Tiếng Việt | English

16/04/2016 - 21:53

Họa sĩ Đặng Ái Việt

Ký họa chân dung Mẹ Việt Nam Anh hùng với tất cả tình yêu thương

Những năm gần đây, nữ họa sĩ Đặng Ái Việt được nhiều người biết đến và yêu mến bởi chính công việc ý nghĩa mà bà đang làm - ký họa chân dung các Mẹ Việt Nam Anh hùng. 67 tuổi đời, hơn 50 tuổi nghề và hơn 5 năm đi dọc chiều dài đất nước để ký họa chân dung các mẹ, gia tài vô giá mà bà đang lưu giữ là hơn 1.500 bức chân dung Mẹ Việt Nam Anh hùng ở 63 tỉnh, thành. Bà vẫn liên tục đi, liên tục vẽ bằng tất cả tâm nguyện, sự kính trọng và tình yêu của mình dành cho các mẹ, các anh hùng liệt sĩ và hơn cả là dành cho Tổ quốc.

Trong căn hộ chung cư nhỏ mà Mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Thanh đang sống cùng con gái và cháu ngoại ở phường 6, quận 5, TP.HCM, bức ảnh chụp lại ký họa chân dung của mẹ được lồng khung, treo trang trọng. Chính mẹ Thanh cũng cảm thấy bức chân dung rất giống mình. Bức chân dung khắc họa được cả những tâm tư, tình cảm của mẹ trước những đau thương, mất mát do chiến tranh, niềm tự hào về người chồng, người con của mình đã hy sinh và tình yêu Tổ quốc vô bờ. Đó là vì họa sĩ Đặng Ái Việt thấu hiểu, cảm thông sâu sắc và chia sẻ nỗi đau của mẹ bằng chính nét vẽ của mình.

Năm nay 90 tuổi, khi hỏi về bức chân dung của mình, Mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Thanh kể: “Tui nhớ hoài, sao mà giống quá. Bữa cô ấy tới vẽ, tui vui mừng và phấn khởi vì được người tới vẽ hình cho mình. Có nhiều chị em cũng là Mẹ Việt Nam Anh hùng mà chưa được vẽ, vì hoàn cảnh ở xa nên cô ấy đi chưa tới. Hy vọng, Ái Việt sẽ vẽ cho tròn”.

Vẽ mẹ Thanh nhiều năm rồi, nhưng khi nhắc đến là họa sĩ nhớ ngay từng chi tiết về hoàn cảnh, tính tình của mẹ và cả những người đang nuôi dưỡng mẹ. Chẳng thế mà, thông thường một bức ký họa màu chỉ mất khoảng 15 phút để vẽ cơ bản và gần 2 giờ đồng hồ nữa để hoàn chỉnh, nhưng họa sĩ Ái Việt luôn dành nhiều giờ trò chuyện, thăm hỏi các mẹ trước và trong khi vẽ, đôi khi bà còn cùng dùng bữa hoặc ngủ trưa với các mẹ để cảm xúc được sâu sắc hơn. Chị Ngọc Điệp, con gái Mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Thanh nhận xét: “Cô ấy nhìn mẹ, nhìn cử chỉ và những điều tâm tư của mẹ, rồi vẽ lên được nguyện vọng của mẹ”.

Đó cũng là tình cảm của nữ họa sĩ Đặng Ái Việt dành cho gần 1.500 Mẹ Việt Nam Anh hùng được bà ký họa chân dung cùng hàng ngàn mẹ khác mà bà có kế hoạch đi và vẽ. Một mình rong ruổi từ đồng bằng Nam bộ đến tận miền núi phía Bắc, bằng những chiếc xe gắn máy đời cũ được cải tiến lại cho phù hợp, thường xuyên ăn cơm ngoài đường và ngủ ở nhà trọ, nhưng bà chưa bao giờ cảm thấy mệt mỏi, chưa bao giờ muốn dừng công việc lại, dù chỉ là trong suy nghĩ. Bà coi việc làm này không chỉ là thực hiện tâm nguyện, sự tri ân của chính mình mà còn là mong muốn của nhiều đồng chí, đồng đội đã hy sinh.

Với họa sĩ Đặng Ái Việt, mỗi bức chân dung là một sự khắc họa rất riêng, rất sâu sắc về từng người mẹ mà bà gặp và vẽ, nhưng tất cả các bà mẹ trong hàng ngàn bức chân dung ấy cũng có một nét chung rất đặc biệt: “Hàng ngàn mẹ, tôi bảo đảm không bức tranh nào giống bức tranh nào. Bởi với một mẹ là một tình cảm đặc biệt, nhưng vẫn có cái chung nhất. Đó là tấm lòng của mẹ đối với Tổ quốc này rất thiêng liêng. Đặc biệt là đôi mắt của các mẹ, dẫu mẹ vui đi nữa thì vẫn thăm thẳm nỗi buồn. Tôi vẫn gọi đó là sự bi hùng, tức là đã bi thì không lụy, các mẹ bi vẫn có bi mà hùng vẫn có hùng” - họa sĩ Ái Việt tâm sự.

Tham gia cách mạng từ khi còn rất trẻ và trưởng thành trong khói lửa chiến tranh, họa sĩ Đặng Ái Việt luôn mong muốn được vẽ chân dung những đồng đội của mình, những anh hùng và những bà mẹ vĩ đại. Kết thúc chiến tranh cũng là lúc bà phải lao vào công việc, cùng mọi người xây dựng đất nước, nuôi con, chăm sóc gia đình. Mãi đến năm 2010, khi nghỉ hưu, con cái tạm ổn, bà mới có thể dành toàn tâm toàn sức cho ước muốn của mình - ký họa chân dung các Mẹ Việt Nam Anh hùng. Giờ đây, bà chỉ mong đi được thật nhanh, đến được thật nhiều nơi, khi các mẹ còn khỏe để lưu lại những hình ảnh quý giá qua nét vẽ của mình như lời bà nói: “Tôi vẫn nói với lòng mình và nói một cách tâm linh với các liệt sĩ rằng, tôi sẽ vẽ hết những mẹ còn sống, dầu mẹ ở nơi nào, xa xôi cách mấy, tôi cũng đi cho bằng được. Tôi cũng hy vọng các mẹ sẽ chờ tôi. Dầu mẹ ở nơi nào, mẹ còn sống là dứt khoát Ái Việt sẽ đến vẽ.

Trước đây, khi người bạn đời của mình là Nghệ sĩ nhân dân Phạm Khắc còn sống, bà Đặng Ái Việt bày tỏ với ông ước muốn vẽ chân dung các Mẹ Việt Nam Anh hùng và thành lập một bảo tàng về các Mẹ Việt Nam Anh hùng. Ông từng nói ước muốn của bà là “hoang tưởng”. Giờ đây, bà làm được một phần cái gọi là “hoang tưởng” ấy - đó là vẽ chân dung các mẹ. Nhưng còn mong muốn về một bảo tàng, dù là bảo tàng nhỏ về các mẹ thì đến giờ vẫn quá xa xôi./.

Minh Hạnh

Chia sẻ bài viết