Tiếng Việt | English

05/11/2024 - 17:58

Kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại huyện Cần Giuộc

Ngày 05/11, Đoàn công tác UBND tỉnh Long An đến kiểm tra kết quả thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) năm 2024 tại huyện Cần Giuộc. Chủ tịch UBND huyện - Nguyễn Anh Đức tiếp Đoàn.

Đại biểu dự cuộc kiểm tra

Toàn huyện hiện có 1.182 cơ sở thuộc diện quản lý Nhà nước về PCCC. Từ đầu năm đến nay, huyện ban hành trên 60 văn bản về công tác PCCC và CNCH. Trong đó, trọng tâm là thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác PCCC trong tình hình mới.

Trên địa bàn huyện có 15 mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và 30 mô hình “Điểm chữa cháy công cộng”. Đồng thời, có 82 Đội dân phòng với 603 thành viên; 15 đội PCCC với 150 thành viên; 4 đội PCCC chuyên ngành với 67 thành viên. 100% các Đội dân phòng xã, thị trấn được trang bị phương tiện chữa cháy. Ngoài ra, lực lượng dân phòng còn được trang bị 23 máy bơm chữa cháy mini.

Đoàn đề nghị huyện cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về phòng cháy, chữa cháy

Huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giáo dục pháp luật về PCCC và CNCH trên mạng xã hội, Trang thông tin điện tử huyện, Truyền thông Cần Giuộc, Zalo, Facebook, trong cơ sở giáo dục.

Lực lượng công an kiểm tra 38 trường hợp, phát hiện, xử phạt hành chính 1 trường hợp với số tiền 45 triệu đồng, đình chỉ hoạt động đối với cơ sở. Đoàn kiểm tra liên ngành huyện tiến hành kiểm tra và lập biên bản 15 cơ sở. UBND các xã, thị trấn tiến hành kiểm tra công tác PCCC 1.175 lượt cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính 51 trường hợp với số tiền hơn 285 triệu đồng. Quá trình kiểm tra kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực PCCC.

Diễn tập phòng cháy, chữa cháy

Qua kiểm tra, Đoàn đề nghị, huyện cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC. Bên cạnh đó, xây dựng mô hình tổ liên gia, điểm chữa cháy công cộng. Song song đó, kiểm tra, hướng dẫn UBND cấp xã, các cơ quan, tổ chức, lập hồ sơ quản lý; kiểm tra định kỳ, đột xuất về PCCC và CNCH theo quy định. Ngoài ra, nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác PCCC, đặc biệt, Chủ tịch UBND cấp xã cũng như thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” trong nhân dân về công tác PCCC và CNCH.

Bên cạnh đó, kiểm soát chặt chẽ về các điều kiện cấp giấy phép xây dựng; trong đó cần tập trung rà soát, xem xét các yêu cầu về PCCC theo quy định. Rà soát công trình nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ đã đưa vào sử dụng nhưng vi phạm các quy định về PCCC để xử lý. Tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về trật tự xây dựng, PCCC của tổ chức, cá nhân có liên quan,…/.

Nguyệt Nhi - Thành Phát

Chia sẻ bài viết