Tiếng Việt | English

21/02/2023 - 11:14

Liên kết đào tạo - 'Chìa khóa' nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp

Hiện nay, nguồn nhân lực chất lượng cao được xem là “chìa khóa” quan trọng giúp Long An cạnh tranh, thu hút đầu tư và hội nhập quốc tế. Do đó, đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp bằng cách liên kết đào tạo là việc làm thiết thực, hiệu quả, phù hợp với nhu cầu thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Linh hoạt, chuẩn hóa, hiện đại

Thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện toàn tỉnh có 25 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (CSGDNN), trong đó, có 10 cơ sở công lập, 15 cơ sở ngoài công lập. Ngoài ra, tỉnh có nhiều doanh nghiệp (DN), hộ sản xuất cá thể, làng nghề tham gia đào tạo nghề, truyền nghề dưới nhiều hình thức, thu hút khá đông lao động tham gia học nghề. Những năm qua, tỉnh đặc biệt quan tâm đến công tác GDNN với mục đích nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đang liên kết với nhiều trường cao đẳng, đại học, tổ chức quốc tế,... góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp

Xác định tầm quan trọng của nguồn nhân lực chất lượng cao, các CSGDNN đã liên kết với các trường đại học, cao đẳng ngoài tỉnh như Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng (TP.HCM) và tổ chức quốc tế như Tổ chức Phát triển hợp tác Đức (GIZ),... để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội. Các đơn vị đã ký kết sẵn sàng chia sẻ bộ giáo trình giảng dạy; cử giáo viên đến tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho các CSGDNN của tỉnh; tham gia đào tạo giáo viên;...

Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long - PGS.TS Cao Hùng Phi cho biết: “Vừa qua, trường có ký kết thỏa thuận hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu khoa học với Trường Cao đẳng Long An. Nội dung thỏa thuận hợp tác gồm đào tạo đại học hình thức vừa làm, vừa học; liên thông từ trình độ trung cấp, cao đẳng lên đại học; đào tạo sau đại học; bồi dưỡng và đánh giá kỹ năng nghề cho học viên; đào tạo cấp chứng chỉ an toàn lao động, vệ sinh lao động; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm; trao đổi giảng viên, tạo điều kiện tham quan, học tập chuyên môn, kinh nghiệm, kỹ năng quản lý và các lĩnh vực liên quan; hợp tác nghiên cứu khoa học, dự án, các nhu cầu cần thiết, phát triển nguồn nhân lực của tỉnh Long An. Bản ký kết thỏa thuận đang được hai bên triển khai, thực hiện tốt”.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Nguyễn Đại Tánh (bìa trái) thăm và làm việc tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long

Không chỉ tham gia liên kết đào tạo với các trường đại học, cao đẳng, các CSGDNN còn linh hoạt “bắt tay” với trên 200 DN đưa học sinh, sinh viên tham gia thực tập tại các công ty, xí nghiệp. Đây được xem là môi trường thuận lợi giúp học sinh, sinh viên tiếp cận nhanh, có cơ hội trải nghiệm thực tế để tự tin và sẵn sàng làm việc sau khi tốt nghiệp. Đối với DN, liên kết đào tạo giúp giảm chi phí liên quan đến tuyển dụng, tiếp cận được các ứng viên tốt, phù hợp yêu cầu, giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động hiện tại. Về phía các CSGDNN, liên kết đào tạo giúp đơn vị nắm bắt, xây dựng và thiết kế nội dung chương trình đào tạo đúng nhu cầu của DN; khai thác tốt các cơ sở vật chất, thiết bị và công nghệ của DN.

Giám đốc Nhà máy Sản xuất bao AD*STAR Tú Phương (Cụm công nghiệp Lợi Bình Nhơn, xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An) - Bùi Tú Định chia sẻ: “Nhà máy luôn sẵn sàng phối hợp Trường Cao đẳng Long An đào tạo nghề cho học sinh, sinh viên. Thực tế, nhà máy luôn cần công nhân có tay nghề để phục vụ tốt nhu cầu sản xuất với các ngành nghề như cơ điện tử, điện công nghiệp,... Trong quá trình thực tập, nhà máy còn trợ cấp tiền xăng, ăn uống cho học sinh, sinh viên, nhất là sẵn sàng giữ lại học sinh, sinh viên có kỹ năng tốt. Những học sinh, sinh viên này không cần phải qua giai đoạn thử việc mà được tuyển thẳng vào nhà máy làm việc”.

Đúng với định hướng chỉ đạo của tỉnh

Thông qua liên kết đào tạo, các CSGDNN từng bước điều chỉnh cơ cấu ngành nghề gắn với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Đặc biệt, ngoài những ngành nghề truyền thống, các CSGDNN còn đầu tư mở thêm những ngành nghề mới mà DN trong các khu, cụm công nghiệp và thị trường cần. Kết quả, trên 90% học sinh, sinh viên tốt nghiệp tại các CSGDNN có việc làm hoặc tự tạo việc làm.

Doanh nghiệp tham quan, chia sẻ kinh nghiệm tại Trường Cao đẳng Long An

Tại buổi làm việc và chúc tết Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nhân dịp Xuân Quý Mão năm 2023, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được khẳng định: “Việc các CSGDNN liên kết các trường đại học, cao đẳng để nâng cao chất lượng đào tạo nghề rất đúng với định hướng, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy bước tiến mới trong lĩnh vực GDNN. Thực tế, tỉnh còn thiếu rất nhiều nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Việc liên kết sẽ góp phần giúp tỉnh có nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng, đáp ứng tốt cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0”.

Tuy nhiên, hiện nay, lao động qua đào tạo của tỉnh chỉ đạt 73,35%, trong đó, có bằng cấp, chứng chỉ trên 32%. Với con số này cho thấy, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ của tỉnh còn khá khiêm tốn. Điều này càng khẳng định, công tác GDNN của tỉnh còn bộc lộ nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, mạng lưới CSGDNN phân bố chưa hợp lý, chủ yếu tập trung TP.Tân An và các huyện phát triển về công nghiệp; quy mô tuyển sinh hàng năm tăng nhưng còn thấp so với tiềm năng, nhu cầu của thị trường lao động; cơ sở vật chất ở một số CSGDNN chật hẹp, xuống cấp, chưa đạt chuẩn theo quy định; thiết bị đào tạo còn thiếu về số lượng, chủng loại theo quy định danh mục thiết bị đào tạo tối thiểu; đội ngũ nhà giáo còn thiếu về số lượng so với quy mô đào tạo và một số chưa đạt chuẩn về kỹ năng thực hành theo quy định giảng dạy; chương trình đào tạo chậm được cập nhật, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tiến bộ khoa học, công nghệ trong sản xuất;...

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngày càng được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Tấn Hòa đề nghị ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nghề, trong đó, gắn đào tạo nghề với nhu cầu của DN, gắn DN để đào tạo nghề. Tăng cường liên doanh, liên kết trong đào tạo nghề, phối hợp các trường: Đại học Mở TP.HCM, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long, Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng,... để mở rộng ngành nghề, nâng cao chất lượng đào tạo. Phối hợp ngành Giáo dục và Đào tạo thực hiện tốt công tác phân luồng học sinh vào học nghề, đưa kết quả thực hiện phân luồng học sinh vào chỉ tiêu bình xét thi đua hàng năm của địa phương, đơn vị.

Các CSGDNN đang thực hiện tốt định hướng chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong việc liên kết đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Tin rằng, các CSGDNN tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt, khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết