Tiếng Việt | English

31/05/2016 - 09:21

Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển bền vững nông nghiệp

Sáng ngày 30-5-2016, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức hội thảo với chủ đề “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững nông nghiệp tỉnh Long An trong điều kiện hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu toàn cầu”. Tham gia hội thảo có các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh.

Giám đốc Sở KH&CN - Mai Văn Nhiều cho biết, dưới tác động của biến đổi khí hậu và các hoạt động khác ở các quốc gia thượng nguồn sông Mekong đã và đang gây ảnh hưởng bất lợi trong sản xuất nông nghiệp cho cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Long An nói riêng.


Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững nông nghiệp tỉnh Long An trong điều kiện hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu toàn cầu

Tình trạng thiếu hụt nguồn nước từ sông Mekong, lượng mưa không ổn định, nhiệt độ gia tăng, đồng thời, lượng bốc hơi nước khá cao làm cho việc thiếu hụt nguồn nước ngọt dùng cho sản xuất ngày càng nghiêm trọng. Thiếu hụt nguồn nước trầm trọng trong điều kiện mùa khô kéo dài dẫn đến xâm nhập mặn vào sâu trong nội đồng ở phạm vi rộng đã ảnh hưởng đến sản xuất và cả dân sinh.

Vì vậy, hội thảo nhằm đưa ra những vấn đề về quá trình phát triển nông nghiệp và những giải pháp tổng hợp cần thiết, bao gồm cả ứng dụng KH&CN mới, tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp thích ứng với những tác động của biến đổi khí hậu. Một số vấn đề về sản xuất hàng hóa, xây dựng thương hiệu địa phương và giải pháp thị trường ổn định cho một số nông sản chủ yếu của tỉnh trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế cũng được các nhà khoa học, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thảo luận.

Tỷ lệ vùng sản xuất tập trung và ứng dụng khoa học, chuỗi liên kết chưa cao, chưa bảo đảm tính bền vững,... Nhằm định hướng cho sản xuất nông nghiệp ngày càng bền vững, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần X (nhiệm kỳ 2015-2020) xác định phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp là 1 trong 2 chương trình đột phá với mục tiêu xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, có sức cạnh tranh cao,...

Tỉnh chọn 8 cây trồng, vật nuôi thực hiện tái cơ cấu, trong đó, từ nay đến năm 2020, có 3 cây trồng, 1 vật nuôi được ưu tiên thực hiện ứng dụng công nghệ caao vào các khâu chính là 20.000ha lúa; 2.000ha thanh long tại huyện Châu Thành; 2.000ha rau tại 4 địa phương gồm: Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa, Tân An; vùng chăn nuôi bò thịt tại huyện Đức Hòa, Đức Huệ. Tỉnh có nhiều giải pháp để triển khai những định hướng trên nhằm thực hiện có hiệu quả. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh cho biết.

Ngoài ra, các nhà khoa học, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã đưa ra nhiều ý kiến, giải pháp xoay quanh những nội dung: Ứng dụng KH&CN ưu tiên trong phát triển nông nghiệp bền vững; phát triển nông nghiệp bền vững tại Long An trong bối cảnh biến đổi khí hậu và các tác động lên châu thổ; một số vấn đề về thay đổi cơ cấu phát triển nông nghiệp bền vững tỉnh Long An thích ứng với biến đổi khí hậu; kỹ thuật giống công nghệ mới để tạo ra vật nuôi mới nhằm xây dựng thương hiệu mạnh trong điều kiện hội nhập quốc tế; ứng dụng chuỗi giá trị sản xuất nông sản ở tỉnh Long An và xây dựng thương hiệu mạnh cho Long An trong điều kiện hội nhập quốc tế./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết