Lễ hội Làm Chay ở Châu Thành
Lễ hội Làm Chay (thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành) diễn ra vào ngày 16 tháng Giêng, có nguồn gốc từ lễ trai đàn của Phật giáo để cầu siêu cho anh linh nghĩa sĩ hy sinh trong thời kỳ đầu chống Pháp, do được hình thành trong không gian văn hóa Nam bộ với những đặc thù về lịch sử, văn hóa của địa phương, đã dung hợp và tổng hòa các yếu tố tôn giáo, tín ngưỡng dân gian bản địa, tín ngưỡng dân gian cộng đồng người Hoa, hình thành một hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng dân gian đa dạng với không gian văn hóa mở rộng so với nguyên thủy với nhiều hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng, nghi lễ, phong tục, diễn xướng dân gian, các cuộc thi tài, vui chơi, ẩm thực và các hoạt động giao tiếp và gắn kết xã hội khác.
Lễ hội vía bà Ngũ Hành (xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc) diễn ra vào ngày 18, 19, 20 tháng Giêng, là một lễ hội dân gian tín ngưỡng thờ Mẫu (Ngũ Hành Nương Nương), có biểu hiện của lễ Kỳ Yên Nam bộ nhưng do tính chất thờ nữ thần nên có thêm nghi thức hát bóng rỗi, một hình thức diễn xướng tổng hợp được hình thành từ sự tiếp nhận, chắt lọc của nhiều dòng văn hóa, có chức năng thực hành nghi lễ, với các trò diễn dân gian như khai tràng, thỉnh tổ-chầu mời, dâng bông, dâng mâm, bán lộc, an vị, mời tiên ra tuồng, Phước Lộc, Địa - Nàng, nghinh bà…, qua đó cho thấy có sự dung hợp văn hóa đặc trưng Nam bộ như bóng dáng của văn hóa Chăm trong nghệ thuật múa, Hoa trong nội dung, đề tài và nghi thức cúng tế, Việt trong nhạc lễ và đặc biệt trò diễn dân gian vui nhộn của Nam bộ. Suốt hơn 3 ngày, hàng chục ngàn người hành hương về đây để chiêm bái, cầu an, hội hè vui chơi và giao lưu cộng đồng.
Đại lễ Kỳ Yên đình Tân Phước Tây (xã Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ) diễn ra vào ngày 15 tháng Chạp, là lễ tế Thần Hoàng Bổn Cảnh, do 3 năm đáo lệ 1 lần quy mô lớn với các nghi thức cúng tế đặc trưng của lễ hội đình làng Nam bộ nên gọi là Đại lễ Kỳ Yên, như: Khai môn thượng kỳ, Mộc dục, Tiền hiền, Hậu hiền và Tiền vãng, Hậu vãng, Tỉnh sanh, Ế mao huyết, Đoàn cả, Tế hậu sở, Lễ xây chầu, Đại bội, Hát tuồng, Tôn soái. Lễ hội là nơi bảo lưu những giá trị truyền thống văn hóa tâm linh, hướng về cội nguồn, chuyển giao văn hóa, liên kết cộng đồng, góp phần hình thành nét văn hóa làng xã Nam bộ. Yếu tố thiêng liêng đó vừa làm phong phú đời sống tinh thần, vừa có sức cộng cảm, củng cố tình đoàn kết xóm, ấp, tình yêu quê hương, đất nước.
Cúng Việc lề là một dạng tập quán xã hội - tín ngưỡng giới hạn trong cộng đồng gia tộc, dòng họ, xuất phát từ đạo thờ cúng tổ tiên của người Việt, được hình thành trong quá trình khai phá, khẩn hoang vùng đất Nam bộ, với những nghi thức có nội dung đan xen theo trình tự: Trước là cúng tổ tiên dòng họ, sau là cúng cầu an, cúng đất và cúng thí thực nhưng có những “ký hiệu riêng” của từng dòng họ để tái hiện cuộc sống nhọc nhằn, cơ cực của tổ tiên thời xưa đi khẩn hoang và nhận diện dòng họ. Nhiều dòng họ ở Long An còn giữ được nghi thức đặc thù thể hiện tinh thần của tín ngưỡng này, như họ Nguyễn của Nguyễn Trung Trực (Thạnh Đức, Bến Lức), họ Đỗ của Đỗ Tường Phong, Đỗ Tường Tự (Dương Xuân Hội, Châu Thành), họ Lê (Đức Tân, Tân Trụ), họ Võ (Mộc Hóa), họ Nguyễn (Đức Hòa Thượng, Đức Hòa),... Đây là di sản văn hóa có tính giáo dục cao để củng cố tế bào xã hội, gắn kết cộng đồng gia tộc và tinh thần quê hương, đất nước.
Nghề dệt chiếu lác ở Long An tập trung ở xã Long Cang, Long Định, Long Sơn (huyện Cần Đước), thị trấn Bến Lức (huyện Bến Lức) và xã An Nhựt Tân (huyện Tân Trụ), với Long Định được xem là một trong những cái nôi của nghề này ở Long An và Nam bộ. Nghề thủ công truyền thống này có lịch sử gắn liền với quá trình người Việt khai mở đất phương Nam ở Long An, nắm giữ bí quyết dệt đan truyền thống, làm ra nhiều sản phẩm đẹp và có tiếng, là di sản văn hóa bảo lưu tri thức dân gian của địa phương, hiện được tỉnh quy hoạch trong danh sách làng nghề cần bảo tồn và phát triển.
Đây là lần đầu tiên Long An có DSVHPVT được đưa vào danh mục quốc gia. Văn hóa tinh thần luôn hiện hữu, gần gũi và hòa quyện vào trong cuộc sống chúng ta một cách thường nhật, ở mọi lúc, mọi nơi và mọi góc độ. Nhưng nhận diện nó và ứng xử nó với tư cách là di sản với thuật ngữ DSVHPVT là vấn đề hết sức mới mẻ, ngay cả với những người làm công tác di sản văn hóa. Đây là kết quả của quá trình chỉ đạo và tổ chức thực hiện trong bối cảnh cả nước vừa làm, vừa tiếp cận và dần nhận thức từ khi công tác này được bắt đầu triển khai ở Long An năm 1997. Đặc biệt, từ khi được luật hóa trong Luật Di sản văn hóa năm 2001 được sửa đổi, bổ sung năm 2009, được cụ thể hóa bằng Nghị định 98/2010/NĐ-CP của Chính phủ, công tác này được tăng cường đẩy mạnh. Sau khi có Thông tư 04/2010/TT-BVHTTDL, ngày 30-6-2010 hướng dẫn “Quy định việc kiểm kê DSVHPVT và lập hồ sơ khoa học DSVHPVT để đưa vào Danh mục DSVHPVT quốc gia”, UBND tỉnh tại Công văn số 694/UBND-VX, ngày 14-3-2011 đã chỉ đạo triển khai công tác kiểm kê DSVHPV trên địa bàn tỉnh. Theo Thông tư 04, DSVHPVT được đưa vào danh mục quốc gia phải được lập hồ sơ khoa học thể hiện các tiêu chí: Có tính đại diện, thể hiện bản sắc của cộng đồng, địa phương; phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ; có khả năng và tồn tại lâu dài; được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ.
Việc 5 DSVHPVT ở Long An được đưa vào danh mục quốc gia sẽ tác động tích cực đến nhận thức chung, là tin vui, đồng thời cũng đặt ra trách nhiệm của các cấp quản lý và đặc biệt là vai trò của cộng đồng với tư cách là chủ thể di sản về bảo tồn và phát huy DSVHPVT trong tương lai. Đặc biệt, đình Tân Xuân với Lễ hội Làm Chay là di sản đầu tiên ở tỉnh có giá trị kép (vật thể và phi vật thể) khi đình Tân Xuân vừa được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia tại Quyết định số 4109/QĐ-BVHTTDL, ngày 12-12-2014.
NGUYỄN TẤN QUỐC