Học sinh Trường THCS&THPT Lương Hòa đang kể chuyện về Bác
Đưa sách về Bác vào trường học
Thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, nhiều trường học tại huyện Bến Lức có nhiều hình thức sáng tạo trong giảng dạy, truyền bá tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho học sinh (HS). Bắt đầu từ năm học 2016-2017, các trường học đặt mua, đưa bộ sách “Bác Hồ và những bài học đạo đức, lối sống dành cho HS” của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam từ lớp 2 đến lớp 12 vào hoạt động của nhà trường bằng nhiều hình thức.
Từ trước đến nay, những cuốn sách về Bác Hồ dùng trong chương trình giáo dục phổ thông có rất nhiều. Tuy nhiên, việc đưa bộ sách theo hệ thống từ lớp 2 đến lớp 12 là việc làm mới và có ý nghĩa. Đây là lần đầu tiên có một bộ tài liệu chính thức về Bác Hồ được dạy theo từng lớp với từng bài học. Đó không chỉ là những câu chuyện mà còn có sức lan tỏa, đi vào lòng người với những nội dung chân thực và sinh động.
Một trong những đơn vị thực hiện tốt việc làm này tại Bến Lức chính là Trường THCS&THPT Lương Hòa. Chi bộ trường giao trách nhiệm cho Đoàn và Đội phối hợp giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn Giáo dục công dân nghiên cứu, lựa chọn các hình thức đưa sách đến với các em. Bí thư Đoàn trường THCS&THPT Lương Hòa - Đường Phước Anh là người góp phần đưa việc học và làm theo gương Bác đến gần với HS thông qua triển khai tốt việc mua và đưa bộ sách “Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống dành cho HS” đến với nhiều HS.
Đường Phước Anh nói: “Giữa học kỳ I năm học 2016-2017, trường triển khai việc mua và đọc bộ sách này dành cho HS từ lớp 6 đến lớp 12. Qua phát động, các lớp tiến hành mua sách, đọc, kể các mẩu chuyện về Bác trong các tiết sinh hoạt lớp, sinh hoạt ngoại khóa hoặc tiết học Giáo dục công dân. Giáo viên chủ nhiệm các lớp dành ra 15 phút đầu giờ sinh hoạt lớp để tổ chức cho các em kể những mẩu chuyện về Bác theo từng khối lớp. Sau mỗi câu chuyện, các em tự rút ra cảm nhận của bản thân, tổ chức các hoạt động trao đổi, thảo luận về những vấn đề liên quan đến Bác và mẩu chuyện vừa kể theo hướng dẫn của sách”.
Ngoài ra, trong sinh hoạt dưới cờ, anh tham mưu Ban Giám hiệu trường dành khoảng thời gian vừa đủ để các em kể những mẩu chuyện về Bác tùy theo chủ điểm hàng tháng. Không những vậy, hàng tuần, những mẩu chuyện về Bác còn được Ban Chấp hành Đoàn trường lồng ghép trong chương trình “Phát thanh học đường”.
Em Phương Uyên - HS lớp 12/1, Trường THCS&THPT Lương Hòa, chia sẻ, hầu như các bạn HS trong trường đều có quyển sách này. Từ những mẩu chuyện về Bác giúp chúng em có nhiều kiến thức, bài học về tình yêu thương con người, đức tính cần cù, chịu khó, lòng dũng cảm, tinh thần đoàn kết,...
Học Bác được xác định là vấn đề lâu dài và liên tục, nhất là trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Do đó, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Cần Đước thường tổ chức các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị, lồng ghép những kiến thức về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh qua câu chuyện kể về cuộc đời, quá trình tìm đường cứu nước, đấu tranh giải phóng dân tộc của Bác. Ban Thường vụ Huyện ủy Cần Đước còn chỉ đạo biên soạn tài liệu giáo dục lịch sử truyền thống dành cho các trường THCS và THPT trên địa bàn.
Theo đó, huyện tổ chức giáo dục tích hợp nội dung về tư tưởng Hồ Chí Minh thông qua các bộ môn: Lịch sử, Ngữ văn, Giáo dục công dân, qua các hoạt động ngoại khóa tùy theo lứa tuổi. Không những vậy, Đoàn Thanh niên của các trường học còn có các hoạt động giáo dục đoàn viên của mình về làm theo gương Bác.
Học Bác suốt đời
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Đỗ Hữu Lâm, hiện các ngành, địa phương kết hợp nội dung thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW với các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước. Các cấp, các ngành, từng cơ quan, đơn vị tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ với phương châm “sát chức năng, nhiệm vụ, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện và đánh giá việc thực hiện”.
Phát huy kết quả từ Chỉ thị 03-CT/TW, Long An tiếp tục duy trì và xây dựng thêm nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả được phổ biến, nhân rộng. Việc triển khai, quán triệt và tổ chức thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW được các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, đúng theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Nội dung việc học tập và làm theo ngày càng đổi mới, đi vào thực chất, có chiều sâu, lan tỏa trong xã hội.
Đồng thời, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với Chỉ thị 05-CT/TW đạt kết quả bước đầu, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng.
Để thực hiện tốt hơn nữa Chỉ thị 05 gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII), các cấp ủy cần xem đây là việc làm thường xuyên trong hoạt động của tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể các cấp. Trong đó, tăng cường lãnh, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ này với chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015-2020; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nêu gương của cán bộ, đảng viên trong rèn luyện, học tập và làm theo gương Bác; tích cực chủ động, thực hiện Chỉ thị 05 gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) phù hợp đặc điểm, tình hình địa phương, đơn vị; xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình hay,... tạo sức lan tỏa trong xã hội./.
Thanh Nga