Tiếng Việt | English

24/11/2022 - 14:47

Kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư máy lọc bụi trong dây chuyền xay xát gạo  

Ngày 24/11, Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại phối hợp Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Đức Vạn Thành nghiệm thu đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị, tiên tiến, hiện đại trong chế biến nông sản”. Đây là Đề án khuyến công được thực hiện từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia năm 2022.

Đại biểu tham gia buổi nghiệm thu 

DNTN Đức Vạn Thành (xã Thuận Nghĩa Hòa, huyện Thạnh Hóa), chuyên ngành xay xát lúa gạo và sản xuất bột thô là đơn vị thụ hưởng nguồn kinh phí khuyến công quốc gia. 

Long An hiện là địa phương đứng thứ 4 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về sản lượng lúa, với gần 3 triệu tấn/năm. Trên địa bàn tỉnh có nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến lúa gạo phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.

Tuy nhiên, bên cạnh hiệu quả kinh tế - xã hội thì quá trình sản xuất đã tạo ra lượng lớn bụi trấu, bụi cám, gây ô nhiễm môi trường, không khí bên trong nhà xưởng và xung quanh nhà máy làm ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động và người dân sống gần nhà máy. Xử lý bụi, hạn chế gây ô nhiễm môi trường không khí là cần thiết, nhằm cải thiện môi trường làm việc, bảo vệ sức khỏe người lao động, nâng cao năng suất, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Máy lọc bụi có công suất hút 156m3/phút, xuất xứ Việt Nam

Trước vấn đề này, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tiến hành khảo sát, thực hiện Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị, tiên tiến, hiện đại trong chế biến nông sản” tại DNTN Đức Vạn Thành. Từ đề án này, DNTN Đức Vạn Thành đầu tư ứng dụng hệ thống máy lọc bụi vào quá trình sản xuất. Máy lọc bụi có công suất hút 156m3/phút, xuất xứ Việt Nam, máy mới 100%. Đề án được thực hiện từ tháng 01/2022 đến nay.

Đại biểu tham quan dây chuyền xay xát lúa gạo tại DNTN Đức Vạn Thành

Tổng chi phí xây dựng đề án là 676 triệu đồng, trong đó kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 300 triệu đồng, phần còn lại là vốn đối ứng của doanh nghiệp. Đây là nguồn kinh phí hỗ trợ không hoàn lại. Vì vậy, doanh nghiệp thụ hưởng không được quyền mua bán, sang nhượng, cho tặng với bất kỳ hình thức nào mà phải gìn giữ, sử dụng đúng mục đích. 

Phó Giám đốc Sở Công Thương - Châu Thị Lệ cho biết, trong năm 2022, nguồn kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ Long An khoảng 1,5 tỉ đồng. Tất cả nguồn kinh phí đều thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp mua sắm, đầu tư trang thiết bị phục vụ sản xuất. Qua đó, tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư hiện đại hoá công nghệ, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Doanh nghiệp có thể tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng doanh thu, tạo ra sản phẩm có giá bình ổn phục vụ người tiêu dùng. Đồng thời, đối với doanh nghiệp sản xuất lúa gạo sẽ tăng lượng tiêu thụ nông sản từ nông dân, phát triển sản phẩm và tăng sản lượng xuất khẩu ra thị trường nước ngoài./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết