Giữ vững niềm tin
Tháng 11/1969, ông Hồ Thành Phương (bí danh 10 Phương) bị địch bắt vì có người chỉ điểm. Ở tuổi 85, trí nhớ giảm nhưng ông Phương (nguyên Trưởng ban Liên lạc Cựu tù kháng chiến (BLLCTKC) tỉnh) vẫn nhớ như in về những năm tháng bị địch bắt, tù đày. “Hôm ấy, tôi cùng 2 đồng chí đang ở hầm mật thì nghe giặc đánh pháo hạng nặng, tôi còn sống và bị bắt. Trên đường đi, tôi có ý định tự tử nhưng bất thành, địch kéo tôi đến một gò đất bên đường đánh đập, lỗ tai trái chảy nhiều máu và mất hẳn thính giác” - ông Phương nhớ lại.
Ông Hồ Thành Phương cẩn thận giữ lại những kỷ niệm về một thời “hoa lửa”
Đầu năm 1970, ông bị đày ra nhà tù Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, sau thời gian bị giam giữ tại tỉnh Đồng Nai. Mỗi ngày, địch đều tra tấn, không đánh đập thì cắt lương thực. Mọi người ăn cơm nhét muối hột để sống. Khu vực quanh chuồng cọp giam tù binh bao bọc bởi hàng rào kẽm gai, mười mấy tù binh sinh hoạt trong diện tích khoảng 10m2, mỗi người chỉ có thể ngồi khom lưng. Cơm không đủ ăn, thân thể tiều tụy, ốm yếu, bệnh tật bủa vây. Trong số tù binh, ông Phương được xếp vào loại ngoan cố. Ông bị kẻ xấu chỉ điểm đảm nhận chức danh quan trọng trong tổ chức, không chỉ đánh đập, cai ngục còn pha bột giặt, ớt băm nhuyễn và nước đổ vào mũi tra tấn. Ông suýt chết, thế nhưng những điều đó không thể làm khuất phục được ý chí của ông. Ở tù, ông vẫn hoạt động, nhiều lần đấu tranh tuyệt thực đòi quyền lợi.
Nhà tù Phú Quốc là bằng chứng sống ghi lại tội ác dã man của chế độ thực dân, đế quốc xâm lược. Hàng loạt cực hình như đóng đinh, đục răng, thiêu sống, chôn sống,... khiến người nghe không khỏi rùng mình. Theo lời ông Phương, Phú Quốc có trạm xá để trị bệnh cho tù binh, tuy nhiên nơi này không hoạt động theo đúng tên gọi của nó. Tù binh khai bị bệnh ở đâu thì địch đánh vào chỗ đó. Sau hơn 2 năm, chịu bao cực hình, tháng 3/1973, ông được trả tự do. Từ đó, ông đi học và tiếp tục tham gia cách mạng đến ngày miền Nam giải phóng.
Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng tại xã Tân Trạch, huyện Cần Đước, ông Phương sớm giác ngộ lý tưởng, tuổi thơ cơ cực, bị ngược đãi khi đi làm thuê đã tôi luyện cho ông ý chí kiên cường trước mọi khó khăn, gian khổ. Tham gia cách mạng từ năm 1953 (16 tuổi), ông luôn nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ khi tổ chức phân công. “Khi giác ngộ lý tưởng cách mạng, tôi vượt qua mọi khó khăn, gian khổ. Bóng tối của chốn lao tù bị đẩy lùi bởi ánh sáng của niềm tin, của cách mạng. Dù cuộc sống tù đày khắc nghiệt nhưng trong tiềm thức tôi luôn vững tin rồi đây cách mạng sẽ thành công” - ông Phương khẳng định.
Thời bình, ông Phương góp sức xây dựng quê hương. Năm 1995, ông tham gia ban liên lạc cựu tù binh. Khi đó, tỉnh có 2 ban (tù binh và tù chính trị). Năm 2006, tỉnh hợp nhất 2 ban với tên gọi BLLCTKC tỉnh, ông giữ chức Trưởng ban; là Ủy viên BLLCTKC toàn quốc, được phân công phụ trách khu vực miền Tây.
Năm 2018, ông nghỉ hưu vì sức khỏe yếu. Tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp 4 tại phường 4, TP.Tân An, tỉnh Long An, đôi tay run run, ông nâng niu tấm bằng khen của nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, khen thưởng tập thể chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày tại trại giam Phú Quốc. Cả cuộc đời cống hiến cho cách mạng, quê hương, ông được trao tặng nhiều huân, huy chương và bằng khen, giấy khen. Với ông Phương, đó chính là tài sản vô giá.
Nữ tù binh kiên trung
Tham gia cách mạng từ năm 16 tuổi, bà Lê Thị Tuyết (hay còn gọi Lê Thị Xinh), ngụ xã Mỹ Lạc, huyện Thủ Thừa, 2 lần bị địch bắt. Cũng như ông Phương, bà Tuyết sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng. Năm 1958, bà hoạt động bí mật; năm 1959, hoạt động nửa hợp pháp đảm nhận nhiệm vụ giao liên, phá tháp canh,...
Năm 1960, bà hoạt động chính thức. Bà được phân công làm Trưởng ban Binh vận xã Mỹ Lạc, ban có 5 thành viên phụ trách giao thư cho nội tuyến của bót Mỹ Lạc và thực hiện nhiều nhiệm vụ khác. Ngày 26/6/1960, bà vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng và được đưa về vùng yếu để tuyên truyền người dân đấu tranh đòi quyền lợi dân sinh, dân chủ, đòi thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ.
Ngày 20/7/1960, trên đường đi công tác về nhà, bà bị bắt. Địch nhiều lần tra tấn, thẩm vấn, điều tra nhưng không khai thác, thu thập được thông tin gì. Ngày 20/5/1961, bà được trả tự do sau hơn 1 năm bị giam giữ. Cũng trong năm 1961, xã Mỹ Lạc hoàn toàn giải phóng. Ngày về, bà liên hệ tổ chức tiếp tục hoạt động và kiêm thêm vai trò Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xã cùng nhiều nhiệm vụ khác. Năm 1965, bà được phân công giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Lạc.
Bà Lê Thị Tuyết từng bị đóng đinh vào tay khi bị địch bắt
Bà Tuyết chia sẻ: “Lúc bấy giờ, Mỹ Lạc trở thành vùng trắng. Tôi nhớ khi đó bộ đội liên xã và bộ đội huyện có tổng cộng khoảng 5 - 6 người về đây thành lập bộ đội xã. Chúng tôi tiếp tục xuống vùng yếu để tuyên truyền, giáo dục người dân và xây dựng cơ sở. Sau đó, tôi được điều về huyện”. Năm 1967, Trung ương có chủ trương “tập trung cho phía trước”, tức đưa cán bộ vùng nông thôn giải phóng “cấy” vào Sài Gòn để chuẩn bị cho cuộc Tổng tấn công Mậu Thân. Tháng 10/1967, bà chuyển địa bàn lên quận 6 (Sài Gòn) cùng bà Võ Thị Thắng - người con gái nổi tiếng với “nụ cười chiến thắng”.
Ở tuổi 80, bà Tuyết vẫn nhớ rõ mồn một thời gian diễn ra các trận đánh. Bà kể, đúng 0 giờ ngày 01/01/1968, lực lượng vũ trang Long An tiến vào mũi Nhà Bè, đến cầu chữ Y thì hy sinh nhiều. Nói đến đây mắt bà đỏ hoe, giọng ngắt quãng: “Đồng đội tôi chết hết, chỉ tôi và Thắng còn sống”. Kết thúc đợt 1, ngày 05/5/1968, bà và các đồng đội được chỉ đạo thực hiện cuộc tấn công đợt 2. Mỗi người được phân công bám sát địa bàn để diệt ác, phá kìm. Cuộc tấn công đợt 2 thất bại, bà Thắng chẳng may bị địch bắt, tù đày khi tham gia ám sát mật thám. Đồng đội bị bắt, bà chuyển địa bàn.
Tháng 10/1968, bà tham gia hội nghị Bình Giã. Tháng 02/1969, bà bị địch theo dõi và bắt tại phường Phú Lâm, địch lục phá nơi bà ở thì thu được 2 khẩu súng K54 và một số chất nổ. Khi bị thẩm vấn, bà khai lý lịch giả đánh lừa được địch. Kết quả, bà và bà Thắng mỗi người bảo vệ được 1 hầm súng. Thời điểm bị bắt đến ngày trao trả 05/3/1974, bà trải qua nhiều lần bị tra tấn, hành hạ từ các nhà lao Thủ Đức, Tân Hiệp, Côn Đảo, Hố Nai.
Ánh mắt kiên định, bà Tuyết khẳng định: “Chốn lao tù chỉ có thể giam cầm được thể xác nhưng không thể làm suy giảm được khí tiết của người chiến sĩ cách mạng. Bị giam giữ, tôi vẫn gắn kết cùng tập thể hoạt động. Chúng tôi tuyệt thực, đấu tranh đòi quyền giải quyết cho tù nhân tắm nắng, bữa ăn phải có rau xanh. Nhiều lớp học dã chiến mở ra tại chốn lao tù. Người biết chữ dạy cho người chưa biết chữ, người học cao dạy cho người học thấp”.
Sau giải phóng, bà làm việc tại Thành ủy TP.HCM. Năm 1979, bà về Long An công tác. Năm 1984, bà nghỉ hưu sớm do mất sức lao động. 80 tuổi đời, 62 năm tuổi Đảng, bà nhiều lần nhận các danh hiệu cao quý từ Trung ương đến địa phương. Đưa tay mân mê tấm bằng khen, bà nói “thật hạnh phúc khi đã hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng đã tin tưởng phân công”.
Thời chiến, từng bị địch bắt, tù đày, chịu đựng bao nỗi đau về thể xác, tinh thần nhưng ông Hồ Thành Phương và bà Lê Thị Tuyết luôn quyết tâm giữ vững ý chí và khí tiết của người chiến sĩ cách mạng./.
Hoài An