Tiếng Việt | English

05/09/2017 - 14:50

Lãnh đạo đảng đối lập Campuchia bị buộc tội phản quốc, gián điệp

Một tòa án Campuchia đã buộc tội phản quốc và hoạt động gián điệp đối với lãnh đạo đảng Cứu nguy Dân tộc (CNRP) đối lập, ông Kem Sokha, xung quanh cáo buộc cấu kết với nước ngoài.

Lãnh đạo đảng Cứu nguy Dân tộc đối lập Campuchia Kem Sokha (phải) bỏ phiếu tại điểm bầu cử ở thủ đô Phnom Penh, ngày 04/6. (Nguồn: EPA/ TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Campuchia, Cơ quan Công tố bên cạnh Tòa sơ thẩm Phnom Penh ngày 05/9 đã chính thức truy tố ông Kem Sokha, Chủ tịch đảng Cứu nguy dân tộc (CNRP) đối lập, về tội “câu kết với nước ngoài” theo Điều 443, phần về Hành vi Phản quốc và Gián điệp, Luật hình sự Campuchia.

Thông báo ngày 05/9 của cơ quan công tố trên nêu rõ dựa trên những lời phát biểu công khai của ông Kem Sokha trong đoạn video clip được đăng tải thời gian gần đây, cùng với các chứng cứ được các cơ quan chức năng Campuchia thu thập được và đối chiếu với trả lời của nghi can cho thấy rõ, ông Kem Sokha đã câu kết với nước ngoài, làm gián điệp và phản bội đất nước kể từ năm 1993 cho đến nay.

Do vậy, cơ quan này khẳng định việc bắt giữ và truy tố ông Kem Sokha là phù hợp với Luật Tố tụng Hình sự, Hiến pháp và Luật về Nghị sỹ Quốc hội của Campuchia.

Theo người phát ngôn của Cơ quan Công tố bên cạnh Tòa sơ thẩm Phnom Penh, ông Ly Sophana, với tội danh này, ông Kem Sokha có thể đối mặt với mức án lên tới 30 năm tù.

Hiện hồ sơ vụ án đã được chuyển đến Thẩm phán Tòa sơ thẩm Phnom Penh để tiến hành các thủ tục tố tụng theo luật định.

Trước đó, ngày 03/9, lực lượng chức năng Campuchia đã bắt giữ ông Kem Sokha, do có chứng cứ từ đoạn video clip được trang CBN (Cambodian Broadcasting Network) có trụ sở tại Australia và một số chứng cứ khác cho thấy rõ ông Kem Sokha và đồng bọn đã câu kết bí mật với nước ngoài nhằm lật đổ chính phủ hợp pháp tại Campuchia.

Sau vụ bắt giữ, hàng loạt cơ quan nhà nước và lực lượng vũ trang Campuchia đã ra thông cáo lên án hành vi phản quốc của ông Kem-Sokha, ủng hộ chính phủ và đề nghị tòa án xử lý nghiêm trường hợp này.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) lại ra thông cáo bày tỏ quan ngại đối với vụ việc này; cho rằng vụ việc dường như có động cơ chính trị./. 

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết