Tiếng Việt | English

25/04/2025 - 13:30

Khúc vọng hòa bình

Tác giả ghé thăm Vàm Nhựt Tảo

Tôi sinh ra ở xứ bưng biền, nơi con sông Vàm Cỏ Đông uốn lượn ôm trọn những “đám lá tối trời”, nơi lưu dấu chiến công oanh liệt của cụ Nguyễn Trung Trực, người đốt cháy tàu Hy Vọng tại Vàm Nhựt Tảo, tỉnh Long An. Tám chữ vàng “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” như ngọn lửa bất diệt, soi đường bao thế hệ, để câu chuyện hòa bình mãi vang vọng.

Tôi lớn lên khi đất nước đã hòa bình hơn thập kỷ. Lớn lên tại vùng đất cách mạng, trong một gia đình nồng nàn yêu nước, tuổi thơ tôi thấm đẫm những câu chuyện về thời chiến qua lời kể của bà ngoại. Bà như cuốn sử sống, cuốn tôi vào những năm tháng hào hùng mà cũng đầy đau thương của dân tộc.

Với tôi, ký ức sâu đậm nhất là một buổi theo ngoại và tía má đi đong lúa. Khi ấy, cầu, đường chưa phát triển, ghe xuồng là mạch máu giao thương khắp lục tỉnh Nam Kỳ. Trên bến sông quê nhộn nhịp, những chiếc ghe chở đầy lúa gạo xuôi ngược. Tôi nằm trên ghe, gối tay ngắm rặng dừa nước dang tay tỏa bóng, phía trên là bầu trời xanh ngát như dải lụa vô tận. Tiếng sóng vỗ hòa cùng tiếng máy nổ tành tạch, tiếng cười nói rộn ràng của bà con, tất cả quyện vào nhau nghe thân thương đến lạ. Đó là khoảng trời ký ức trong veo.

Trên chiếc ghe ấy, ngoại cất câu vọng cổ ngọt lịm: “Có phải máu cha ông mấy lần tuôn đổ, cho mảnh đất Long An rạng rỡ tên vàng”. Đột nhiên, bà ngừng hát, giọng nghẹn lại, mắt hoe đỏ khi ký ức xưa ùa về. Ngoại kể, chính trên dòng sông này, bao người đã ngã xuống, “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Trong đó, có ông ngoại tôi - người lính Cụ Hồ mãi nằm lại nơi khúc ruột quê hương.

Ông ngoại tôi tham gia cách mạng năm 1972, giữa mùa hè đỏ lửa. Trong một trận càn khốc liệt, khói súng mù mịt đã cướp đi hơi thở ông, khi đất nước còn chìm trong lằn ranh sinh tử. Lúc ấy, ngoại mang thai cậu út, chỉ vài tháng nữa là sinh. Ông ra đi, để lại trong bà nỗi đau thấu tim nhưng cũng gieo mầm ngọn lửa kiên trung. Đất nước thống nhất chẳng bao lâu sau, ngoại sinh cậu út, đặt tên “Hết” - như dấu son khép lại thời chiến, mở ra chương mới rạng rỡ cho dân tộc.

Một lần, tôi ghé thăm ông Lê Văn Được, đồng đội cũ của ông ngoại. Ông bồi hồi kể: “Ngày ấy, bom đạn rền trời. Ông ngoại mày nằm xuống nhưng trái tim cách mạng và lời nhắn "hãy thay tao chứng kiến ngày đất nước hòa bình" vẫn sống mãi cùng anh em”. Những lời ấy khắc sâu trong tôi niềm tự hào về ông - người hòa máu thịt vào hồn thiêng sông nước, để Long An mãi “rạng rỡ tên vàng”.

Sau này, mỗi dịp giỗ ông ngoại, bà lặng lẽ nhìn di ảnh ông - bức ảnh trắng đen của một người lính Cụ Hồ với ánh mắt cương nghị. Bà thủ thỉ: “Mình ơi, đất nước hòa bình, ngày càng giàu đẹp. Chỉ tiếc là mình không thấy được!”. Lời bà gọn lỏn, khiến cháu con nghẹn thắt lòng.

Ông mất, bà một mình nuôi tám người con, trong đó có cậu Nam, cậu Bắc và cậu Hết - những cái tên như khúc ca vọng về quá khứ, như minh chứng cho khát khao non sông thống nhất, cho tình yêu nước bất diệt của ông bà. Với tôi, bà không chỉ là người mẹ mà là hiện thân của người mẹ Việt Nam anh hùng bất khuất, trung hậu, đảm đang. Và tôi đã thấy bóng dáng bà qua câu thơ: “Cha đi cứu nước cứu nhà. Mẹ "ba đảm nhiệm" thay cha mọi bề”.

Năm cuối đại học, ngày 31/3/2013, tôi vinh dự được kết nạp Đảng. Trong khoảnh khắc đọc lời tuyên thệ dưới cờ đỏ sao vàng, cờ Đảng, nước mắt tôi lăn dài. Tôi thầm hiểu, để có ngày tôi được học hành trong yên bình, được đứng trong hàng ngũ của Đảng là máu và nước mắt của bao thế hệ cha anh, trong đó có ông ngoại và các cậu tôi - những người đã làm rạng rỡ lý lịch cách mạng cho gia đình. “Hòa bình là hạnh phúc của nhân dân” như lời Bác Hồ. Tôi đang sống trong hạnh phúc ấy, thấm thía từng phút giây.

Xứ “gạo Cần Đước”, từ những con đường lầy lội, trơn trượt bùn lầy ngày nào giờ hóa những cung đường phẳng lì, rợp bóng cờ hoa. Hòa bình mang đến đổi thay kỳ diệu. Nụ cười rạng rỡ của người lao động nghèo trên hành trình mưu sinh, bước chân tung tăng của trẻ em đến trường mỗi độ tháng tư về. Vùng bưng biền xưa không còn bóng dáng những người lính công binh dò mìn, dân quê tôi dồn sức sản xuất, kiến thiết quê hương, dựng nên nông thôn mới với cuộc sống no đủ, ấm êm hơn.

Ngoại tôi về với mây trời viễn xứ cách đây 5 năm nhưng bài học về lòng yêu nước, giá trị hòa bình bà dạy vẫn khắc sâu trong tôi. Trước cổng văn hóa ấp, dòng chữ như khắc vào hồn: “Tổ tiên có công xây dựng nước, cháu con cố gắng điểm tô làng” - một lời nhắc thiêng liêng, vang vọng, thúc giục thế hệ trẻ như tôi có trách nhiệm giữ gìn và vun đắp giá trị
hòa bình mãi trường tồn.

Những ngày này, khi cả nước hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi ghé thăm đền thờ cụ Nguyễn Trung Trực và một lần nhìn lại dòng Vàm Cỏ Đông. Nơi đây, ông ngoại tôi và đồng đội đã ngã xuống để đất nước đứng hiên ngang. Dòng sông vẫn chảy, vẫn mang theo hồn thiêng của những người anh hùng như nhắc nhở tôi rằng hòa bình là món quà vô giá, được đánh đổi bằng cả một thế hệ không tiếc máu xương.

Lớn lên gần hố bom, nghe chuyện chiến tranh và hòa bình, tôi càng yêu dân tộc Việt Nam kiên cường. Quá khứ đau thương nhắc tôi trân trọng từng khoảnh khắc bình yên, từng bữa cơm no đủ và nỗ lực cho tương lai tươi sáng. Hòa bình không tự nhiên mà có. Đó là kết tinh của hy sinh thầm lặng. Chúng ta, những người đang sống trong hòa bình, mang trách nhiệm giữ gìn và vun đắp nó mãi bền lâu.

Tháng tư này, tôi đi trên con đường quê phẳng phiu, ngắm lá cờ đỏ sao vàng tung bay mà lòng trào dâng xúc động. Sự đổi thay kỳ diệu của quê hương dạy tôi trân quý hòa bình - món quà vô giá đánh đổi bằng sự hy sinh của bao thế hệ./.

Đặng Hoàng An

Chia sẻ bài viết