Ảnh: Ngọc Thạch
1. Theo nhận định của Tiến sĩ (TS) Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương (qua trả lời phỏng vấn của Tạp chí Hồn Việt, số tháng 4-2015) thì một trong các vấn đề cốt lõi của NQ 29 là chuyển nền GD từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực đã bắt đầu tạo dấu ấn trong nhận thức về GD: Từ một nền GD khép kín sang một nền GD mở. Một số chủ trương của ngành đã cơ bản đi đúng hướng đổi mới như một chương trình (CT) nhiều bộ sách giáo khoa, một kỳ thi quốc gia thay cho 2 kỳ trước đây. TS Hoàng cho rằng “chỉ mới bắt đầu” và “không ít lúng túng,… phải tiếp tục đổi mới hơn nữa chứ không được làm nửa vời”. Ông cũng cho rằng “đổi mới phải mang lại hiệu quả thiết thực”. Theo ông, bộ và ngành GD-ĐT phải có giải pháp tập hợp trí tuệ của các chuyên gia tâm huyết, cùng nhìn về một hướng, tránh sự tác động theo hướng tiêu cực của lợi ích nhóm. Và “thành công sớm hay muộn còn tùy thuộc vào năng lực của các nhà quản lý”.
2. Cũng theo TS Vũ Ngọc Hoàng, lâu nay chúng ta học để ứng thí. Bây giờ đổi cách thi để tác động ngược lại vào cách dạy và học. Thay đổi đề thi cũng là một giải pháp. Trước đây thi để kiểm tra trí nhớ của học sinh (HS), làm giống thầy mới được điểm cao thì bây giờ người nói giống thầy chỉ được điểm trung bình, còn nói khác thầy mà có lý, có cơ sở khoa học thì mới là năng lực sáng tạo, mới được điểm cao. Giữa thi cử và cách dạy, cách học có mối quan hệ mật thiết, thay đổi cái này sẽ tác động đến cái kia. Thi cử và CT có mối quan hệ mật thiết. Thi cử là một việc trong CT. Theo quan niệm mới, CT phát triển năng lực giống như như chuẩn bị cho người ta biết cách xây nhà thay vì chỉ cho người học vật liệu để làm nhà.
3. Từ lâu, chúng ta đã từng nghe nói đến GD lấy người học làm trung tâm. Khái niệm “học suốt đời” cũng xuất phát ở đây. Một khi coi HS là trung tâm thì người thầy phải biết cung cấp cho HS phương pháp tiếp cận kiến thức để HS tự cập nhật kiến thức suốt đời. Khác với kiểu GD truyền thống là chỉ có người thầy mới cung cấp tri thức cho người học; việc dạy và học trên lớp là quá trình đọc - chép”, “nhìn - chép” và người thầy chỉ làm nhiệm vụ truyền thụ kiến thức, chứ không phải dạy cho học sinh cách nghĩ, cách tư duy sáng tạo trong học tập. Ai cũng thấy, tự học là tự tìm tòi, học hỏi bằng các nguồn tri thức mà mình có thể dung nạp, đó mới là chìa khóa của tư duy sáng tạo. TS Vũ Ngọc Hoàng nêu: Nếu nghe giảng, HS tiếp thu khoảng 20%, tự học tiếp thu trên 50%, học qua công việc thì tiếp thu 80% - 90%. Công việc của người thầy là phát hiện năng lực bên trong, năng lực khác nhau của mỗi học trò, rồi tác động và kích thích cho nó phát triển, nên khó hơn công việc truyền thụ. CT phải làm sao tác động vào việc phát triển năng lực. Như vậy, người thầy vừa là một nhà khoa học, nhà GD, vừa như một nghệ sĩ. Trên tinh thần đó, CT phải hướng đến tác động để phát triển năng lực HS, tránh chỉ truyền thụ kiến thức áp đặt một chiều. Theo TS Vũ Ngọc Hoàng, năng lực thì không thể truyền thụ được, học trò không thể đi xin thầy năng lực. Thầy giáo phải là nhà văn hóa, tâm lý, nghệ sĩ phát hiện những tiềm ẩn, bí ẩn trong não con người để kích thích yếu tố bên trong đó phát triển. Phải tư duy, suy nghĩ độc lập mới có tri thức. Còn Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Lê Ngọc Trà cho thấy, ở Singapore, chính phủ quyết định cắt 30% CT giảng dạy bậc tiểu học, chuyển trọng tâm vào việc phát triển tư duy sáng tạo của HS hơn là nhồi nhét. Nga cũng “giảm tải” bằng cách bớt đi phần kiến thức để tăng phần hình thành cách nghĩ của HS. Thái Lan cũng kêu gọi nhà trường phải phát huy tiềm năng sáng tạo của HS. Theo ông, vấn đề phát triển năng lực tư duy trong trường học đã được quan tâm hàng đầu trong những nghiên cứu và chính sách GD của các quốc gia phát triển như: Mỹ, Đức, Nhật. TS Vũ Ngọc Hoàng còn nhấn mạnh rằng GD không phải để tạo ra những học trò giống thầy mà phải chuẩn bị cho thế hệ sau vượt thầy, vượt sách. Mục tiêu chính không phải là truyền thụ kiến thức, mà là phát triển năng lực. Phải mở ra kỷ nguyên tự do học thuật, tự do sáng tạo. Trách nhiệm của người thầy là tác động vào phát triển năng lực của người học bằng việc giới thiệu kiến thức cốt lõi, rồi hướng dẫn cách tiếp cận, cách giải quyết vấn đề, thông qua các tình huống, thông qua sự tương tác giữa thầy và trò. Sự tương tác này phải qua đối thoại, bình đẳng và dân chủ với nhau trong quá trình đi tìm chân lý chứ không phải là sự truyền thụ áp đặt, một chiều,… GD không phải để tạo ra những con người chỉ biết thừa hành, thụ động làm theo, nói leo…Với những dẫn giải trên đây - không ngoài tư tưởng chỉ đạo của NQ 29 - từ mấy tháng qua các trường THPT trên cả nước đều đã ráo riết chuẩn bị cho “Mùa thi đổi mới” 2015, mùa thi đầu tiên về thực hiện NQ 29 đòi hỏi mọi thí sinh phải phát huy cao nhất năng lực tư duy sáng tạo của mình khi làm bài thi. Hy vọng các thí sinh của chúng ta sẽ làm tốt điều này và chúng ta có quyền kỳ vọng đó sẽ là một mùa thi đẹp - đúng ý nghĩa với cụm từ “Đổi mới căn bản, toàn diện GD,…” mà NQ 29 đã đề ra./.
Quế Hương