Mô hình kinh doanh gà rán được anh Đinh Hoài Phong thực hiện hiệu quả
Thành công từ kinh doanh gà rán
Hưởng ứng phong trào thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, anh Đinh Hoài Phong (SN 1988) mạnh dạn chọn mô hình kinh doanh gà rán và bước đầu gặt hái được thành công. Được biết, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, anh Phong đã làm nhiều ngành, nghề khác nhau. Năm 2014, anh về công tác tại UBND xã Quê Mỹ Thạnh, huyện Tân Trụ, làm công chức Địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường. Ngoài ra, hiện tại, anh còn là Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên xã Quê Mỹ Thạnh.
Anh Phong chia sẻ: “Sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông, kinh tế không khá giả, tôi luôn cố gắng làm sao cho kinh tế gia đình được phát triển hơn, nhất là trong thời kỳ công nghệ hiện đại như ngày nay, rất dễ cho thế hệ trẻ tiếp cận và phát triển. Năm 2019, một lần tôi và vợ vô tình mua gà rán tại một xe bán ven đường tại TP. HCM và nhận thấy giá bán chỉ bằng 1/2 so với mua tại các cửa hàng thức ăn nhanh. Từ đó, vợ chồng tôi quyết định nhượng quyền gà rán với điểm bán đầu tiên tại xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ”.
Với hương vị đặc trưng của thịt gà, lớp bột giòn rụm nên món gà rán của vợ chồng anh Phong được thực khách hài lòng ngay từ lần đầu thưởng thức. Cũng từ đó, ngày càng có nhiều thực khách đến ủng hộ, giúp anh có thu nhập ổn định hơn. Không dừng lại ở đó, anh Phong còn thuê mặt bằng và mở thêm 4 điểm bán gà rán tại xã Nhơn Thạnh Trung (TP.Tân An), xã Nhị Thành (huyện Thủ Thừa), thị trấn Tầm Vu (huyện Châu Thành) và thị trấn Tân Trụ. Ngoài món gà rán, anh còn bán thêm nhiều món ăn vặt như khoai lắc, cá viên chiên,… kèm các loại thức uống. Được biết, tại mỗi điểm, mỗi ngày anh Phong bán khoảng 100 phần gà rán, sau khi trừ chi phí, anh có lãi khoảng 500.000 đồng/ngày/điểm bán.
Anh Phong chia sẻ, có được như ngày hôm nay, vợ chồng anh đã trải qua rất nhiều khó khăn, vất vả nhưng với nhiệt huyết của tuổi trẻ nên không nản lòng, mặc dù nhiều lần gặp khó khăn.
Quyền Bí thư Huyện đoàn Tân Trụ - Nguyễn Tấn Đạt cho biết: “Anh Phong là đoàn viên thanh niên có tâm huyết, dám nghĩ dám làm, không những là gương thanh niên kinh doanh giỏi mà còn sống có tình nghĩa, mọi người xung quanh đều quý mến. Gia đình anh luôn gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia tốt các phong trào do địa phương phát động. Mô hình kinh doanh của anh đã góp phần giúp một số lao động trẻ có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống”.
Khởi nghiệp từ may gia công tại nhà
Chị Trần Thị Bích Hợp (SN 1986) - hội viên (HV) phụ nữ ấp 2, xã An Thạnh, huyện Bến Lức, được biết đến là một phụ nữ đảm đang, tháo vát, nhiệt tình trong mọi hoạt động của Hội; đồng thời, là tấm gương sáng cho những HV khác noi theo trong việc phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương mình.
Năm 2013, sau khi có thêm đứa con thứ 2, chị Bích Hợp bận bịu việc chăm sóc các con nên không thể tiếp tục làm công nhân và đang loay hoay không biết làm gì để trang trải cuộc sống thì chị được một người quen giới thiệu nghề may gia công tại nhà. Thấy công việc khá phù hợp, ban đầu chị mua 1 máy may lập trình cũ trị giá khoảng 45 triệu đồng và nhận các sản phẩm từ TP.HCM về gia công, trung bình thu nhập mỗi tháng hơn 6 triệu đồng. Tuy nhiên, có những lúc cao điểm, đơn hàng nhiều không làm kịp, vì vậy chị mạnh dạn mua thêm 1 máy may nữa để chồng phụ lúc rảnh rỗi. Trung bình mỗi tháng, vợ chồng chị nhận đánh quai từ 2.000-3.000 sản phẩm túi xách các loại, thu nhập từ 12-16 triệu đồng/tháng, vươn lên ổn định cuộc sống.
Không những làm giàu cho bản thân, chị Trần Thị Bích Hợp còn hướng dẫn nghề may cho nhiều hội viên phụ nữ tại địa phương
Ngoài làm kinh tế, điều đáng quý ở gia đình chị Bích Hợp là tinh thần phấn đấu xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ. Anh chị luôn hòa thuận, yêu thương nhau, làm gương cho con; việc chăm sóc, nuôi dạy các con luôn chu đáo, vẹn toàn. Anh chị giáo dục để các con hiểu được ý nghĩa của việc học tập, lao động, từ đó khuyến khích con luôn tự giác rèn luyện, phấn đấu học tập tốt; đồng thời, dạy các con biết kính trọng, lễ phép với mọi người. Gia đình chị luôn tham gia đầy đủ các phong trào, cuộc vận động do Chi hội Phụ nữ ấp phát động. Hàng năm, gia đình chị đều được công nhận gia đình văn hóa.
Có thể nói, chị Trần Thị Bích Hợp là tấm gương điển hình về tinh thần cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất, biết vươn lên làm giàu chính đáng. Những thành quả đạt được hôm nay của chị thật đáng trân trọng. Chị đã góp phần tô thắm thêm hình ảnh đẹp của người phụ nữ Việt Nam, xứng đáng là tấm gương sáng để chị em phụ nữ học tập và noi theo.
Hy vọng, thời gian tới, phong trào thanh niên, phụ nữ khởi nghiệp tiếp tục phát huy hiệu quả và có sức lan tỏa mạnh mẽ để ngày càng có nhiều thanh niên, phụ nữ dám nghĩ, dám làm, dám học hỏi như anh Phong, chị Bích Hợp./.
Minh Tuệ - Việt Hằng - Lê Hạnh