Kinh tế chuyển dịch đúng định hướng
Bí thư Thị ủy Kiến Tường (tỉnh Long An) - Phạm Tấn Hòa cho biết: “Năm 2017, tổng giá trị sản xuất của thị xã đạt trên 3.534 tỉ đồng, tăng 14,5% so cùng kỳ. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng khu vực I nông - lâm - thủy sản (giảm 6%), chiếm 39%; khu vực II công nghiệp - xây dựng và khu vực III thương mại - dịch vụ tăng dần tỷ trọng, chiếm 61% (khu vực III tăng 5%, khu vực II tăng 1%)”.
Trong đó, thương mại - dịch vụ phát triển nhanh, giá trị sản xuất đạt trên 1.434 tỉ đồng, tăng 27,4% so cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 31,5%. Trung tâm Thương mại - Dịch vụ Kiến Tường, chợ đêm phường 1, chợ phường 2 và chợ vệ tinh ở các xã: Bình Hiệp, Thạnh Hưng,... đi vào hoạt động ổn định. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống đầu cơ, gian lận thương mại được thực hiện tốt. Giá cả các mặt hàng cơ bản ổn định, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Thu ngân sách 119 tỉ đồng, đạt 166% chỉ tiêu tỉnh giao, đạt 119% kế hoạch phấn đấu của thị xã.
Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng có bước phát triển vượt bậc, giá trị sản xuất đạt trên 712 tỉ đồng, tăng 23,5% so cùng kỳ, tập trung chủ yếu ở ngành may công nghiệp, sản xuất gạch ngói, nước đá, nước đóng chai, xay xát chế biến gạo, chế biến thực phẩm,... Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp tiếp tục được triển khai thực hiện, đến nay tiếp nhận 2 nhà đầu tư là Công ty TNHH MTV Thương mại Hữu nghị Asean đầu tư cửa hàng miễn thuế và kho chứa; Công ty Nước giải khát Khánh An đầu tư bến cảng và kho ngoại quan.
Cửa khẩu Bình Hiệp
Khu công nghiệp Cửa khẩu Bình Hiệp (giai đoạn 1) tiếp nhận 2 nhà đầu tư là Công ty TNHH Tainan Enterprises (Việt Nam) đi vào hoạt động giai đoạn 1 với 659 công nhân, đang tiếp tục đầu tư giai đoạn 2; Công ty TNHH International Victory đang lập hồ sơ đầu tư nhà máy sản xuất giày nữ thời trang. Ngoài ra, thị xã còn tiếp nhận mới 1 dự án ngoài khu công nghiệp là dự án mở rộng cửa hàng bán lẻ máy nông nghiệp của Công ty Cổ phần Hòa Bình, Công ty TNHH MTV Thương mại Yến sào Cao Viên, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kim Thắng;...
“Việc thu hút các nhà đầu tư xây dựng và đưa công ty, nhà máy vào hoạt động không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế mà còn tạo việc làm ổn định, nhất là chuyển dịch hiệu quả lao động trong khu vực I sang khu vực II và III, tăng thu nhập cho lao động địa phương, góp phần giảm nghèo hiệu quả. Toàn thị xã hiện còn 575 hộ nghèo, chiếm 4,8%; tỷ lệ hộ cận nghèo còn 6,6%, với 778 hộ” - ông Phạm Tấn Hòa thông tin.
Phát triển nông nghiệp chất lượng cao
Sản xuất nông nghiệp vẫn giữ vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế thị xã khi đóng góp vào tổng giá trị sản xuất trên 1.118 tỉ đồng trong năm 2017. Tổng diện tích gieo sạ lúa cả năm 29.722ha, sản lượng đạt 181.122 tấn.
Theo Phòng Kinh tế thị xã, nhằm nâng cao chất lượng, giá trị nông sản cho nông dân, thị xã triển khai thực hiện chương trình phát triển vùng lúa chất lượng cao và ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn 5 xã: Thạnh Hưng, Tuyên Thạnh, Bình Hiệp, Bình Tân và Thạnh Trị. Tổng diện tích của vùng quy hoạch 7.755ha, trong đó có 3.350ha lúa ứng dụng công nghệ cao, với 1.696 hộ tham gia.
Việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất luôn được quan tâm. Theo đó, các địa phương vận động, hướng dẫn nông dân áp dụng quy trình sản xuất “1 phải, 5 giảm”, sử dụng giống chất lượng cao, đạt chuẩn cấp xác nhận, sử dụng phân hữu cơ vi sinh để giảm phân hóa học,... Đến nay, 100% hộ nông dân trên địa bàn thị xã ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ từ khâu gieo cấy, bón phân, phun thuốc, thu hoạch. Qua đó, góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động.
Ông Nguyễn Văn Đực, ngụ ấp Bàu Chứa, xã Thạnh Hưng, cho biết: “Việc tham gia vùng lúa ứng dụng công nghệ cao không chỉ nâng cao chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh cho nông sản mà còn góp phần bảo vệ môi trường. Đặc biệt, nông dân còn giảm được lượng giống, phân, thuốc bảo vệ thực vật, từ đó, chi phí sản xuất giảm, lợi nhuận tăng 1-1,5 triệu đồng/ha/vụ so với lúc chưa tham gia”.
Thị xã còn đầu tư xây dựng hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy, hệ thống thủy lợi, đê bao lửng phục vụ sản xuất và dân sinh. Hiện nay, trên địa bàn thị xã có trên 98% diện tích sản xuất tránh được lũ sớm. Thị xã tập trung kêu gọi xã hội hóa xây dựng đường nội đồng, trạm bơm điện để phục vụ việc vận chuyển hàng hóa, tưới tiêu kịp thời các diện tích trong vùng quy hoạch. Năm 2017, có 10 doanh nghiệp tham gia sản xuất theo hướng công nghệ cao và bao tiêu sản phẩm với diện tích 4.413ha, góp phần ổn định sản xuất cho nông dân.
Đột phá trong phát triển đô thị
Nhằm tạo sức bật mới để thị xã phát triển toàn diện, đồng thời thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TXU, ngày 31/5/2017 của Thị ủy về Phát triển đô thị thị xã Kiến Tường đến năm 2020, thị xã tăng cường quản lý chặt chẽ quy hoạch đô thị, xây dựng. Công tác chỉnh trang, phát triển đô thị được quan tâm thực hiện đúng lộ trình. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị được đầu tư đồng bộ với hệ thống giao thông nội thị, vỉa hè, hệ thống chiếu sáng và cây xanh ở các tuyến đường. Ngoài ra, tập trung triển khai các dự án trọng điểm để phát triển đô thị: Bờ kè thị xã, hạ tầng kỹ thuật Khu kinh tế Cửa khẩu Long An, dự án Khu đô thị Sân Bay (giai đoạn 1 và 2), Khu dân cư Cầu Dây, Trung tâm Thương mại - Dịch vụ Kiến Tường, Trung tâm Văn hóa kết hợp Nhà Thiếu nhi thị xã,... Hiện nay, thị xã cơ bản đạt 52/59 chỉ tiêu của đô thị loại III (đạt 88,1%).
Ông Văn Bảy, ngụ ấp Ông Nhan Đông, xã Bình Hiệp, bộc bạch: “So với trước đây, thị xã Kiến Tường bây giờ đổi thay nhiều lắm! Từ đường giao thông đến trường học, bệnh viện, trạm y tế đều được quan tâm đầu tư xây dựng khang trang. Việc đi lại, mua bán hàng hóa, học tập, chăm sóc sức khỏe của người dân cũng thuận lợi hơn. Chẳng mấy chốc, quê mình phát triển đâu thua gì thành phố!”.
Một mùa xuân mới lại về, với sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và nhân dân, thị xã Kiến Tường tiếp tục vươn mình, khẳng định vị thế đô thị trung tâm vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh./.
An Kỳ