Tiếng Việt | English

14/05/2019 - 10:32

Không chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch tả heo châu Phi

Trước tình hình dịch tả heo châu Phi (DTHCP) xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, gần đây xuất hiện tại một số tỉnh phía Nam, Long An chủ động giám sát, nắm bắt kịp thời thông tin dịch bệnh, không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch.

Long An chủ động trong công tác phòng, chống dịch tả heo châu Phi

Không chủ quan, lơ là

Theo đánh giá của Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh, hiện nay, bệnh DTHCP lây lan nhanh ở phạm vi rộng là do đường lây truyền của vi-rút DTHCP rất phức tạp, nhất là trong điều kiện mật độ chăn nuôi cao, chủ yếu nhỏ, lẻ, vệ sinh thú y và an toàn sinh học không tốt; việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ heo bệnh, heo nghi mắc bệnh vẫn còn xảy ra; việc sử dụng thực phẩm dư thừa trong chăn nuôi còn phổ biến; nhu cầu tiêu thụ thịt heo thời gian qua tăng cao để phục vụ các hoạt động trong dịp tết và các lễ hội đầu năm; việc tổ chức tiêu hủy heo bệnh và chống dịch tại một số nơi còn nhiều tồn tại, bất cập. Đến ngày 12/5/2019, bệnh DTHCP đang xảy ra tại 2.296 xã, 204 huyện của 29 tỉnh, thành phố trên cả nước với tổng số heo bệnh và tiêu hủy trên 1,2 triệu con (chiếm trên 4% tổng đàn heo của cả nước). Long An chưa xuất hiện dịch bệnh nhưng trước tình hình dịch bệnh xâm nhập ở một số tỉnh phía Nam, tỉnh đang tích cực chủ động phòng, chống dịch. UBND tỉnh ban hành Chỉ thị 06/CT-UBND về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách phòng, chống bệnh DTHCP; phê duyệt Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh DTHCP; thành lập ban chỉ đạo, đội phản ứng nhanh, đội kiểm tra lưu động cấp tỉnh, cấp huyện và lập 8 chốt kiểm dịch tạm thời trên địa bàn tỉnh.

Tại Chốt kiểm dịch phường Tân Khánh, TP.Tân An, anh Trần Văn Toàn (cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP.Tân An) cho biết: “Mỗi ngày có 7-8 xe vận chuyển heo qua chốt với số lượng từ 20-70 con, đa phần số lượng heo này có giấy tờ xác nhận ở các tỉnh miền Tây như Trà Vinh, Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang,... Nhìn chung, số lượng heo qua chốt đều có giấy tờ chứng nhận nguồn gốc, kiểm dịch đầy đủ. Các tài xế vận chuyển heo cũng chấp hành tốt việc dừng tại chốt để phun xịt tiêu độc, khử trùng. Ngoài ra, trước tình hình diễn biến phức tạp của bệnh DTHCP, Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh DTHCP TP.Tân An yêu cầu lực lượng liên ngành tại các chốt kiểm dịch trên địa bàn thành phố tăng cường kiểm soát nguồn gốc, chất lượng heo và các sản phẩm từ heo ra, vào địa bàn thành phố”.

Trưởng chốt kiểm dịch động vật thuộc xã An Thạnh, huyện Bến Lức - Huỳnh Thanh Sang thông tin, sau 2 tháng thành lập, số lượng heo được kiểm dịch khi qua chốt khoảng 55.000 con. Hàng ngày, đều có lực lượng liên ngành túc trực tại chốt 24/24, các xe chở heo từ các tỉnh miền Trung và các tỉnh như Bình Phước, Đồng Nai,... vào địa bàn tỉnh đều được nhân viên thú y kiểm tra chặt chẽ và phun thuốc sát trùng, khử độc chống bệnh DTHCP đầy đủ. “Lực lượng tại chốt kiểm dịch không lơ là nhiệm vụ, nhất là trong thời điểm bệnh DTHCP đang áp sát các tỉnh phía Nam như hiện nay. Đồng thời, Ban Chỉ đạo Phòng, chống bệnh DTHCP huyện Bến Lức cũng yêu cầu lực lượng thú y tại chốt kiểm dịch sau khi kiểm tra giấy tờ nguồn gốc, kiểm dịch sẽ tiến hành kiểm tra lâm sàng đàn heo, nếu phát hiện dấu hiệu của bệnh DTHCP nhanh chóng báo cáo cho Đội Nghiệp vụ thú y số 2, Chi cục Thú y, Chăn nuôi và Thủy sản tỉnh để lấy mẫu xét nghiệm và xử lý” - ông Sang cho biết thêm.

Bên cạnh đó, tại các cơ sở giết mổ cũng được ngành thú y tập trung tăng cường kiểm tra, giám sát. Hiện trên địa bàn tỉnh có 27 cơ sở giết mổ heo, trong đó có 8 cơ sở tại các huyện Bến Lức, Đức Hòa, Tân Trụ xuất heo về TP.HCM, công suất 300-1.000 con/đêm và 19 cơ sở tiêu thụ trong tỉnh, công suất 10-100 con/đêm. Năm 2018, tổng số lượng heo nhập vào cơ sở giết mổ trên địa bàn tỉnh hơn 2 triệu con, trung bình 1 tháng hơn 170.000 con nhưng những tháng đầu năm 2019, lượng heo nhập vào các cơ sở giảm khoảng 30% so cùng kỳ. Anh Nguyễn Minh Mẫn (chủ Điểm tập trung thu gom heo Minh Mẫn tại TP.Tân An) cho biết: “Trước đây, tôi thường thu gom heo với số lượng lớn ở khắp các tỉnh miền Trung từ Nghệ An, Thanh Hóa trở vào đến các tỉnh miền Đông Nam bộ như Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai nhưng những tháng gần đây, DTHCP bùng phát và lan rộng ở phía Bắc và một số tỉnh miền Trung khiến tôi rất lo lắng. 

Do đó, đối với các tỉnh miền Trung, tôi chỉ nhập heo có giấy tờ nguồn gốc, kiểm dịch đầy đủ, đồng thời chuyển hướng sang thu mua heo ở một số tỉnh miền Tây như Bến Tre, Trà Vinh. Số lượng heo thu mua cũng giảm xuống”.

Theo Chủ tịch UBND TP.Tân An - Lê Công Đỉnh, trước tình hình DTHCP diễn biến phức tạp, thành phố tập trung triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nhằm không để xảy ra DTHCP trên địa bàn. Đồng thời, xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch ứng phó khẩn cấp với bệnh DTHCP, kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc triển khai các biện pháp phòng, chống DTHCP; phối hợp giữa các ban, ngành, chính quyền cấp xã, phường với các đoàn thể, huy động nguồn lực tham gia và hỗ trợ thực hiện kế hoạch phòng, chống bệnh DTHCP; chỉ đạo tốt việc thông tin, tuyên truyền để chính quyền các cấp, các tổ chức, đơn vị và người dân nhận thức rõ và chủ động tự giác thực hiện các quy định về phòng, chống DTHCP. 

Long An chủ động trong công tác phòng, chống dịch

Chủ động phòng, chống

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh cho biết: “Do DTHCP là bệnh rất nguy hiểm, hiện chưa có thuốc điều trị, chưa có vắc-xin phòng bệnh; vi-rút có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường và có sức đề kháng rất cao, đường lây truyền rất đa dạng, khó kiểm soát; dịch bệnh còn diễn biến phức tạp tại nhiều nước, đặc biệt tại các nước có chung đường biên giới với nước ta, trong khi các hoạt động thương mại, du lịch đa dạng, khó kiểm soát, nên việc ngăn chặn dịch bệnh từ các nước vào Việt Nam còn nhiều khó khăn, thách thức. 

Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, nguy cơ DTHCP lây lan rất cao. Vì vậy, tỉnh rất quyết liệt trong công tác phòng, chống, củng cố và tăng cường năng lực của hệ thống thú y các cấp để tổ chức triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh động vật; hướng dẫn, hỗ trợ người chăn nuôi, doanh nghiệp đẩy mạnh xây dựng các vùng chăn nuôi, chuỗi sản xuất thịt heo an toàn dịch bệnh, áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, an toàn sinh học; thành lập các đoàn công tác do các thành viên của Ban Chỉ đạo Phòng, chống bệnh DTHCP tỉnh làm trưởng đoàn, để chỉ đạo tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, ngành tiếp tục xây dựng chuỗi chăn nuôi - giết mổ - kinh doanh thịt heo an toàn; mô hình chăn nuôi heo theo quy trình VietGAP; thực hiện Dự án LIFSAP (đã hỗ trợ xây dựng 4 vùng chăn nuôi heo VietGAP với 604 hộ tại các huyện: Cần Đước, Cần Giuộc, Châu Thành và Tân Trụ), hỗ trợ nâng cấp 11 cơ sở giết mổ heo và 29 chợ kinh doanh thịt; xây dựng điểm bán thịt heo an toàn, hỗ trợ các địa phương xây dựng 14 điểm bán nông sản an toàn (có bán thịt heo) và kế hoạch năm 2019 thêm 15 điểm bán nông sản an toàn; người tiêu dùng nên chọn thịt heo có nguồn gốc rõ ràng, có dấu kiểm soát giết mổ của cơ quan thú y.

Bên cạnh đó, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản cần tiếp tục phối hợp các địa phương giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh; tăng cường kiểm tra, giám sát tại các cơ sở giết mổ, cơ sở thu gom; theo dõi chặt chẽ nguồn gốc heo nhập tỉnh (cập nhật hàng ngày); lập đoàn kiểm tra chuyên ngành; hướng dẫn các cơ sở giết mổ, cơ sở thu gom tiêu độc, khử trùng hàng ngày và tất cả phương tiện vận chuyển./.

Huỳnh Phong - Bùi Tùng

 

Chia sẻ bài viết