Tiếng Việt | English

18/08/2023 - 18:48

Liên kết sản xuất, tiêu thụ thanh long thương phẩm còn hạn chế

Nhằm nâng cao chất lượng và tạo đầu ra thuận lợi cho trái thanh long, chiều nay 18/8, Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang tổ chức hội nghị thúc đẩy kết nối, tiêu thụ trái thanh long.

Đến nay, tỉnh Tiền Giang có 4 huyện trồng cây thanh long thương phẩm là huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây, Tân Phước, Gò Công Đông với diện tích khoảng 9.000ha, sản lượng 260.000 tấn/năm.

Trong tổng số diện tích trồng cây thanh long có hơn 70% thanh long ruột đỏ, 28% thanh long ruột trắng; hơn 2.000 ha cây thanh long trồng theo tiêu chuẩn Viet GAP, 110 ha GlobalGAP. Về hiệu quả kinh tế, trái thanh long ruột trắng cho lợi nhuận gần 93 triệu đồng/ha/năm, trái thanh long ruột đỏ cho thu nhập đến hơn 239 triệu đồng/ha/năm.


Hội nghị đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ trái thanh long tại Tiền Giang

Thời gian qua, trái thanh long ở tỉnh Tiền Giang tiêu thụ thông qua các thương lái, HTX hay DN thu mua; trong đó có hơn 85% sản lượng xuất khẩu qua thị trường Trung quốc. Tùy theo thời điểm mà giá cả và đầu ra của trái thanh long khác nhau, thậm chí ế ẩm; khâu liên kết giữa nông dân - DN- HTX chưa bền vững, còn phục thuộc vào tác động của yếu tố thị trường, người trồng thường bị ép giá; tình hình dịch bệnh đối với cây thanh long diễn biến phức tạp. Hiện nay, toàn tỉnh có 18 hợp tác xã sản xuất, kinh doanh trái thanh long với khoảng 1.650 ha; cấp 77 mã số vùng trồng, 215 mã số cơ sở đóng gói cho trái thanh long để phục vụ nhu cầu xuất khẩu.

Tại hội nghị các đại biểu cho rằng, đầu ra trái thanh long chưa ổn định, chất lượng trái chưa cao, dịch bệnh nhất là bệnh đốm nâu chưa được khống chế; khâu liên kết sản xuất và tiêu thụ trái thanh long chưa thật sự chặt chẽ, nhất là khâu tiêu thụ. Mô hình liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn "sạch" còn hạn chế, chưa đảm bảo về sản lượng để xuất khẩu sang các thị trường khó tính; công tác cấp mã số vùng trồng còn tỉ lệ thấp.  


Ông Trần Hoàng Nhật Nam, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang phát biểu tại hội nghị

Do đó, để cây thanh long phát triển ổn định trong thời gian tới cần đẩy mạnh chuỗi liên kết giữa các nhà, hài hòa lợi ích giữa các bên; trong đó nông dân là chủ thể trong sản xuất.

Ông Châu Minh Hải, Giám đốc công ty TNHH Thương mại HK (TP Mỹ Tho) - DN có nhiều năm liên kết với nông dân, HTX sản xuất trái thanh long chia sẻ, khi tiến hành liên kết, DN đưa đầu vào theo quy trình sản xuất, hỗ trợ cho nông dân nợ vốn, vật tư đến cuối vụ khi bán trái thanh long mới trả tiền. “Đầu ra của thanh long DN có đối tác là HTX ký riêng với nông dân. Khó khăn trong việc tuân thủ quy trình là một câu chuyện nhưng DN quan tâm nhất là đầu ra vì đầu vào DN đã chịu trách nhiệm", ông Hải nói.

Nhật Trường/VOV-ĐBSCL

Chia sẻ bài viết