Tiếng Việt | English

23/02/2024 - 08:46

Lễ hội Làm Chay: Nét đẹp truyền thống và hiện đại

Lễ hội Làm Chay bắt đầu được tổ chức vào khoảng cuối thế kỷ XIX nhằm cúng tế các nghĩa sĩ trận vong trong phong trào yêu nước chống Pháp, cầu siêu cho các vong linh, ma quỷ để chúng không làm hại con người và cầu an cho làng xóm. Đến nay, lễ hội ngày càng phát triển, duy trì những giá trị truyền thống tốt đẹp; đồng thời, trở thành “điểm hẹn” không thể bỏ qua của người dân huyện Châu Thành, tỉnh Long An và khách thập phương.

Giữ gìn truyền thống

Ngay từ những ngày đầu khởi phát, Lễ hội Làm Chay đã mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc và điều đó được gìn giữ, phát triển cho đến tận sau này. Tất cả nghi thức trong lễ hội đều nhằm cầu siêu cho các vong linh, cầu bình an cho người dân.

Với nhiều hoạt động phong phú kéo dài từ ngày 14 tháng Giêng đến 24 giờ ngày 16 tháng Giêng, lễ hội là sự dung hợp hài hòa giữa các tôn giáo tại địa phương, nổi bật là Phật giáo và Cao Đài giáo. Các nghi thức cúng tế được tổ chức luân phiên nhằm cầu siêu và cầu mưa thuận gió hòa, bình an, thuận lợi cho người dân.

Ông Lê Quang Trung (thành viên Ban Quản lý đình Tân Xuân) cho biết: “Lễ hội Làm Chay đã trở thành truyền thống của người dân huyện Châu Thành nên khi tổ chức lễ hội hàng năm, chúng tôi luôn chú trọng giữ gìn nguyên vẹn các nghi lễ trong lễ hội nhằm lưu giữ các giá trị quý giá trong đời sống tinh thần của người dân. Khi thực hiện các nghi thức cúng tế, các thành viên đều mặc lễ phục, vừa trang trọng, vừa thể hiện sự tôn kính và trang nghiêm của lễ hội”.

Được tổ chức chính tại đình Tân Xuân nhưng trên thực tế, Lễ hội Làm Chay diễn ra trong không gian từ đình Tân Xuân đến chùa Linh Phước, chùa Ông, miễu Điền, miếu Âm Nhơn, Thánh thất Phương Quế Ngọc Đài, sông Tầm Vu,... với nhiều nghi thức khác nhau: Khai kinh quân đàn tụng cầu an (Phật giáo), tế lễ anh hùng liệt sĩ (Cao Đài giáo), đề phan liệt sĩ (Phật giáo), cúng tế anh hùng liệt sĩ và người đã mất (tổ nghi lễ thuộc Ban Quản lý đình Tân Xuân),...

Chiêu u là nghi thức truyền thống, có tính nhân văn trong Lễ hội Làm Chay (Trong ảnh: Sư thầy cúng vái tại điểm chiêu u)

Một điều đặc biệt thể hiện tính nhân văn sâu sắc trong Lễ hội Làm Chay được gìn giữ cho đến hôm nay là nghi thức chiêu u (cúng cô hồn). Đoàn đến các địa điểm chiêu u trên toàn huyện cúng vái, thỉnh cô hồn về giàn Ông Tiêu. Các điểm chiêu u do người dân chuẩn bị, dưới sự cho phép và giám sát của chính quyền địa phương nhằm cúng tế các vong linh không nơi nương tựa (theo quan niệm dân gian). Ngoài ra, đoàn chiêu u còn có nghi thức thắp hương tưởng niệm, viếng mộ tại Nghĩa trang Liệt sĩ liên huyện Châu Thành - Tân Trụ. Đoàn chiêu u có sự tham gia đông đảo của người dân tạo thành đám rước dài, làm nên nét riêng của Lễ hội Làm Chay.

Nghi thức rước Ông Tiêu được tổ chức trang trọng, là điểm nhấn đặc biệt trong Lễ hội Làm Chay

Một nghi thức quan trọng không thể thiếu trong Lễ hội Làm Chay thu hút đông đảo người dân chính là rước Tiêu diện đại sĩ (Ông Tiêu). Theo ông Lê Quang Trung, Ông Tiêu là hiện thân của Quán Thế Âm bồ tát, đầu có 3 sừng, có lưỡi làm bằng giấy hồng dài nửa mét là nơi tập trung mọi phép thuật.

Ông Tiêu được tạo hình cao 2m, đặt tại chùa Linh Phước, sau đó rước về chùa Ông rồi rước lên giàn tại đình Tân Xuân. Xô giàn đốt Ông Tiêu, phát lộc vào đêm 16 tháng Giêng nhằm cầu may mắn, bình an trong năm mới là nghi thức được chờ đợi nhất.

Hòa cùng sự phát triển

Ngoài phần lễ với các nghi thức truyền thống, Lễ hội Làm Chay còn có phần hội với nhiều hoạt động: Trò chơi dân gian, múa lân, hát bội,...

Ngoài việc gìn giữ các giá trị truyền thống tốt đẹp, Lễ hội Làm Chay còn tiếp nhận và hòa cùng sự phát triển của xã hội. Không phải ngẫu nhiên mà Lễ hội Làm Chay thu hút hàng chục ngàn người từ khắp mọi nơi về tham gia. Những năm gần đây, ngoài phần lễ, Lễ hội Làm Chay còn có phần hội với nhiều hoạt động: Trò chơi dân gian, múa lân,... thu hút người dân mọi lứa tuổi.

Hầu như năm nào cũng có mặt trong Lễ hội Làm Chay, anh Huỳnh Tấn Hoàng (xã Phước Tân Hưng, huyện Châu Thành) chia sẻ: “Trong số các trò chơi tại Lễ hội Làm Chay thì trò bắt vịt được chờ đợi nhất. Vịt thả dưới sông và mọi người thi nhau bắt. Có năm tôi cũng bắt được vịt, coi như có lộc đầu năm”.

Đối với người dân huyện Châu Thành, Lễ hội Làm Chay vừa là sự kiện đáng chờ đợi, vừa là niềm tự hào nên dù “buôn bán bộn bề” thì “Làm Chay mười sáu” cũng luôn “nhớ về Tầm Vu”. Dù đã rời quê định cư tại Australia gần 20 năm nhưng năm nào ông Phạm Thế Hùng (thị trấn Tầm Vu) cũng về quê ăn tết và tham gia Lễ hội Làm Chay. Không chỉ tham gia, ông Hùng còn là thành viên “cốt cán” trong đội chuẩn bị xe hoa tại lễ hội.

Ông Hùng bộc bạch: “Tôi tham gia làm ghe đăng, xe hoa từ những năm 1990. Lễ hội là hồn cốt của quê hương, truyền thống của ông bà nên tôi không thể nào bỏ được. Tham gia lễ hội ai có công bỏ công, ai có tiền bỏ tiền, tất cả chung một tấm lòng, không ai so đo, tị nạnh. Cả bạn bè tôi ở Australia, nhiều năm không về được cũng hướng về lễ hội bằng cách phụng cúng kinh phí tổ chức”. Nhờ có sự đồng lòng của người dân, Lễ hội Làm Chay ngày càng phát triển về quy mô, thu hút đông đảo du khách gần xa đến tham gia.

Linh vật rồng của đội xe hoa năm nay dài 10m, mắt có đèn màuvà hàm cử động được, dự kiến sinh động hơn các năm trước

Ông Nguyễn Văn Mười (Đội trưởng Đội làm xe hoa tại Lễ hội Làm Chay) cho hay: “Lễ hội Làm Chay tổ chức thành công là có sự đồng lòng của rất nhiều người. Mọi người tham gia chuẩn bị, đóng góp kinh phí hoàn toàn tự nguyện, mỗi người một chút tấm lòng. Các linh vật, trang trí trên xe hoa, ghe đăng hay cổng chào lễ hội sắc sảo, nghệ thuật là có sự đóng góp của các nghệ nhân, người dân trong vùng. Năm nay, linh vật rồng của xe hoa có mắt bằng đèn màu, thiết kế hàm có thể cử động được, chắc chắn sinh động hơn linh vật các năm trước vì kỹ thuật và tay nghề của các anh em ở đây ngày một cao hơn”.

Là một trong những lễ hội đông đúc nhất tỉnh dịp đầu xuân nhưng từ trước đến nay, Lễ hội Làm Chay không xảy ra tình trạng giẫm đạp, xô đẩy hay biến tướng, tạo hình ảnh phản cảm. Làm Chay vẫn luôn được biết đến là lễ hội đầy ắp tiếng cười; các nghi thức dễ xảy ra biến tướng đều được chính quyền địa phương đồng hành và giám sát chặt chẽ; người dân cũng nâng cao ý thức, giữ gìn sự trong sáng, tốt đẹp của lễ hội.

Hơn 30 năm tham gia Lễ hội Làm Chay, ông Hồ Văn Nghĩa (thị trấn Tầm Vu) khẳng định: “Chưa năm nào hoạt động xô giàn, phát lộc xảy ra tình trạng giẫm đạp nhau. Chúng tôi phát và nhận lộc trong sự vui vẻ và chia sẻ lẫn nhau. Một vài năm trở lại đây, khi nhận định lượng khách đến tham gia lễ hội quá đông, ban tổ chức linh động phát lộc trước giờ xô giàn, điểm phát lộc tổ chức phân tán để tránh tập trung quá đông người, ai nấy đều vui vẻ nhận lộc, vừa vui vừa ấm áp”.

Bên cạnh đó, nghi thức chiêu u với sự tham gia của đông đảo người dân tạo thành đám rước dài, náo nhiệt luôn có sự đồng hành, giám sát của lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát hình sự, dân phòng,... Các điểm chiêu u được tổ chức văn minh.

Mỗi năm một lần, Lễ hội Làm Chay với sự giao thoa hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, vừa đáp ứng nhu cầu đời sống tâm linh, thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, vừa thu hút người dân trong tháng Giêng - trở thành cái tết thứ 2 không thể thiếu tại huyện Châu Thành./.

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết