Tiếng Việt | English

13/08/2016 - 00:10

Liên doanh Vietsovpetro đạt tổng doanh thu trên 74 tỷ USD

 

Cụm giàn Công nghệ trung tâm số 2 (mỏ Bạch Hổ). (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Ngày 12/8, Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro đã tổ chức Lễ kỷ niệm 35 năm thành lập (1981-2016) và 30 năm khai thác tấn dầu thô đầu tiên (1986-2016).

Tới dự buổi lễ có nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, đại diện bộ, ngành hai nước Việt Nam và Liên bang Nga, Đại sứ quán Nga tại Việt Nam, Tập đoàn dầu khí Zarubezneft của Nga, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam...

Ghi nhận những thành công của Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro, tại buổi lễ kỷ niệm, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã thừa ủy quyền của Chủ tịch nước gắn Huân chương Quân công hạng Ba lên lá cờ truyền thống của đơn vị.

Nhân dịp này, nhiều đơn vị, cá nhân của tập thể lao động quốc tế Vietsovpetro đã được Nhà nước, Chính phủ Việt Nam, Liên bang Nga tặng thưởng Huân chương Lao động, Huân chương Bảo vệ tổ quốc, Huân chương Hữu nghị, bằng khen...

Phát biểu tại buổi lễ, đánh giá cao những nỗ lực, thành công của tập thể lao động quốc tế Vietsovpetro trong những năm qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng bày tỏ cảm ơn Chính phủ, nhân dân Liên bang Nga trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc hiện nay, trong đó, cụ thể là các thế hệ lãnh đạo, chuyên gia, kỹ sư, cán bộ công nhân viên người Nga đã góp công lớn phát triển Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro cũng như ngành dầu khí Việt Nam.

Để vượt qua khó khăn, thúc đẩy Vietsovpetro phát triển trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu đơn vị tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm gồm: đẩy mạnh công tác tìm kiếm, thăm dò để gia tăng trữ lượng dầu khí, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, trong đó, ưu tiên tìm kiếm ở những vùng nước sâu, xa bờ, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đơn vị mở rộng hợp tác dầu khí, nhất là ở Liên bang Nga và các nước thuộc Liên Xô cũ; đầu tư, nghiên cứu, áp dụng công nghệ tiên tiến để khai thác an toàn, hiệu quả các vùng mỏ hiện có, tận thu tối đa và tiết kiệm tài nguyên, xây dựng công nghệ khai thác khí và condensate.

Đơn vị nhanh chóng thực hiện tái cấu trúc Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro theo hướng tối ưu hóa các vị trí làm việc; tiếp tục xây dựng, bảo trì các nhà giàn DK để bảo vệ chủ quyền đất nước; phát huy truyền thống đoàn kết trong tập thể lao động quốc tế Vietsovpetro góp phần củng cố và nâng cao mối quan hệ giữa hai nước.

Trong 35 năm hình thành và phát triển, Vietsovpetro đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Cụ thể, đã thực hiện một khối lượng rất lớn công tác thăm dò địa chất dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam với hơn 44.000km tuyến địa chấn 2D, gần 10 km2 địa chấn 3D, 91 giếng khoan tìm kiếm-thăm dò và 452 giếng khai thác với tổng cộng gần 2,2 triệu mét khoan.

Đơn vị đã phát hiện 7 mỏ dầu-khí có trữ lượng công nghiệp góp phần đưa Việt Nam trở thành nước khai thác dầu đứng thứ 3 Đông Nam Á; xây dựng tổ hợp các công trình bờ đảm bảo cung ứng dịch vụ cho các hoạt động thăm dò, khai thác, vận chuyển dầu khí và đưa vào hoạt động 14 gian khai thác cố định, 26 giàn nhẹ, 2 giàn công nghệ trung tâm...

Tổng doanh thu bán dầu của Vietsovpetro đạt trên 74 tỷ USD, nộp ngân sách và lợi nhuận phía Việt Nam gần 47 tỷ USD và lợi nhuận phía Nga gần 11 tỷ USD, đồng thời cung cấp vào bờ hơn 30 tỷ mét khối khí đồng hành, góp phần thúc đẩy công nghiệp khí, điện, đạm phát triển, đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước...

Cùng ngày, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cùng đại diện các bộ, ngành Trung ương đã dự lễ khánh thành và bàn giao Giàn khoan tự nâng Tam Đảo 05 giữa Công ty cổ phần chế tạo Giàn khoan dầu khí (PV Shipyard) cho Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro tại bãi chế tạo của PV Shipyard ở thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu).

Giàn khoan tự nâng Tam Đảo 05 được thiết kế theo mẫu JU-2000F của Friede and Goldman (Hoa Kỳ) với tổng khối lượng 18.000 tấn. Giàn có thể chịu tải tới gần 3.000 tấn, khoan tới mỏ dầu khí có độ sâu 9.000 mét, có khả năng làm việc ở điều kiện khắc nghiệt của môi trường và hoạt động an toàn trong bão cấp 12.

Đây là giàn khoan tự nâng hiện đại, tổng trọng lượng rất lớn, nhưng tập thể cán bộ công nhân viên PV Shipyard thi công, chế tạo thành công và cơ quan ABS (Hoa Kỳ) đã đăng kiểm cho thấy trình độ, năng lực của đơn vị đạt tới trình độ quốc tế.

Trước đó, PV Shipyard đã thi công, chế tạo thành công giàn khoan tự nâng Tam Đảo 03 đã được bàn giao cho Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro đưa vào sử dụng hiệu quả trong 4 năm qua.

Giàn khoan tự nâng Tam Đảo 05 có tổng giá trị 230 triệu USD do Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro làm chủ đầu tư được khởi công chế tạo từ ngày 25/3/2014./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết