Tiếng Việt | English

24/08/2021 - 17:15

Khi vợ, chồng cùng tham gia chống dịch

Những ngày này, khi cả nước đang căng mình chống dịch, những người nơi tuyến đầu càng vất vả bội phần. Có những gia đình, cả chồng và vợ đều làm nhiệm vụ ở tuyến đầu. Họ đành thu xếp việc gia đình, gửi các con cho ông bà để có thể an tâm hoàn thành nhiệm vụ.

Bất kể nắng, mưa, mỗi ngày 6 tiếng, chị Lê Thị Thu Hương (Phó Chủ tịch UBND xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành) đều có mặt tại Chốt kiểm soát phòng, chống Covid-19 tại cầu Ông Khối, xã Dương Xuân Hội

1. Bất kể nắng, mưa, mỗi ngày 6 tiếng, chị Lê Thị Thu Hương (Phó Chủ tịch UBND xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) đều có mặt tại Chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 tại cầu Ông Khối, xã Dương Xuân Hội. Chốt nằm trên tuyến đường quan trọng, nối xã với thị trấn Tầm Vu, có lượt xe qua lại mỗi ngày (khi chưa có dịch) khá đông. Là thành viên Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 của xã, sau khi trực chốt, chị Hương trở về cơ quan giải quyết công việc tồn đọng nên ít khi về nhà sớm. Đứa con gái 9 tuổi ở nhà hay hờn dỗi vì cha mẹ ít dành thời gian cho bé nhưng biết làm sao, khi cả anh và chị đều đang ở tuyến đầu chống dịch.

Chồng chị Hương, Thiếu tá Lê Thanh Tùng - Trưởng Công an xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành, trực sẵn sàng chiến đấu từ khi Chỉ thị 16/CT-TTg được áp dụng. Chị nhớ, hôm đó là ngày nghỉ của anh sau đợt trực, được nửa ngày ở nhà, anh lại nhận lệnh tập trung lực lượng, rồi vội thu xếp trở lại đơn vị. Cũng từ hôm đó, chị cùng Ban Chỉ đạo và cán bộ xã căng mình chống dịch, điều tra, truy vết, lập chốt kiểm soát, tổ chức vận động, hỗ trợ các hộ có hoàn cảnh khó khăn,... Từng ấy công việc đủ để cán bộ xã, ấp thức thâu đêm từ ngày này sang ngày khác. Thương con thiếu sự chăm sóc của cha mẹ nhưng lại cảm thấy mình may mắn khi có ông bà giúp vợ chồng chị chăm sóc con gái nhỏ. Hôm nào được về đúng giờ hành chính, chị tranh thủ vào bếp nấu ăn cho con. Hai mẹ con vừa ăn cơm, vừa nhắc tới ba. Chị nói: “Lực lượng vũ trang trực chiến 100%. Thuận Mỹ lại là xã dịch bệnh diễn biến phức tạp nên anh cực lắm. Con cứ hỏi chừng nào ba về, tôi chỉ biết nói là hết dịch”.

Cuộc trò chuyện bị ngắt quãng khi có người dân muốn đi qua chốt mua đồ ăn vặt cho con. Chị Hương giải thích về việc thực hiện Chỉ thị 16 và yêu cầu quay xe lại. Xong việc, chị thở dài: “Chỉ những trường hợp thật sự cần thiết mới được qua, nếu ai cũng được cho qua thì biết bao giờ mới kiểm soát được dịch bệnh”.

2. Được ra ca trực nên chị Phạm Thị Thu Xuân (bác sĩ Khoa Nội, Trung tâm Y tế huyện Bến Lức) tranh thủ về nhà sau khi nhận kết quả test Covid-19 âm tính. Từ ngày dịch bùng phát, số lần chị về nhà chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chồng chị, Đại úy Phạm Vũ Phương Khanh - Trưởng Công an xã Bình Đức, huyện Bến Lức, ở hẳn tại đơn vị. Là bác sĩ, chị thường xuyên có mặt trong đội lấy mẫu, tiêm ngừa. Dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, công việc của chị lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Khi có F0 đến khám và điều trị tại Trung tâm Y tế huyện, các y, bác sĩ luôn trong tâm thế sẵn sàng vừa điều trị, vừa phòng dịch. Chị Xuân đã cách ly y tế 2 lần vì có F0 vào Trung tâm Y tế huyện. Những lần như vậy, chị lo cho mình ít, lo cho gia đình nhiều bởi ở nhà chỉ còn cha mẹ đã lớn tuổi và 2 con đang tuổi ăn, tuổi lớn. Anh lại đang vắng nhà. Có kết quả xét nghiệm âm tính, được về thăm nhà, chị mừng rơi nước mắt! Anh Khanh nói đơn vị và nhà không quá xa nhưng anh không dám ghé vì sợ tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Mỗi khi được ghé qua nhà lấy vật dụng cần thiết, thấy các con mừng cha, anh muốn lại ôm con nhưng không dám, chỉ lặng lẽ thu xếp hành lý rồi đi vội vã. Nghe chị bị cách ly y tế, lòng anh như lửa đốt nhưng chỉ có thể điện thoại động viên. Anh nói: “Bà xã tôi làm ngành Y tế nên ngay từ đầu đã chuẩn bị tinh thần đối diện với nguy cơ. Tôi thì tập trung động viên cha mẹ ở nhà yên tâm. Lúc ở xa chỉ có thể làm được vậy”.

Hơn 1 tháng, gia đình anh Tùng, chị Hương; anh Khanh, chị Xuân chưa có được bữa cơm với đầy đủ các thành viên. Họ chỉ gặp nhau trên màn hình điện thoại. Các con gửi lại ông bà, cả 2 vợ chồng đồng lòng đi chống dịch với suy nghĩ “nếu mình không làm thì ai làm và bao giờ hết dịch?”. Ước mơ lớn nhất của những gia đình ấy bây giờ chỉ là một buổi sum vầy./.

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết