Tiếng Việt | English

06/01/2023 - 10:04

Kinh tế - xã hội phục hồi mạnh mẽ tạo đà phát triển

Năm 2022, tình hình KT-XH của tỉnh Long An có bước phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,46%, đứng thứ 5/13 tỉnh, thành trong Vùng Đồng bằng sông Cửu Long; quy mô nền kinh tế đứng thứ 12 cả nước; thu ngân sách nhà nước đạt gần 22.000 tỉ đồng. Đây là bước đệm, động lực để tỉnh hoàn thành các chỉ tiêu nghị quyết (NQ) của nhiệm kỳ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Tấn Hòa (thứ 5, trái qua) cùng đoàn công tác thăm, động viên doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh, thích ứng linh hoạt trong tình hình mới. Ảnh: Mai Hương

Phục hồi mạnh mẽ

Huyện Cần Giuộc là một trong những địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh. Năm 2022 đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ của huyện trên tất cả lĩnh vực. Theo Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc - Nguyễn Anh Đức, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19 nhưng với sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của tỉnh cùng sự quyết tâm, đoàn kết của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ và đồng thuận của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, Đảng bộ huyện chủ động nắm chắc tình hình, nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH.

Trong đó, huyện đạt và vượt 15/15 chỉ tiêu NQ năm 2022 (có 6/15 chỉ tiêu vượt). Nổi bật, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư tiếp tục được tập trung lãnh, chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp như rà soát, phân loại dự án, phân nhóm đối tượng để xây dựng kế hoạch vận động phù hợp; thường xuyên gặp gỡ các doanh nghiệp trên địa bàn để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc; phát huy vai trò của Ban Vận động bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư huyện.

Năm 2022, huyện chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho 606 hộ gia đình, cá nhân và tổ chức với diện tích 102,55ha, tổng số tiền trên 1.293 tỉ đồng. Cần Giuộc tiếp tục là điểm sáng thu hút đầu tư. Trong năm, huyện tiếp nhận 5 nhà đầu tư thứ cấp vào hoạt động trong các khu công nghiệp và 2 nhà đầu tư vào hoạt động trong cụm công nghiệp, nâng tổng số 401 nhà đầu tư vào hoạt động trong khu công nghiệp và 7 nhà đầu tư vào hoạt động trong cụm công nghiệp.

Sau 1 năm với nhiều nỗ lực, kinh tế của huyện Đức Hòa phục hồi mạnh mẽ và có sự tăng trưởng đạt trên 12%, vượt chỉ tiêu NQ Huyện ủy đề ra. Cơ cấu kinh tế của huyện tiếp tục chuyển dịch đúng theo hướng công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ và nông nghiệp.

Đặc biệt, lĩnh vực công nghiệp tuy chịu ảnh hưởng rất lớn bởi đại dịch Covid-19 nhưng có sự phục hồi mạnh mẽ trong trạng thái “bình thường mới”. Các giải pháp nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp khôi phục lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh được triển khai, thực hiện đồng bộ. Đồng thời, huyện phối hợp tốt các sở, ngành tỉnh đôn đốc nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật tại các khu, cụm công nghiệp đã góp phần tăng trưởng kinh tế.

Năm 2022, đánh dấu mức kỷ lục trong thu ngân sách nhà nước khi đạt trên 1.386 tỉ đồng, đạt 123,14% so với dự toán tỉnh, đạt 107,07% so với dự toán huyện giao và đạt 102,66% dự toán phấn đấu tăng thu.

Sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022

Nếu như tại các huyện trong vùng kinh tế trọng điểm đánh dấu sự tăng trưởng mạnh mẽ trên lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ thì tại các địa phương vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh cũng chứng kiến sự phát triển ổn định.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng - Nguyễn Tuấn Anh, năm 2022, kinh tế của huyện phát triển khá tốt, giá trị sản xuất các ngành tăng so cùng kỳ, nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế chủ yếu của huyện. Sản xuất lúa đạt và vượt chỉ tiêu về diện tích, năng suất, sản lượng với diện tích gieo sạ trên 57.300ha, đạt 101,3% kế hoạch, sản lượng ước đạt trên 345.700 tấn. Trong đó, sản lượng lúa chất lượng cao là 280.368 tấn, chiếm 81,1%. Ngoài ra, huyện tập trung phát triển diện tích rau màu với trên 3.500ha cùng việc tăng diện tích trồng cây ăn trái lên 476,7ha, bước đầu mang lại thu nhập cao cho người nông dân.

Tại thị xã Kiến Tường, song song với chương trình phát triển đô thị, năm 2022, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nhất là sản xuất lúa gắn với chương trình vùng lúa chất lượng cao và ứng dụng công nghệ cao mang lại những tín hiệu tích cực với các mô hình sản xuất và duy trì liên kết với các doanh nghiệp. Ngành Nông nghiệp thị xã triển khai hỗ trợ giá lúa giống xác nhận cho các vùng sản xuất lúa chất lượng cao, ứng dụng công nghệ cao tổng diện tích thực hiện 210ha; phối hợp Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh triển khai hỗ trợ giá lúa giống xác nhận với tổng diện tích 175ha. Trong vụ lúa Hè Thu vừa qua, thị xã triển khai 6 mô hình trình diễn quy trình canh tác lúa theo hướng hữu cơ trong vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao và 9 mô hình hỗ trợ giá lúa giống xác nhận cho các vùng sản xuất lúa chất lượng cao nhằm thay đổi nhận thức của nông dân trong sản xuất nông nghiệp.

Tạo đà phát triển

Thông tin từ UBND tỉnh, năm 2022, các chỉ tiêu phát triển KT-XH đều đạt và vượt so với NQ HĐND tỉnh đề ra, trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 8,46%, các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh dần lấy lại đà tăng trưởng sau khoảng thời gian bị tác động nặng nề từ dịch Covid-19. Riêng trong quí III/2022, mức tăng trưởng đạt 19,07% cho thấy chính sách phục hồi và phát triển KT-XH phát huy hiệu quả. Năm 2022 cũng là năm đầu tiên thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt gần 22.000 tỉ đồng, quy mô nền kinh tế đứng thứ 12 cả nước. Những con số ấn tượng trong phát triển KT-XH tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu của tỉnh trong khu vực, tạo bước đệm, động lực để tỉnh hoàn thành các chỉ tiêu NQ của nhiệm kỳ.

Dù gặp nhiều khó khăn, song ngành Nông nghiệp vẫn đạt những kết quả tích cực, đóng góp vào đà phục hồi, tăng trưởng kinh tế của tỉnh

Theo Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út, năm 2023, tình hình kinh tế tiếp tục đối mặt với rất nhiều thách thức khi ngành Nông nghiệp dự báo sẽ gặp khó khăn bởi thời tiết diễn biến thất thường, tình hình tiêu thụ nông sản không ổn định; chi phí sản xuất tăng cao, nhất là giá xăng, dầu, nguyên vật liệu, các yếu tố đầu vào sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển KT-XH của tỉnh. Trước tình hình đó, UBND tỉnh đặt mục tiêu tập trung phát triển kinh tế nhanh và bền vững, huy động mạnh mẽ mọi nguồn lực để triển khai hiệu quả các chương trình đột phá, công trình trọng điểm, cùng với đó là kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Năm 2023, tỉnh phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 8-8,5%, sản lượng lúa đạt 2,7 triệu tấn, trong đó, sản lượng lúa chất lượng cao chiếm 65% tổng sản lượng, thu ngân sách nhà nước tăng 12%,... Để đạt mục tiêu đề ra, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, đẩy mạnh phát triển KT-XH. Trong đó, tập trung thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Chính phủ về Chương trình Phục hồi và phát triển KT-XH; thường xuyên rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các cơ chế, chính sách.

Đồng thời, UBND tỉnh thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và thực hiện hiệu quả các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phấn đấu nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2023, đưa tỉnh trở lại nhóm đầu cả nước.

Cùng với phát triển kinh tế, UBND tỉnh tiếp tục thực hiện các giải phát triển văn hóa - xã hội, bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế với xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh./.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết