Vừa qua, Pháp Luật TP.HCM có bài viết “Cách nào ngăn chặn doanh nghiệp nợ, trốn đóng BHXH?” thông tin về việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã báo cáo trình Quốc hội để có phương án giải quyết cụ thể về tình trạng 200.000 người lao động (NLĐ) đang là nạn nhân của tình trạng chậm, trốn đóng BHXH, không được hưởng các chế độ.
Trước tình hình này, cơ quan BHXH TP.HCM đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm hạn chế doanh nghiệp (DN) nợ đóng, trốn đóng BHXH cho NLĐ. Sau khi bài viết được đăng tải, một số bạn đọc đã có những thắc mắc xoay quanh những quyền lợi của NLĐ sẽ bị ảnh hưởng như thế nào khi DN nợ, trốn đóng BHXH.
Đại diện cơ quan BHXH TP.HCM đã có những giải đáp xoay quanh vấn đề trên.
979 đơn vị trên địa bàn TP.HCM nợ BHXH
. Phóng viên: Hiện nay, tại TP.HCM có bao nhiêu DN nợ đóng BHXH cho NLĐ?
+ Đại diện BHXH TP.HCM: Tính đến giữa tháng 1-2023 có 979 DN, đơn vị trên địa bàn TP.HCM nợ BHXH với số tiền từ 300 triệu đồng trở lên và thời gian sáu tháng trở lên.
Hiện cơ quan BHXH TP.HCM đã chuyển hồ sơ kiến nghị khởi tố 84 đơn vị, DN nợ Quỹ BHXH 158 tỉ đồng. Qua đó, đã có 48/84 đơn vị, DN khắc phục với tổng số tiền là 47,5 tỉ đồng.
Người dân đến cơ quan BHXH TP.HCM để thực hiện các thủ tục liên quan đến BHXH
. NLĐ khi phát hiện DN chậm, trốn đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) cho mình thì phải làm thế nào để bảo vệ quyền lợi?
+ Trường hợp công ty không đóng BHXH, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, NLĐ cần thực hiện các cách giải quyết sau đây: Thứ nhất, NLĐ khiếu nại đến ban giám đốc công ty, tổ chức công đoàn công ty. Khi đó, NLĐ yêu cầu người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu cho mình để xem xét lại hành vi không nộp tiền BHXH.
Thứ hai, NLĐ khiếu nại đến chánh Thanh tra Sở LĐ-TB&XH, nơi DN đặt trụ sở chính để được cơ quan này bảo vệ quyền lợi cho mình.
Ảnh hưởng quyền lợi của NLĐ
. Nếu DN nợ, trốn đóng BHXH, BHYT thì NLĐ có thể tự đóng BHXH, BHYT tự nguyện được không?
+ Theo quy định tại khoản a điểm 1 Điều 2 Luật BHXH, đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ ba tháng đến dưới 12 tháng. Ngoài ra, quy định này cũng áp dụng cho cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
Căn cứ khoản 1 Điều 168 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về việc tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp thì người sử dụng lao động, NLĐ phải tham gia BHXH bắt buộc, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp; NLĐ được hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật về các loại bảo hiểm trên.
Căn cứ khoản 1, 2 Điều 21 Luật BHXH quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động là lập hồ sơ để NLĐ được cấp sổ BHXH, đóng, hưởng BHXH. Việc đóng BHXH theo quy định tại Điều 86 của luật này và hằng tháng trích từ tiền lương của NLĐ theo quy định tại khoản 1 Điều 85 của luật này để đóng cùng lúc vào Quỹ BHXH.
Như vậy, trường hợp NLĐ có giao kết hợp đồng lao động thì thuộc đối tượng tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc. Nếu NLĐ không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì mới có thể đăng ký tham gia BHXH tự nguyện.
Ngoài ra, đối với DN chậm, trốn đóng, theo điểm 1.2 khoản 72 Điều 1 Quyết định 505/2020 của tổng giám đốc BHXH Việt Nam, đối với đơn vị nợ tiền đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp nếu NLĐ đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc thì đơn vị có trách nhiệm đóng đủ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định…
Nợ đóng BHYT cho người lao động, công ty chịu trách nhiệm gì?
. Trong thời gian công ty đang nợ đóng BHYT cho NLĐ, cũng trong khoảng thời gian này NLĐ bị ốm đau, phải tự đi khám chữa bệnh mà không có thẻ BHYT. Nếu không đóng BHYT cho NLĐ thì công ty có trả tiền khám chữa bệnh cho NLĐ hay không?
+ Luật sư Trịnh Ngọc Hoàn Vũ, Đoàn Luật sư TP.HCM,trả lời: Tại khoản 3 Điều 49 Luật BHYT sửa đổi, bổ sung quy định người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng BHYT mà không đóng hoặc đóng không đầy đủ theo quy định pháp luật thì sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.
Cụ thể, người sử dụng lao động phải đóng đủ số tiền chưa đóng và nộp số tiền lãi bằng hai lần mức lãi suất liên ngân hàng tính trên số tiền, thời gian chậm đóng. Nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, các ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích tiền từ tài khoản tiền gửi của cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng BHYT để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của Quỹ BHYT.
Người sử dụng lao động cũng phải hoàn trả toàn bộ chi phí cho NLĐ trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT mà NLĐ đã chi trả trong thời gian chưa có thẻ BHYT.
|
NGUYỄN HIỀN/PLO.VN