Tiếng Việt | English

20/11/2016 - 14:27

Lãnh đạo các nước thành viên TPP cam kết nỗ lực thực thi hiệp định

Ngày 19/11, các nhà lãnh đạo của 12 nước thành viên Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã nhất trí thúc đẩy các nỗ lực thực thi thỏa thuận thương mại tự do này, trong bối cảnh Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump phản đối hiệp định.

 

Các nhà lãnh đạo các nước thành viên TPP tại cuộc họp ở Lima. (Nguồn: AFP/TTXVN)Hãng thông tấn Kyodo dẫn lời một quan chức cấp cao của Nhật Bản cho biết trong cuộc gặp ở thủ đô Lima (Peru) bên lề Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), các nhà lãnh đạo 12 nước thành viên TPP tái khẳng định thúc đẩy các thủ tục trong nước, như đưa ra quốc hội phê chuẩn để hiệp định có hiệu lực. Các nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hiệp định cả về kinh tế lẫn chiến lược trong việc đảm bảo ổn định, thịnh vượng của khu vực.

Theo quan chức trên, mặc dù chưa rõ liệu hiệp định TPP có đi vào hiệu lực khi chính quyền của ông Trump lên nắm quyền hay không, song các nhà lãnh đạo không thảo luận khả năng thực thi TPP mà không có sự tham gia của Mỹ.

Quan chức trên dẫn lời Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết chính quyền của ông sẽ tiếp tục các nỗ lực để thúc đẩy sự ủng hộ trong nước đối với TPP.

Trong khi đó, Nhà Trắng cho hay Tổng thống Obama "đã thảo luận về sự ủng hộ của ông đối với các thỏa thuận thương mại tiêu chuẩn cao như TPP, giúp cân bằng sân chơi cho người lao động Mỹ và tăng cường lợi ích và giá trị trong khu vực châu Á-Thái Binh Dương có kinh tế năng động và tầm quan trọng chiến lược."

Ông Obama cũng hối thúc các nhà lãnh đạo các nước thành viên TPP tiếp tục cùng nhau nỗ lực để thúc đẩy hiệp định.

Về phần mình, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nêu rõ: "Nếu các nước thành viên ngừng thủ tục trong nước, thì hiệp định TPP sẽ chết hoàn toàn. Điều này sẽ dẫn đến việc không thể kiềm chế chủ nghĩa bảo hộ."

Các nước tham gia TPP gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam, đều là thành viên APEC. Các nền kinh tế khác thuộc APEC gồm Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Indonesia, Papua New Guinea, Philippines, Nga, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Thái Lan.

Tại hội nghị APEC lần này, 21 nền kinh thành viên dự kiến nhấn mạnh tầm quan trọng của thương mại tự do, thị trường mở, trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với tăng trưởng thương mại trì trệ và chủ nghĩa bảo hộ ngày càng tăng./.

TTXVN

Chia sẻ bài viết