Lâng lâng niềm hạnh phúc
Suốt cả tuổi thơ sống dưới sự áp bức của giặc ngoại xâm, ông Tư Hận, người con vùng đất Hậu Nghĩa, Đức Hòa, tỉnh Long An, cảm nhận rất rõ số phận và cả mạng sống của mình đều không phải do mình quyết định.
Hàng xóm, người thân của ông có thể bị giặc tràn vào nhà bắt bớ, thậm chí bắn bất cứ lúc nào, ngay cả khi họ đang dang dở bữa cơm nhà. Lòng căm thù giặc được nung nấu từ những điều “mắt thấy, tai nghe” như vậy mỗi ngày.
Đến năm ông 17 tuổi, trong một lần địch gom dân vào ấp chiến lược thì ông Tư Hận cùng các thanh niên khác trong xóm rủ nhau bỏ trốn theo cách mạng. Từ đó, ông tham gia Tiểu đoàn 45, chiến đấu ngay tại quê nhà. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Tiểu đoàn 45 nhận nhiệm vụ đánh từ Tân Trụ lên Bến Lức và chiếm cầu Bến Lức.

Gia tài lớn nhất của cựu chiến binh, Thiếu tá Trần Quốc Hận là bộ sưu tập các huân, huy chương có được trong kháng chiến
Đầu năm 1975, tình hình trên chiến trường miền Nam chuyển biến rất nhanh. Vùng giải phóng mở rộng một cách nhanh chóng. Tại Long An, khoảng giữa tháng 4, nhiều xã ở Châu Thành, Tân Trụ, Cần Đước, Cần Giuộc được giải phóng. Khoảng ngày 20/4 thì phía Bắc Thủ Thừa và Bến Lức, nhiều đồn, bót địch bị quét sạch.
Đêm 29/4, kết hợp với quần chúng nổi dậy, lực lượng vũ trang đánh chiếm thị xã Tân An. Ông Hận có mặt trong đoàn quân tiến về thị xã sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất.
Từ giây phút ấy, chàng trai trẻ ý thức được rằng anh, đồng đội và người dân có thể hiên ngang, chính thức làm chủ chính quê hương mình. Những ngày tháng “nếm mật nằm gai”, hoạt động trong bí mật, những hy sinh to lớn của đồng đội đã được đền đáp xứng đáng vào ngày 30 năm ấy.
Về thị xã chưa được bao lâu thì cựu chiến binh Tư Hận tiếp tục cùng đồng đội tham gia lực lượng truy quét tàn quân của địch ở Rừng Sác.
“Lực lượng ta vừa bao vây, vừa kêu gọi đầu hàng. Bọn địch hầu như không còn ý chí chiến đấu, chúng ra hàng, có một số vượt biên. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, chúng tôi lại trở về thị xã, nhận nhiệm vụ mới, bắt tay vào xây dựng lại quê hương. Lúc đó, tôi cùng đồng đội về khai hoang và xây dựng nông trường K45 tại huyện Bến Lức” - Thiếu tá Trần Quốc Hận kể.
Hòa bình trên đất bạn
Không bao lâu sau đó, biên giới Tây Nam bị kẻ thù đe dọa, ông Hận lại cùng đồng đội lên đường làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia, vừa giúp bạn giải phóng khỏi chế độ diệt chủng, vừa bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia trước sự đe dọa của Pol Pot. “Trên đất bạn, chúng tôi có 9 điều quy định của bộ đội, không được động tới bất cứ thứ gì của người dân Campuchia dù cho vườn rau, ao cá của dân bỏ hoang lâu ngày cũng không được hái rau, bắt cá. Cũng nhờ vậy mà bộ đội Việt Nam được người dân Campuchia tin tưởng, yêu thương lắm” - cựu chiến binh Trần Quốc Hận kể.

Huy hiệu Ngày giải phóng 30/4/1975 được cựu chiến binh, Thiếu tá Trần Quốc Hận giữ đến hôm nay
Những tháng ngày làm nghĩa vụ quốc tế cho cựu chiến binh Trần Quốc Hận thêm một lần cảm nhận niềm vui ngày giải phóng. Khi chế độ diệt chủng bị đánh bại, người dân “chạy giặc” trước đây lần lượt trở về nhà. Sau những ngày tháng kiệt cùng do chiến tranh, họ gần như tay trắng. Lúc đó, bộ đội Việt Nam “sẻ nửa" bát cơm cho người dân nước bạn, giúp họ dựng xây lại cuộc sống mới.
Ông Hận kể, được nhìn thấy người dân trở lại nhà, dọn lại ruộng vườn, ông thấy thân quen như hình ảnh của gia đình và người thân mình ngày trước. Người cựu chiến binh chợt nhận ra, thì ra, hòa bình thì ở đâu cũng đẹp nhưng cảm xúc nhiều nhất vẫn là trên chính quê hương mình.
Hoàn thành nghĩa vụ quốc tế, ngày ông Hận trở lại nhà thì con đầu lòng đã gần 2 tuổi. Đứa trẻ nép bên cửa nhìn người đàn ông lạ bước vào nhà mà không biết đó chính là cha mình. Cựu chiến binh Trần Quốc Hận chia sẻ: “Sau khi giúp bạn đánh tan chế độ diệt chủng, bộ đội Việt Nam vẫn ở lại giúp bạn một thời gian. Trong thời điểm đó, tôi được 2 lần về phép. Một lần là về cưới vợ, được nghỉ 3 ngày ở nhà rồi lại lên đường”.

Huy hiệu Vì nghĩa vụ quốc tế dành cho bộ đội làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia
Câu chuyện tình của ông Hận và vợ được ươm mầm từ những ngày đầu chung tay xây dựng quê hương sau khi thống nhất đất nước. Chưa được bao lâu thì ông sang Campuchia làm nhiệm vụ, tâm tình đành gửi hết vào những cánh thư xa. Năm 1980, khi tình hình ở Campuchia ổn định và yêu thương cũng đủ, “đôi trẻ” được 2 bên gia đình đồng ý cho “về chung một nhà”.
Hai lần cảm nhận hòa bình, hơn ai hết, cựu chiến binh Trần Quốc Hận hiểu sâu sắc giá trị của những ngày tháng yên bình. Ông hiểu những đau thương, mất mát trong chiến tranh và cũng chứng kiến sự đổi thay sau ngày thống nhất. Nét đẹp và niềm vui của hòa bình đã được nhân lên mạnh mẽ trong nửa thế kỷ qua./.
Quế Lâm