Tiếng Việt | English

04/12/2019 - 16:04

Chung tay phòng, chống đuối nước cho trẻ em

Kỳ 1: Những vụ đuối nước thương tâm

Đuối nước là một trong những tai nạn, thương tích gây tử vong hàng đầu ở trẻ em. Công tác phòng, chống đuối nước nói riêng và phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em nói chung luôn là nhiệm vụ hàng đầu nhằm tạo ra môi trường sống, học tập, rèn luyện, vui chơi an toàn, lành mạnh, bổ ích cho các em. Do đó, rất cần sự chủ động, tích cực vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn xã hội.

Những năm gần đây, nhiều vụ đuối nước ở trẻ em xảy ra trên địa bàn tỉnh khiến nhiều gia đình và dư luận không khỏi xót xa. Chỉ một phút bất cẩn, sự chủ quan, thiếu kỹ năng bơi lội, xử lý tình huống dưới nước, đuối nước cướp đi sinh mạng của các em, để lại nỗi đau, mất mát cho nhiều gia đình và xã hội.

Phụ huynh cần theo sát trẻ, không nên buông lỏng quản lý, nhất là những khu vực gần ao, hồ, kênh, rạch

Phụ huynh cần theo sát trẻ, không nên buông lỏng quản lý, nhất là những khu vực gần ao, hồ, kênh, rạch

Tai nạn thương tâm do đuối nước

Theo số liệu thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2018, toàn tỉnh xảy ra 15 trường hợp trẻ em tử vong do đuối nước, riêng từ đầu năm 2019 đến nay có 5 trường hợp. Nguyên nhân của hầu hết các vụ đuối nước ở trẻ em là do thiếu sự quản lý của phụ huynh trong dịp hè, chủ quan, thiếu cảnh giác. Bên cạnh đó, các em còn thiếu các kỹ năng bơi lội, xử lý tình huống dưới nước, các kỹ năng cứu đuối.

Những năm trở lại đây, Châu Thành là một trong những địa phương có số trẻ tử vong do đuối nước cao của tỉnh. Năm 2018, huyện ghi nhận 3 trường hợp tử vong do đuối nước, riêng từ đầu năm 2019 đến nay ghi nhận 2 trường hợp. Điều này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc thực hiện công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Trên thực tế, trẻ em thường thích chơi với nước, nhất là vào thời điểm nắng nóng. Các em chưa nhận thức được việc bảo đảm an toàn cho bản thân và bạn bè. Tại các vùng nông thôn, đặc biệt là nơi có nhiều sông nước, ao, hồ, kênh, rạch,… phụ huynh chủ quan do trẻ biết bơi nên buông lỏng quản lý. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều sự việc đáng tiếc xảy ra.

Em N.T.T (11 tuổi, ngụ xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành) tử vong do đuối nước trước hôm tổng kết năm học một ngày. Được biết, em T. có hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha mẹ đi làm ăn xa, em sống với bà nội đã ngoài 70 tuổi. Hàng ngày, em T. đi học về chỉ chơi quanh quẩn xung quanh nhà. Thế nhưng, vào ngày định mệnh đó, trong lúc mải mê chơi đá bóng với bạn trong xóm, em T. chạy đi tìm trái bóng và không may bị trượt chân té xuống ao. Em T. là con duy nhất của gia đình, sự ra đi của em để lại nỗi đau, mất mát không gì bù đắp được.

Vào tháng 9-2019, trên địa bàn xã Thanh Vĩnh Đông, huyện Châu Thành xảy ra vụ đuối nước thương tâm khiến bé L.T.N (3 tuổi) tử vong. Nhà bé N. gần khu vực có nhiều ao, hồ nên gia đình chủ động xây hàng rào xung quanh nhà để bảo vệ bé. Tuy nhiên, trong lúc mẹ bé N. đang làm việc nhà, thiếu quan sát, bé trèo qua lan can nhà hàng xóm, đi đến ao nuôi tôm cách nhà khoảng 500m và té xuống đây. Khi gia đình phát hiện, cùng nhau đi tìm thì đã quá trễ.

Cần thực hiện những gì để phòng tránh đuối nước?

đuối nước là một tai nạn thường gặp ở nước ta do có nhiều sông, rạch, ao, hồ và bờ biển dài. Tuy nhiên, tai nạn này có thể phòng tránh nếu chúng ta hiểu biết về nó. Bởi, mạng sống của một người phụ thuộc vào vài phút đầu tiên của cấp cứu hồi sức ban đầu. Từ đầu năm 2019 đến nay, Bệnh viện Đa khoa Long An tiếp nhận 7 trường hợp cấp cứu do đuối nước, trong đó có 1 trường hợp tử vong.

Theo Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Long An - Cao Đình Chương, khi thấy một người đang hốt hoảng trên mặt nước, hãy nhanh chóng thảy cho họ bất cứ thứ gì có thể giúp họ bám vào, sau đó mới cho nạn nhân bám vào người cứu hộ. Nếu chỉ có một mình và hai tay không bơi ra cứu nạn nhân thì rất mạo hiểm dù là biết bơi giỏi. Vì trong cơn hoảng loạn, nạn nhân thường có khuynh hướng vùng vẫy, níu kéo rất chặt gây khó khăn cho người cấp cứu và có nguy cơ làm chết đuối luôn cả hai.

Nếu không biết bơi hoặc không được huấn luyện cách đưa người đuối nước còn tỉnh lên bờ thì không nên nhảy xuống nước cứu nạn nhân. Bởi, người cứu hộ không chỉ cần biết bơi, học kỹ năng tồn tại dưới nước mà còn cần nắm được kỹ năng cứu đuối. Thời gian qua, có nhiều vụ chết đuối tập thể là do các em hoảng loạn cứu nhau không được nên cùng bị chìm.

Sau sơ cứu ban đầu, người bị đuối nước cần được đưa đến cơ sở y tế để kiểm tra tình trạng sức khỏe

Sau sơ cứu ban đầu, người bị đuối nước cần được đưa đến cơ sở y tế để kiểm tra tình trạng sức khỏe

Ngay sau khi đưa được nạn nhân vào bờ, cần tiến hành cấp cứu tại chỗ. Dân gian xưa nay truyền nhau cách xốc nước cứu nạn nhân bị chết đuối. Thế nhưng, theo bác sĩ Cao Đình Chương, không nên cố tìm cách cho nước trong phổi nạn nhân chảy hết ra ngoài bằng cách xốc nước, vác nạn nhân chạy vòng vòng cho nước chảy ra. Bởi làm như thế sẽ bỏ lỡ thời gian “vàng” cho việc làm hồi sức cấp cứu tim, phổi. Trong quá trình hồi sức cấp cứu tim, phổi, nước trong phổi sẽ tự động thoát ra ngoài. Nếu là nước sông, hồ thì nước sẽ thấm vào hệ tuần hoàn rất nhanh do hiện tượng thẩm thấu, vì nước sông có nồng độ loãng hơn máu.

Ngoài ra, do tập quán sai lầm trong sơ cứu ngạt nước như hơ lửa, lăn lu, ép bụng,... càng làm tình trạng thêm nặng. Sơ cứu ngạt nước bằng những cách này không những không giúp nạn nhân cải thiện mà còn gây thương tổn nhiều hơn.

Qua khảo sát, trong số 85% bệnh nhi bị ngạt nước được hồi sức tại hiện trường trước khi đưa đi cấp cứu, chỉ có 8% trường hợp được hồi sức đúng cách. Có đến 75% trẻ suy hô hấp lúc nhập viện, 64% trẻ rối loạn tri giác, 4% hạ thân nhiệt và 3% nạn nhân chấn thương đi kèm do người sơ cứu gây ra.

Nạn nhân bị đuối nước nếu được phát hiện sớm và sơ cứu đúng cách tại chỗ thì khi đến bệnh viện mới có thể hồi sức cứu sống mà không để lại những di chứng sau này. Sau sơ cứu ban đầu, người bị đuối nước tỉnh lại thì cần được đưa đến cơ sở y tế để kiểm tra xem nạn nhân có bị phù phổi cấp sau khi đuối nước, hay còn được gọi là “chết đuối trên cạn” hay không.

Bác sĩ Cao Đình Chương khuyến cáo: Để đề phòng chết đuối, chỉ đi bơi ở các hồ bơi bảo đảm an toàn và có nhân viên cứu hộ giám sát. Trẻ em khi bơi phải được người lớn giám sát thường xuyên và không được rời mắt để làm công việc khác. Nhà gần ao, hồ nên có hàng rào kín xung quanh để trẻ em không mở cửa được. Nên cho trẻ tập bơi sớm, khi trẻ trên 4 tuổi.

Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mỗi năm, nước ta có trên 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước và trở thành một trong những quốc gia hàng đầu có tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước. Những con số thống kê về tình trạng đuối nước ở trẻ em là hồi chuông cảnh báo về loại tai nạn nguy hiểm, để lại nỗi đau cho nhiều gia đình và xã hội./.

Mỗi năm, nước ta có trên 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước và trở thành một trong những quốc gia hàng đầu có tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước. Những con số thống kê về tình trạng đuối nước ở trẻ em là hồi chuông cảnh báo về loại tai nạn nguy hiểm, để lại nỗi đau cho nhiều gia đình và xã hội".

(còn tiếp)

Kỳ 2: Để trẻ em không bị đuối nước

Ngọc Mận - Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết