Theo BHXH Việt Nam, hết năm 2022, trên toàn quốc, diện bao phủ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tiếp tục được mở rộng và vượt chỉ tiêu đề ra với khoảng 91,1 triệu người tham gia BHYT, đạt tỉ lệ bao phủ 92,04% dân số, tăng hơn 2,2 triệu người so với năm 2021; khoảng 17,5 triệu người tham gia BHXH, đạt 38,08% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 14,3 triệu người tham gia BHTN, đạt 31,18% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Nợ BHXH, BHYT giảm
Ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết chưa bao giờ ngành BHXH Việt Nam có sự vào cuộc quyết liệt và phối hợp chặt chẽ với các ngành, các địa phương như vừa qua trong công tác thu nợ. Do đó, tính đến hết năm 2022, số nợ BHXH, BHYT giảm còn 2,91% so với số phải thu (năm 2016 là 6%). Trong đó, phải kể đến sự phối hợp rất chặt chẽ với ngành lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB-XH) trong công tác thanh tra, kiểm tra, đôn đốc thu nợ.
Cũng trong năm 2022, ngành BHXH Việt Nam đã thực hiện 36.000 cuộc thanh - kiểm tra, thu hồi được trên 3.000 tỉ đồng, đạt 93% so với số nợ khi có quyết định thanh tra. "Bài học kinh nghiệm là sự chủ động phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương và các bộ, ngành trong việc cùng tham gia tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH, BHYT và sự phối hợp chặt chẽ trong thu hồi nợ. Từ đó, các cấp chính quyền vào cuộc triển khai chính sách này" - ông Nguyễn Thế Mạnh khẳng định. Bên cạnh đó, ngành BHXH Việt Nam cũng phối hợp hiệu quả trong triển khai các gói hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ cho doanh nghiệp (DN) và người lao động (NLĐ), trong đó ngành BHXH chủ trì thực hiện chi hỗ trợ trên 47.200 tỉ đồng, đạt 45% trên tổng trị giá các gói hỗ trợ.
Công nhân một doanh nghiệp tại quận Tân Bình, TP HCM viết đơn khởi kiện doanh nghiệp đòi nợ BHXH Ảnh: MAI CHI
Cùng với đó, BHXH Việt Nam còn phối hợp với ngành LĐ-TB-XH trong công tác chuyển đổi số và liên thông dữ liệu trong giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp theo Đề án 06 của Chính phủ; chi trả trợ cấp thất nghiệp cho 4,8 triệu người với số tiền 23.400 tỉ đồng.
Năm 2023, BHXH đặt mục tiêu đạt khoảng 40,2% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, khoảng 31,7% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN và khoảng 93,2% dân số tham gia BHYT; đạt và vượt số thu được giao; đồng thời giảm tỉ lệ nợ đọng, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN dưới mức 2,91%... Đây là những mục tiêu rất cao của BHXH Việt Nam, đặt trong bối cảnh dự báo năm 2023, tình hình thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức; dịch bệnh, biến đổi khí hậu tiếp tục diễn biến bất thường, tác động tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội và ảnh hưởng việc thực hiện các chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN bảo đảm an sinh xã hội của ngành.
Thống nhất quy trình, thủ tục khởi tố hình sự
Theo thống kê của Tổng LĐLĐ Việt Nam, hiện có 200.000 NLĐ đang là nạn nhân của tình trạng chậm, trốn đóng BHXH trong những DN phá sản, có chủ bỏ trốn khiến họ không được hưởng nhiều chế độ, kể cả lương hưu. Từ thực trạng này, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị Chính phủ giao Bộ LĐ-TB-XH chủ trì, phối hợp với BHXH Việt Nam, Tổng LĐLĐ Việt Nam tổng hợp báo cáo tình hình DN nợ, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN của NLĐ, có giải pháp xử lý cụ thể để báo cáo Bộ Chính trị và trình Quốc hội phương án giải quyết nhằm bảo đảm quyền lợi của NLĐ.
Trong khi đó, lãnh đạo Bộ LĐ-TB-XH nhìn nhận việc xử lý nợ BHXH, BHTN đối với các DN giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn là vấn đề rất phức tạp, tuy đã được nghiên cứu, báo cáo các cấp nhiều lần nhưng vẫn có nhiều ý kiến khác nhau giữa các cơ quan quản lý. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do chưa có cơ sở pháp lý về nguồn lực cho việc xử lý, chưa có số liệu chi tiết bảo đảm cho việc thực hiện xử lý khi có nguồn lực. Các cơ quan chức năng không thể thu hồi nợ là do các DN không còn ở địa điểm đăng ký; không có khả năng tài chính để trả nợ; việc xử lý đối với DN phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn, ngừng hoạt động... vẫn chưa có hướng dẫn của cơ quan thẩm quyền. Tại TP HCM, thời gian qua, cơ quan BHXH thành phố đã chuyển hàng chục hồ sơ đơn vị, DN nợ BHXH sang cơ quan công an đề nghị điều tra, khởi tố theo quy định của Bộ Luật Hình sự với tổng số tiền 158 tỉ đồng nhưng đến nay vẫn chưa có DN nào bị xử lý. Theo BHXH TP HCM, việc cưỡng chế thi hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các DN vi phạm để bảo đảm thu hồi tiền phạt, tiền nợ còn gặp nhiều khó khăn vì chưa có biện pháp chế tài hiệu quả dẫn đến tình trạng DN "lờn thuốc".
Tại buổi làm việc của đoàn giám sát thuộc Ủy ban Xã hội của Quốc hội về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật BHXH mới đây, đại diện UBND TP HCM kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan chức năng liên quan hướng dẫn chung và thống nhất về quy trình, thủ tục việc khởi tố hình sự đối với đơn vị nợ theo điều 216 Bộ Luật Hình sự. Điều luật này quy định tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ.
Sớm sửa luật
Tại hội nghị đánh giá việc thực hiện quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức mới đây, để xử lý dứt điểm tình trạng DN nợ, trốn đóng BHXH, BHTN, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Bộ LĐ-TB-XH khẩn trương kiểm tra, rà soát, báo cáo thông tin, số liệu liên quan tình hình nợ đóng các loại bảo hiểm của NLĐ; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo Luật BHXH sửa đổi, trong đó nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện các chế tài xử lý vi phạm pháp luật, đặc biệt là hành vi trốn đóng, chậm đóng, trục lợi BHXH nhằm bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của NLĐ. Thủ tướng cũng đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam chủ động đánh giá những vướng mắc trong thực hiện quy định về khởi kiện của tổ chức Công đoàn để đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan nhằm bảo đảm tính hiệu quả, khả thi trong thực hiện quy định này, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho NLĐ.
|
NHÓM PHÓNG VIÊN/NLĐ