Hiện vật "Bảo vật Hoàng cung - Kim sách triều Nguyễn tại triển lãm. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
Trưng bày chuyên đề “Bảo vật Hoàng cung - Kim sách triều Nguyễn (1802-1945)” đã chính thức khai mạc ngày 31/3 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Đây là lần đầu tiên Bảo tàng giới thiệu đầy đủ nội dung và có hệ thống về kim sách triều Nguyễn cùng những giá trị lịch sử văn hóa, nghệ thuật của kim sách, nhằm giúp công chúng trong nước, quốc tế tiếp cận, thưởng lãm và tìm hiểu về bộ sưu tập quý giá này.
Kim sách triều Nguyễn (1802-1945) là một loại thư tịch cổ đặc biệt, được làm từ các kim loại quý, dùng để ghi lại việc chính sự, lễ nghi triều đình như sự kiện các hoàng đế lên ngôi, lập thái tử, hoàng hậu hoặc ghi công, phong tước và dâng, ban tôn hiệu, tôn thụy cho hoàng thân, quốc thích...
Lời sách do đích thân các hoàng đế hoặc các đại thần biên soạn. Việc chế tạo được giao cho Hữu ty thuộc bộ Lễ thực hiện.
Tiến sỹ Nguyễn Văn Đoàn, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết lần này Bảo tàng giới thiệu đến công chúng 22 cuốn kim sách tiêu biểu trong số 94 cuốn kim sách của 13 đời vua triều Nguyễn mà Bảo tàng đang lưu giữ.
Đây chỉ là một phần nhỏ trong số hơn 3.000 bảo vật triều Nguyễn mà Bảo tàng tiếp nhận từ năm 1945 khi vua Bảo Đại thoái vị.
Ngoài 22 cuốn kim sách, Bảo tàng còn giới thiệu đến công chúng 10 kim bảo liên quan; 2 hộp đựng kim sách… Tất cả đều được làm từ kim loại quý, chạm khắc tinh xảo…
Trưng bày kim sách lần được trình bày theo 6 nội dung. Đầu tiên là kim sách dâng tôn hiệu cho chúa Nguyễn Hoàng, người đầu tiên vào lập nghiệp và xây dựng chính quyền chúa Nguyễn ở đàng Trong, tạo tiền đề thành lập triều Nguyễn sau này.
Người có công đầu tiên trong việc mở rộng lãnh thổ về phương Nam là chúa Nguyễn Phúc Chu; chúa Nguyễn Phúc Khoát là ông nội vua Gia Long - người đầu tiên xưng vương.
Phần thứ 2 là kim sách về việc các hoàng đế lên ngôi và hoàng đế đời sau dâng tôn thụy cho hoàng đế đời trước.
Tiếp theo là các phần trưng bày kim sách phong lập hoàng thái tử; kim sách tấn phong hoàng hậu; kim sách tấn tôn hoàng thái hậu,tấn phong cho các cung phi và giáng chức.
Phần thứ 6 trưng bày kim sách “Đế hệ thi” và nối tiếp “Đế hệ thi.”
Theo nhiều nhà nghiên cứu, cuốn kim sách đầu tiên của triều đại này được vua Gia Long làm phong tặng phụ thân vào năm Bính Dần 1806.
Cuốn kim sách này có khổ 24,5cmx13,5cm gồm 2 tờ dầy, nặng hơn làm bìa; 4 trang mỏng ghi nội dung ca ngợi công danh, sư nghiệp vẻ vang của vị Hoàng đế.
Cuốn sách được đóng bằng 4 khuyên vàng có tổng trọng lượng tới 37 lượng 4 phân (1,4kg) vàng. Tấm bìa chạm nổi hình rồng 5 móng bay vờn trong mây. Các trang trong chia thành 5 cột viết chữ...
Vua Gia Long cũng là người cho viết nhiều kim sách nhất trong số các đời vua triều Nguyễn với 36 cuốn.
Nhân dịp trưng bày này, Bảo tàng Lịch sử quốc gia cũng tiếp nhận sưu tập hiện vật gốm niên đại từ thế kỷ I đến thế kỷ III sau công nguyên và lon sành thời Lê do tiến sỹ Phạm Dũng (Trường Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương) hiến tặng; sách “Tổng tập sắc phong Việt Nam” tập 1 do giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Khắc Thuần - Viện trưởng viện Nghiên cứu kỷ lục tặng Bảo tàng.
Cuốn sách này do ông dịch, chú giải các sắc phong thần được vua Thiệu Trị, Tự Đức ban tặng anh linh các nhân vật giàu công đức với dân. Sách in độc bản trên vải lụa theo đúng tỷ lệ sắc phong, khổ 81x126 cm, nặng 150kg…
Trưng bày chuyên đề “Bảo vật Hoàng cung - Kim sách triều Nguyễn (1802-1945)” sẽ diễn ra đến tháng 8 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia./.
Theo TTXVN