Tiếng Việt | English

23/03/2016 - 09:33

Lao vẫn còn là bệnh nguy hiểm

Hiện nay, bệnh lao vẫn là bệnh nhiễm trùng gây tử vong đứng hàng đầu trên thế giới. Vì thế, ngày 24-3 hằng năm được chọn làm Ngày thế giới phòng chống lao. Để mọi người có thêm thông tin về căn bệnh này, phóng viên (PV) Long An online có cuộc trao đổi với Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh – Bác sĩ Nguyễn Đức Hồng.

PV: Xin bác sĩ cho biết tình hình bệnh lao ở tỉnh Long An hiện nay?

Bác sĩ Nguyễn Đức Hồng: Tình hình phát hiện bệnh lao các loại (gồm lao phổi, lao ngoài phổi mới và tái trị) ở tỉnh ta trong 5 năm (2011-2015) bình quân 145 bệnh nhân (BN)/100.000 dân/năm so với số trung bình toàn quốc là 112-110 BN/100.000 dân/năm. Đối với phát hiện lao phổi dương tính mới mắc bình quân 78 BN/100.000 dân/năm so với số trung bình toàn quốc là 55 BN/100.000 dân/năm.

PV: Làm thế nào để bảo đảm không bỏ sót bệnh nhân lao, thưa bác sĩ?

Bác sĩ Nguyễn Đức Hồng: Trước hết, cần có sự cam kết của chính quyền các cấp đối với công tác phòng, chống lao, trong đó sự quan tâm của lãnh đạo y tế các cấp là then chốt và sự ủng hộ của cộng đồng nhằm tiến tới khống chế và thanh toán hoàn toàn bệnh lao trong cả nước.

Thứ hai, tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh đa khoa công lập và tư nhân cần tạo phản xạ “nghi lao” đối với bất kỳ ai có triệu chứng trên lâm sàng (ho khạc kéo dài trên 2 tuần,...) hoặc có bất thường trên phim phổi thì động viên người bệnh đi thử đàm tìm vi trùng lao.

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về bệnh lao trên các phương tiện thông tin đại chúng và truyền thông trực tiếp để người dân tự biết cách chăm sóc sức khỏe, phòng, chống và điều trị bệnh lao đúng cách.

PV: Xin bác sĩ thông tin thêm về tình trạng lao đa kháng thuốc và cách điều trị?

Bác sĩ Nguyễn Đức Hồng: Đây không chỉ là vấn đề riêng của Long An mà còn của tất cả các tỉnh, thành trong cả nước, đặc biệt là các tỉnh thuộc khu vực Nam bộ - vùng có số người mắc bệnh lao cao nhất nước.
Mặc dù, Long An duy trì được kết quả điều trị bệnh lao phổi dương tính mới chữa khỏi trên 90% từ những năm 1990 đến nay bằng Chiến lược DOTS, nhưng trong số những trường hợp không khỏi (thất bại) sẽ có những người bệnh lao nghi đa kháng thuốc, cần được chẩn đoán xác định và điều trị với phác đồ lao đa kháng thuốc của Chương trình chống lao quốc gia.

PV: Long An làm gì để góp phần phòng, chống lao hiệu quả, thưa bác sĩ?

Bác sĩ Nguyễn Đức Hồng: Chiến lược quốc gia phòng, chống lao đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 374/QĐ-TTg ngày 17-4-2014. Hiện nay, các tỉnh, thành trong cả nước (trong đó có Long An) đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai chiến lược. Tỉnh Long An đang hoàn thiện kế hoạch và sẽ phê duyệt kế hoạch giai đoạn 2016-2020 để triển khai thực hiện, từ đó góp phần phòng, chống bệnh lao hiệu quả hơn.

PV: Xin cảm ơn bác sĩ về cuộc trao đổi này! 

Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 12 trong 22 nước có tình hình dịch tễ lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 14 trong số 27 nước có gánh nặng lao đa kháng thuốc cao nhất thế giới.

Năm 2015, tỉnh Long An quản lý hơn 2.200 bệnh nhân lao (trong đó có 52 bệnh nhân lao đa kháng thuốc). Các huyện có số bệnh nhân mắc lao cao: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc. Các bệnh nhân mắc bệnh lao phần lớn là nông dân, công nhân và có tuổi đời trung bình từ 26 đến 60 tuổi.

Thanh Bình

Chia sẻ bài viết