Tiếng Việt | English

14/03/2021 - 09:50

Khởi nghiệp với trồng nấm rơm sạch

Sau khi tốt nghiệp Đại học Cần Thơ, ngành kinh tế, anh Lê Văn Thuận xin vào làm trong công ty nấm rơm, tỉnh Đồng Tháp. Sau 2 năm trải nghiệm tại công ty, anh học được cách làm nấm và chế biến meo nấm rơm. Sau đó quay về quê nhà ở huyện Tân Hưng, tỉnh Long An, anh khảo sát thực tế và bắt tay vào trồng nấm rơm.

Khởi nghiệp

Anh Lê Văn Thuận nghiên cứu công nghệ chế biến meo nấm mối và nấm rơm trong phòng lạnh

 

Trồng nấm rơm, anh Thuận quan tâm đến vấn đề chất lượng, an toàn thực phẩm. Sau thời gian “cọ xát” với nấm rơm Đồng Tháp, anh nghiệm ra rằng, nấm có chất lượng hay không là do meo nấm quyết định. Từ đó, anh nghiên cứu, chế biến thử nghiệm meo và đưa ra sản xuất nấm rơm thành công. Anh đến Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hưng để nhờ góp ý và nhận được sự động viên, khuyến khích anh mở hợp tác xã (HTX) nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC).

Giữa năm 2018, anh vận động được 8 người góp vốn để chính thức thành lập HTX NNCNC và lấy thương hiệu “Phù Sa”. Với nhiệt huyết tuổi trẻ cùng sự ham thích tìm tòi, sáng tạo trong khoa học và công nghệ, lại được Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hưng - Phạm Thanh Hùng thường xuyên gặp gỡ, hướng dẫn, anh Thuận có thêm động lực, tiếp tục nghiên cứu chế biến meo và sản xuất nấm mối.

Cuối năm 2020, chúng tôi được ông Phạm Thanh Hùng đưa đến tham quan 1 trong 5 cơ sở của HTX Phù Sa. Ông Hùng cho biết: HTX Phù Sa đang mở rộng dần các cơ sở vệ tinh nên còn nhiều hứa hẹn thành công. Ngoài việc tiếp tục nỗ lực nâng chất lượng nấm rơm và nấm mối, anh Thuận còn xây dựng nhiều chuỗi liên kết trong sản xuất và kinh doanh 2 loại nấm này, hướng tới mở rộng thị trường nội địa và xuất khẩu”.

Vừa tiếp tục vận động xây dựng để hình thành thêm các chuỗi liên kết, vừa xúc tiến đầu tư mở rộng mặt bằng để tăng cường thiết bị công nghệ mới cho sản xuất nguyên liệu dạng compost nhằm cung ứng cho người trồng nấm trong nhà kín, anh Thuận tỏ ra tự tin vì đã làm chủ được công nghệ làm meo giống và quy trình làm nấm rơm, nấm mối trong nhà kín. Mặc dù cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện có còn hạn chế nhưng số người tham gia chuỗi liên kết của HTX đã có lợi nhuận khá và có nhiều triển vọng trong tương lai.  Anh Lê Văn Thuận khẳng định: Nấm rơm và nấm mối của HTX Phù Sa sẽ không sợ bị “dội chợ” nếu luôn bảo đảm chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đó cũng là niềm tin hướng đến sự thành công bền vững của anh Thuận trên hành trình khởi nghiệp./.

Quang Hảo

Chia sẻ bài viết