Lãnh đạo tỉnh cùng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thăm gia đình chính sách. Ảnh: Kim Ngọc
PV: Ông có thể đánh giá đôi nét về việc thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa của tỉnh thời gian qua, trong đó có việc giải quyết những hồ sơ tồn đọng?
Ông Phạm Văn Bốn: Thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công (NCC) với cách mạng, tỉnh thực hiện công tác xác nhận cho các đối tượng NCC: Trên 30.000 liệt sĩ, trên 10.000 thương, bệnh binh, 5.128 Mẹ Việt Nam Anh hùng, trên 25.000 người và gia đình có công với cách mạng, trên 2.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị phơi nhiễm chất độc hóa học, hơn 2.000 người tham gia hoạt động cách mạng và kháng chiến bị địch bắt tù đày. Tỉnh đang quản lý chi trả chế độ trợ cấp hàng tháng cho gần 22.000 NCC với cách mạng, với số tiền trợ cấp trên 300 tỉ đồng/năm.
Ngoài chế độ trợ cấp hàng tháng, các chế độ ưu đãi khác được thực hiện đầy đủ và kịp thời: Bảo hiểm y tế, điều dưỡng NCC với cách mạng, chế độ trợ cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, trợ cấp ưu đãi trong giáo dục và đào tạo học sinh, sinh viên là thân nhân NCC. Công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ trên địa bàn tỉnh được các cấp, các ngành thực hiện tốt. Đến nay, quy tập và an táng 25.000 hài cốt liệt sĩ, an táng tại 10 nghĩa trang liệt sĩ. Ngoài ra, có trên 10.000 ngôi mộ liệt sĩ do gia đình quản lý. Hàng năm, Sở LĐ-TB&XH chuyển kinh phí về các huyện, thị xã, thành phố tổ chức điều dưỡng cho các đối tượng có công với cách mạng, mỗi năm khoảng 12 tỉ đồng. Thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác đền ơn đáp nghĩa, tỉnh phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, góp phần chia sẻ những khó khăn, dần cải thiện đời sống cho các đối tượng chính sách, NCC với cách mạng. Hàng năm, vận động trên 10 tỉ đồng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, xây nhà tình nghĩa và hỗ trợ gia đình chính sách gặp khó khăn ổn định cuộc sống. Các hoạt động chăm sóc đời sống NCC được duy trì thường xuyên, hầu hết NCC và thân nhân của họ được hưởng đầy đủ chế độ ưu đãi. Từ những việc làm trên, đến nay, 192/192 xã, phường, thị trấn đều được công nhận làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và NCC.
Về công tác giải quyết hồ sơ NCC tồn đọng, tỉnh thành lập hội đồng xác nhận hồ sơ ở 3 cấp (tỉnh, huyện và xã). Mỗi cấp đều thành lập thêm tổ xác minh hồ sơ NCC tồn đọng và tổ hướng dẫn thiết lập hồ sơ NCC tồn đọng. Cán bộ phải trực tiếp hướng dẫn đối tượng kê khai, thiết lập hồ sơ, trực tiếp đi khai thác tư liệu liên quan, gặp gỡ nhân chứng, photo sao lục lý lịch, không để đối tượng phải đi xác nhận hồ sơ, đi tìm người xác nhận. Ngành LĐ-TB&XH tỉnh tập trung lực lượng xem xét, thẩm định hồ sơ NCC tồn đọng. Mỗi hồ sơ đều được thông qua hội đồng xác nhận hồ sơ NCC tồn đọng ở 3 cấp; lấy ý kiến đóng góp của các đồng chí cán bộ tiền khởi nghĩa, cán bộ 2 thời kỳ kháng chiến và các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ. Các thông tin về hồ sơ được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh, Đài Phát thanh - Truyền hình Long An và Báo Long An. Ngoài ra, tỉnh còn thường xuyên xin ý kiến chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, Cục NCC.
Năm 2016 và 2017, tỉnh rà soát, xét duyệt và trình Bộ LĐ-TB&XH thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng Tổ quốc ghi công cho 23 trường hợp liệt sĩ. Hiện nay, tỉnh có 98 hồ sơ (60 liệt sĩ, 38 thương binh) mới lập sau ngày 01/7/2013 trên cơ sở 2 người chứng nhận đề nghị xác nhận NCC, sở tham mưu UBND tỉnh có công văn xin chủ trương Bộ LĐ-TB&XH cho tiếp tục thực hiện.
PV: Trong quá trình thực hiện các chế độ, chính sách cho NCC với cách mạng, tỉnh còn gặp khó khăn gì, thưa ông?
Ông Phạm Văn Bốn: Trong quá trình triển khai Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng, khó khăn nhất là công tác xác nhận hồ sơ NCC tồn đọng, do sự kiện diễn ra đã lâu, không còn nhân chứng, một trong những khó khăn lớn nhất là việc rà soát, truy tìm chứng cứ và cứ liệu lịch sử liên quan đến đối tượng.
Bên cạnh đó, một số chế độ, chính sách chưa có hướng dẫn cụ thể để thực hiện: Chế độ tiền tang lễ đối với Mẹ Việt Nam Anh hùng khi từ trần; chế độ trang cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình cho NCC, mức chi thấp hơn giá thực tế đối tượng đi làm,...
PV: Kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ năm nay, tỉnh có kế hoạch, tổ chức những hoạt động gì nhằm tri ân những NCC với nước?
Ông Phạm Văn Bốn: Tỉnh tổ chức gặp mặt, thăm hỏi, tri ân thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và NCC với cách mạng; tọa đàm, hội thảo khoa học, các hoạt động văn hóa - văn nghệ, giáo dục truyền thống lịch sử, đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thương binh, liệt sĩ và NCC với cách mạng; tổng kết và thực hiện chính sách ưu đãi NCC với cách mạng. Tập trung rà soát, giải quyết căn bản các hồ sơ tồn đọng theo chỉ đạo của Trung ương và tỉnh; thực hiện đầy đủ, kịp thời, chế độ ưu đãi, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng chính sách ưu đãi NCC để trục lợi. Xây dựng kế hoạch và biện pháp cụ thể, thiết thực nhằm giúp gia đình có công với cách mạng thoát nghèo bền vững và có mức sống cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú; hoàn thiện việc hỗ trợ gia đình có công với cách mạng khó khăn về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg, ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Thăm, tặng quà gia đình chính sách, người có công ở xã Thừa Đức, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Ảnh: Kim Ngọc
Phát huy đạo đức công vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ để thực hiện tốt công tác thương binh - liệt sĩ, đặc biệt là cán bộ, công chức, viên chức ngành LĐ-TB&XH. Tập trung tu bổ, sửa chữa, nâng cấp các công trình ghi công liệt sĩ (nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm liệt sĩ, đền thờ liệt sĩ, nhà bia ghi tên liệt sĩ); tiếp tục thực hiện việc rà phá bom mìn; tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; tổ chức thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ, dâng hương tại các nghĩa trang liệt sĩ trên toàn tỉnh vào chiều tối ngày 26/7/2018. Vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa; tổ chức các đoàn thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách và tặng quà của Chủ tịch nước đến NCC kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng trước Ngày Thương binh - Liệt sĩ; đưa đoàn Mẹ Việt Nam Anh hùng và NCC đi điều dưỡng, tham quan; tổ chức lễ giao - nhận, truy điệu, an táng hài cốt liệt sĩ và tổ chức hội nghị sơ kết công tác quy tập mộ liệt sĩ hy sinh ở Campuchia giai đoạn XVII (2017-2018).
PV: Để thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa đối với NCC, tỉnh có những cách làm gì nhằm huy động mọi tầng lớp nhân dân cùng tham gia?
Ông Phạm Văn Bốn: Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tình cảm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và NCC với cách mạng; tiếp tục duy trì xây dựng xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và NCC với cách mạng; tập trung giải quyết các hồ sơ tồn đọng qua các thời kỳ, giải quyết nhanh, gọn những phát sinh mới. Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những vi phạm, biểu dương những gương làm tốt; quan tâm chăm lo giáo dục và đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tạo điều kiện để gia đình NCC với cách mạng có thu nhập ổn định và không còn thuộc diện hộ nghèo; tiếp tục tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và thực hiện lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đẩy mạnh xã hội hóa phong trào đền ơn đáp nghĩa.
PV: Xin cảm ơn ông!
Thanh Tuyền (Thực hiện)