Tiếng Việt | English

29/09/2021 - 15:15

Liên kết hợp tác - Hướng đi mới cho cá tra vùng Đồng Tháp Mười

Không còn nuôi nhỏ, lẻ, việc tham gia hợp tác xã (HTX), liên kết với các công ty (Cty), doanh nghiệp tạo đầu ra, đầu vào ổn định cho con cá tra được xem là hướng đi mới cho người nuôi cá tra vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An.

Nông dân tham gia hợp tác xã, được liên kết với các công ty, doanh nghiệp nên giá bán cá tra ổn định, không bị thua lỗ

Nông dân tham gia hợp tác xã, được liên kết với các công ty, doanh nghiệp nên giá bán cá tra ổn định, không bị thua lỗ

Năm 2017, người dân vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh tự chuyển đổi từ đất trồng lúa năng suất thấp sang nuôi cá tra giống và việc nuôi cá tra giống phát triển đến năm 2019 với trên 3.500ha. Việc bùng phát nuôi cá tra dẫn đến tình trạng cung vượt cầu nên giá cá tra xuống thấp, nhiều nông dân thua lỗ nặng, thậm chí lâm cảnh nợ nần. Đến nay, diện tích nuôi cá tra của vùng Đồng Tháp Mười chỉ còn gần 1.300ha với trên 890 hộ nuôi. Trong 9 tháng năm 2021, giá cá tra thương phẩm tiếp tục duy trì ở mức thấp, từ 19.000-21.000 đồng/kg, giá cá tra giống dao động từ 18.000-25.000 đồng/kg, với giá bán này, người nuôi bị lỗ hoặc có lãi thấp.

Có thể thấy, diện tích nuôi cá tra giống giảm theo từng năm nhưng giá cá tra vẫn không tăng. Nguyên nhân nông dân bị thương lái ép giá, phải qua nhiều trung gian, chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa nhà nông và doanh nghiệp, bình quân mỗi kilôgam cá, nông dân phải trả cho bên trung gian ít nhất 2.000 đồng. Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hưng - Lê Văn Uông Thanh chia sẻ: Trước đây, nông dân nuôi cá tra chủ yếu bán cho thương lái. Lúc nào nguồn cung nhiều thường bị thương lái ép giá. “Trước thực trạng này, ngành Nông nghiệp thành lập nhiều HTX về nuôi thủy sản, trong đó có cá tra nhằm liên kết người nuôi với doanh nghiệp, tránh tình trạng thương lái ép giá”.

Cuối năm 2018, HTX Nuôi trồng thủy sản Hưng Thạnh (huyện Tân Hưng) được thành lập, có 79 thành viên tham gia với 130ha ao nuôi cá tra giống. Năm 2019, giá cá tra giống xuống thấp, người nuôi thua lỗ nặng, không có khả năng nuôi tiếp nên một số ao được san lấp để sản xuất lúa, một số người không có vốn thì để ao trống. Trước định hướng của ngành Nông nghiệp huyện, HTX liên kết Cty Cổ phần Vĩnh Hoàn, có 18 thành viên tham gia liên kết, nuôi diện tích 18ha, sản lượng đạt 140 tấn. Trong đó, có 13 thành viên (nuôi gần 11ha) bán cá tra giống cho Cty, sản lượng gần 110 tấn, giá bán dao động từ 22.000-27.000 đồng/kg (tùy thời điểm và kích cỡ con giống), cao hơn giá thị trường 1.500-2.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, người nuôi có lợi nhuận 5-6 triệu đồng/tấn. Mức lợi nhuận thấp là do giá thức ăn và thuốc thủy sản tăng cao, thời tiết diễn biến phức tạp làm năng suất thấp. 5 thành viên còn lại (nuôi trên 7ha) không bán cho Cty vì kích cỡ cá không đạt theo yêu cầu quy định do nông dân không đủ vốn đầu tư thức ăn, từ đó phải bán cho thương lái bên ngoài.

Giám đốc HTX Nuôi trồng thủy sản Hưng Thạnh - Phạm Thanh Phong cho biết: “Lợi ích khi người nuôi cá tra giống tham gia HTX là bảo đảm được đầu ra, không bị thương lái ép giá; đồng thời, HTX cũng liên kết với các Cty, doanh nghiệp để mua thức ăn, thuốc thủy sản chất lượng, giá cả hợp lý. Mặc dù lợi nhuận từ nuôi cá tra không nhiều nhưng nông dân không bị thua lỗ. So với những người nuôi cá tra giống bên ngoài thì việc nuôi cá của các thành viên HTX ổn định và bền vững hơn”.

Điều kiện để được Cty Vĩnh Hoàn liên kết thu mua là cá tra phải rõ nguồn gốc, có giấy chứng nhận, ao nuôi cách kênh không quá 100m,... Với những điều kiện của Cty đặt ra, ngành Nông nghiệp chủ động mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật về nuôi cá tra giống, hỗ trợ cấp giấy xác nhận,... Trước những lợi thế của việc liên kết với Cty Vĩnh Hoàn, cuối năm 2020, HTX Nuôi trồng thủy sản Tân Hưng cũng mạnh dạn ký kết với Cty Vĩnh Hoàn.

Giám đốc HTX Nuôi trồng thủy sản Tân Hưng - Nguyễn Thành Nhã chia sẻ: “Thời điểm năm 2015, giá cá tra giống lên đến 60.000 đồng/kg nên nông dân ồ ạt đào ao nuôi cá. Khi cung vượt cầu, giá do người mua quyết định. Và khi người nuôi tham gia HTX thì được thỏa thuận giá bán cá tra, tránh bị thương lái ép giá”.

Hiện nay, về vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh, dễ dàng nhìn thấy hình ảnh hàng trăm ao từng nuôi cá tra giống đang bỏ trống do người nuôi không có tiền san lấp ao hoặc không có tiền đầu tư nuôi các loại thủy sản khác. Do đó, việc liên kết giữa HTX và các Cty, doanh nghiệp để tạo đầu ra cho cá tra được xem là hướng đi mới cho người nuôi ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết