Theo BHXH Hà Nội, đến nay, số doanh nghiệp giảm trên 50% lao động là: 4.727 đơn vị với 35.658 lao động; 22 đơn vị đã được cơ quan Lao động Thương binh Xã hội, Tài chính xác nhận điều kiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất nhưng chưa gửi hồ sơ đến cơ quan BHXH. Số đơn vị đã thực hiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất từ tháng 04/2020 là 02 đơn vị với 21 lao động.
Riêng TP. HCM, tính đến nay đã hỗ trợ khoảng 78.500 công nhân, người lao động và giáo viên mầm non bị thất nghiệp do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, với tổng kinh phí hỗ trợ ban đầu khoảng 236 tỷ đồng. Mức hỗ trợ cho công nhân, người lao động, giáo viên mầm non là 1 triệu đồng/người/tháng, thời gian hỗ trợ là 3 tháng (từ tháng 4 đến tháng 6).
Với tình hình như vậy, doanh nghiệp nào vẫn bảo đảm thu nhập, đời sống cho người lao động trong thời gian thực hiện cách ly, giãn cách toàn xã hội thực sự là một cố gắng đáng ghi nhận.
Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam (khu công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân TPHCM) vừa ra thông báo về việc đảm bảo mọi quyền lợi cho người lao động trong thời gian tạm ngưng việc để phòng chống Covid-19. Cụ thể, trong thời gian nghỉ phòng chống dịch bệnh, tiền lương của công nhân được tính theo mức lương tối thiểu vùng là 4,42 triệu đồng/tháng.
Trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tại Tập đoàn Đèo Cả, một số vị cố vấn cấp cao đã viết thư đề nghị giảm thù lao của mình để chia sẻ khó khăn của hệ thống. Tuy nhiên, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả đã không thống nhất và khẳng định: “Thời điểm này, dù chịu ảnh tiêu cực do dịch Covid-19 nhưng Tập đoàn Đèo không để nợ lương hay cắt giảm lương đối với bất kỳ một cán bộ công nhân viên nào trong toàn hệ thống”.
Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả Hồ Minh Hoàng kiểm tra tiến độ công trình trong đêm.
Ông Hồ Minh Hoàng thông tin, thời gian qua, Tập đoàn thực hiện phân chia cán bộ công nhân viên làm việc tại nhà, “đó là việc thực hiện “giãn cách xã hội” theo chỉ đạo của Chính phủ. Họ không bị giảm lương, chậm lương”.
Ông Hồ Minh Hoàng cho biết, trong bối cảnh hiện tại, không ít người đặt câu hỏi với chính ông, liệu Tập đoàn Đèo Cả sẽ làm gì để vượt qua giai đoạn khó khăn này khi không ít doanh nghiệp, thậm chí doanh nghiệp có tên tuổi đã lên kế hoạch “nghỉ dịch”, cắt giảm nhân sự, giảm lương nhân viên.
Về vấn đề này, người đứng đầu Tập đoàn Đèo Cả cho rằng trong nhận thức và phương châm hành động của Tập đoàn nếu xã hội có đứng im thì Đèo Cả vẫn chuyển động. Đèo Cả đã hưởng ứng, tuân thủ chỉ đạo của Chính phủ trong phòng chống dịch, giãn cách xã hội… để chiến thắng Covid-19”.
Với Tập đoàn Đèo Cả thì đây cũng là dịp cách ly giao dịch bên ngoài, chọn khoảng cách phù hợp thực hiện “Tái cấu trúc, tối ưu hệ thống quản trị” nhằm điều chỉnh thay đổi tư duy lãnh đạo, rà soát, đánh giá lại năng lực nhân sự chủ chốt sự để xác lập việc đồng hành và chiến lược phát triển Tập đoàn trong dài hạn.
Thời điểm này, Ban điều hành đã điều chỉnh, sắp xếp cách làm việc khoa học để vừa an toàn phòng chống dịch nhưng các nhiệm vụ trọng tâm, quyết tâm tại các Dự án trọng điểm như Hải Vân, Trung Lương - Mỹ Thuận… với các mốc thời gian hoàn thành đã được cam kết.
“Ngay lúc này đây, Đèo Cả đang nỗ lực đưa ra những giải pháp công việc phù hợp để đảm bảo thu nhập cho người lao động, không ai bị bỏ lại phía sau. Chúng tôi cũng đã minh chứng nghị lực đó trong gần 35 năm hình thành và phát triển, Tập đoàn không để nợ lương hay cắt giảm lương, các tích lũy tài chính phải luôn được dự phòng để quản trị rủi ro doanh nghiệp trong chi phí thường xuyên, mà ưu tiên hàng đầu là lương cho người lao động”, ông Hồ Minh Hoàng nhấn mạnh.
Kết quả từ cuộc khảo sát của ĐH KTQD mới đây cho thấy, để đối phó với những khó khăn do tác động của đại dịch, các doanh nghiệp đã có các giải pháp cụ thể. 65,5% doanh nghiệp thực hiện cắt giảm chi phí hoạt động thường xuyên, 35,3% doanh nghiệp cắt giảm lao động, 34,0% phải cắt giảm lương nhân công lao động và 34,5% doanh nghiệp đã phải cho lao động nghỉ việc không lương; 44,7% doanh nghiệp cắt giảm qui mô sản xuất kinh doanh; 34,7% các doanh nghiệp lựa chọn tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh để chờ qua thời kỳ khó khăn và 15,1% doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi hình thức sản xuất kinh doanh cho phù hợp với bối cảnh mới./.
Theo VOV.VN