Tiếng Việt | English

29/06/2022 - 15:08

LHQ cảnh báo tình hình mất an ninh tại trại tị nạn Al-Hol ở Syria

Tại trại tị nạn Al-Hol ở Syria, khoảng 106 vụ giết người xảy ra tại trại này kể từ đầu năm 2021, nhiều nạn nhân trong các vụ này là phụ nữ; trong khi trẻ em từ 12-14 tuổi thường bị tách khỏi gia đình.


Người tị nạn Syria tại tỉnh Idlib. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Liên hợp quốc ngày 28/6 đã hối thúc chính phủ các nước hồi hương công dân đang sống tại trại tị nạn Al-Hol ở Syria, trong bối cảnh có hơn 100 người thiệt mạng tại đây trong vòng 18 tháng qua.

Nằm ở Đông Bắc Syria và do người Kurd kiểm soát, trại tị nạn Al-Hol là một cơ sở lưu trú dành cho người di tản. Tại đây hiện có khoảng 56.000 người sinh sống, trong đó khoảng 27.000 người là công dân Iraq và khoảng 19.000 người là công dân Syria. Nhiều người trong số này được cho là vẫn duy trì quan hệ với tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Điều phối viên của Liên hợp quốc tại Syria - ông Imran Riza - cho biết trại Al-Hol ngày càng mất an toàn và những trẻ em sinh sống tại đây đang đối mặt với một tương lai u ám. Theo ông, hiện khoảng 94% số người sống tại trại Al-Hol là phụ nữ và trẻ em.

Ông Riza nhấn mạnh vấn nạn bạo lực giới tại trại Al-Hol, theo đó khoảng 106 vụ giết người xảy ra tại trại này kể từ tháng 1/2021, nhiều nạn nhân trong các vụ này là phụ nữ. Trong khi đó, những trẻ em ở độ tuổi từ 12-14 thường bị tách khỏi gia đình và đưa tới một trung tâm khác, nơi các em có xu hướng bị cực đoan hóa và gia nhập các nhóm vũ trang.

Ông Riza cho rằng giải pháp duy nhất là giải tỏa khu trại này. Theo ông, một số người tị nạn Iraq đã được hồi hương, tuy nhiên nhiều quốc gia khác từ chối tiếp nhận trở lại các công dân của mình.

Syria hiện cũng phải đối mặt với nhiều khủng hoảng cả về chính trị, kinh tế và xã hội. Xung đột bùng phát năm 2011 đã nhanh chóng trở thành một cuộc xung đột phức tạp với sự tham gia của nhiều bên, trong đó có các nhóm thánh chiến và những thế lực nước ngoài. Bạo lực đã cướp đi sinh mạng của khoảng 500.000 người, trong khi hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa.

Theo ông Riza, sự cấp thiết đối với các hoạt động nhân đạo tại Syria hiện nay ở mức chưa từng có và đang gia tăng, với 14,6 triệu người cần hỗ trợ nhân đạo - tăng 1,2 triệu người kể từ năm 2021 và cao nhất kể từ khi xung đột bắt đầu bùng phát.

Ông cho biết: “Tác động đối với người dân Syria rất nặng nề, hơn 90% dân số nước này sống dưới mức nghèo khổ"./.

Thanh Phương (TTXVN/Vietnam+)

Chia sẻ bài viết