còn bà Thủy, vợ nghệ sĩ Bảo Quốc thì kể thời gian đó bà rất lo, nửa đêm giật mình là quàng tay qua ôm chặt chồng như sợ mất. Trải qua cơn nguy kịch, ông bà càng trân trọng thêm tình cảm vợ chồng, gia đình.

Trong một lần gặp gỡ gần đây, nghệ sĩ Phi Điểu đã kể về những giây phút cuối của nhạc sĩ Phan Nhân, chồng bà. Ông đã cười và nói thật nhẹ: "Cuối cùng chỉ còn có má Phi thôi!".

Câu chuyện nhỏ, lời nói giản dị thôi nhưng trải qua con tháng năm của cuộc đời, con người ta sẽ cảm thấy thấm thía. Đến cuối cuộc đời có một người nắm tay, vui với những câu chuyện nho nhỏ, lâu lâu giận hờn vu vơ... không chỉ là hạnh phúc, mà còn là phước phần!

Theo TTO

Chia sẻ bài viết